Giới thiệu cuốn sách "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông"

10/08/2017 16:55 GMT+7
Cuốn sách "Kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông" tập trung nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm phát triển chương trình giáo dục phổ thông của một số quốc gia trong khu vực và thế giới nhằm khái quát những vấn đề cơ bản nhất về xu thế phát triển chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới, từ đó nêu lên những đề xuất, khuyến nghị cho Việt Nam trong việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau 2015

 

Cuốn sách được các chuyên gia nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam biên soạn trên cơ sở thu thập các thông tin từ việc hồi cứu nhiều nguồn tư liệu phong phú khác nhau. Đồng thời Viện đã cử các chuyên gia tới một số nước để trực tiếp tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông của các quốc gia đó. Đặc biệt, Viện đã mời các chuyên gia từ các nước có nền giáo dục tiên tiến đến Việt Nam để trao đổi những vấn đề Việt Nam đang quan tâm trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh những thông tin phong phú về quá trình đổi mới giáo dục phổ thông từ rất nhiều nước trên thế giới, các tác giả lựa chọn nghiên cứu sâu về kinh nghiệm phát triển chương trinh giáo dục phổ thông của một số quốc gia liêu biểu, cụ thể: Hàn Quốc, Malaysia, Liên Bang Nga, Phần Lan, Trung Quốc.

Nội dung cuốn sách gồm 6 chương: Chương một giới thiệu tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông, với những thông tin được tổng hợp từ kết quả nghiên cứu sâu về giáo dục phổ thông của 5 nước nêu trên, đồng thời tham khảo các nghiên cứu về giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Chương này giúp người đọc hình dung được một bức tranh chung để có một cái nhìn tổng thể các vấn đề phát triển chương trình giáo dục phổ thông của các nước, đồng thời nêu ra các khuyến nghị chung Việt Nam có thể học tập trong việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới. Từ chương hai đến chương sáu tập trung mô tả và phân tích những thông tin chi tiết các kinh nghiệm phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Phần Lan, Trung Quốc, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về một số quốc gia để có sự so sánh đối chiếu với Việt Nam. Về thực chất, các chương này là các nghiên cứu sâu về việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông của 5 nước. Trong nghiên cứu sâu này cũng đề cập đến các yếu tố quan trọng chi phối đến đặc điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông của từng nước (điều kiện kinh tế - xã hội, sự thay đổi thể chế chính trị, triết lí giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân....).

Những thông tin này giúp người đọc có thể tự đưa ra những kết luận và bài học cho bản thân, mặc dù trong từng chương có kết luận và kiến nghị, nhưng chỉ là từ góc nhìn chủ quan của người nghiên cứu. Phần phụ lục giới thiệu chương trình một số môn học tiêu biểu của 5 nước như một minh chứng cụ thể về phát triển chương trình giáo dục phổ thông của các quốc gia đó. Các phụ lục được chọn lọc để phản ánh một cách khá đồng bộ và có hệ thống về các loại chương trình khác nhau theo các cấp học, môn học khác nhau. Các chương được viết theo một cấu trúc khá thống nhất bao gồm các nội dung chính: Điều kiện kinh tế - xã hội và tác động đến giáo dục; Hệ thống giáo dục quốc dân; Nền tảng triết lí giáo dục; Các chu kì đổi mới giáo dục; Mục tiêu giáo dục phổ thông; Các lĩnh vực nội dung và hoạt động dạy học chính; Phân cấp quản lí chương trình giáo dục; Quy trình xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông; Một số điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; Một số kiến nghị bước đầu đối với Việt Nam. Tuy nhiên, do có những đặc điểm riêng nổi bật về một số nội dung ở một vài nước nên trong từng chương có thể khác biệt đôi chút về cấu trúc. Cuối mỗi chương đều có nêu tài liệu tham khảo để người đọc tiện tra cứu.