Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 100

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 100, Tháng 1/2014

NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Lộc,  Bùi Việt phú.
Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa phổ thông
     Đổi mới, hiện đại hóa chương trình và SGK phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” của Đảng ta. Bài viết trình bày rõ: 1/ Đặc điểm chung của hệ thống GD quốc dân; khái quát về hệ thống GD một số nước. Về các chu kì đổi mới chương trình, SGK và việc điều hành SGK PT ở một số nước trên thế giới; 2/ Từ kinh nghiệm của các nước và thực tiễn ở Việt Nam để xây dựng quy trình tổ chức, thực hiện chương trình và mô hình SGK, đồng thời đề cập việc tổ chức thí điểm chương trình, SGK sau năm 2015; 3/ Những quan điểm tiếp cận mới theo hướng hình thành năng lực và phát triển bền vững đối với chương trình, SGK Việt Nam sau năm 2015. Đồng thời, đề xuất ba nhóm giải pháp cần quan tâm để góp phần thực hiện có hiệu quả vào việc xây dựng chương trình và mô hình SGK hiện đại sau năm 2015.
2. Nguyễn Thị Lan Phương.
 Đề xuất định hướng xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra, chuẩn đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông mới
     Trên cơ sở cần xác định mục tiêu chương trình (CT) giáo dục phổ thông (GDPT) đảm bảo người học có thể đạt khi hoàn thành/tốt nghiệp CT này. Dựa vào mục tiêu CT để xây dựng chuẩn đầu ra GDPT, chuẩn đầu ra cấp học, môn học để đảm bảo mỗi mục tiêu CT đều xác định các kết quả đầu ra tương ứng. Quá trình học tập ở nhà trường phổ thông cần được hướng dẫn và đánh giá thường xuyên để đảm bảo các kết quả đầu ra cuối cùng sẽ đạt được. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng chuẩn đánh giá theo hướng cụ thể hóa và mở rộng chuẩn đầu ra (bao gồm các mức thấp hơn và cao hơn chuẩn đầu ra) và biên soạn các công cụ đánh giá mẫu để minh họa cho từng mức độ của chuẩn.
3. Đặng Thành Hưng, Trần Thị Tố Oanh.
Bản chất và đặc điểm của kĩ năng xã hội
     Bài viết tập trung phân tích bản chất và các dặc điểm của kĩ năng xã hội. Theo tác giả, kĩ năng xã hội là vấn đề thực tiễn nóng bỏng trong giáo dục cũng như đời sống, chúng gắn liền với quan hệ cá nhân - xã hội và cần thiết cho con người dù làm việc hay sống ở môi trường hay hoàn cảnh nào. Đó là loại kĩ năng rất cần được quan tâm huấn luyện từ lứa tuổi nhỏ. Những kĩ năng xã hội chung nhất gồm 3 nhóm: Kĩ năng nhận thức xã hội, Kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội, Kĩ năng thích ứng xã hội. Chúng rất đa dạng và vấn đề của giáo dục là thiết kế cụ thể những kĩ năng đó trong các hoạt động giáo dục để tạo ra môi trường và nhiều cơ hội trải nghiệm của người học. Trải nghiệm và làm việc trong những quan hệ xã hội thật sự là con đường duy nhất để học các kĩ năng xã hội.
4. Thái Duy Tuyên,Bùi Văn Dũng. Một vài suy nghĩ về giáo dục gia đình hiện nay

     Môi trường giáo dục ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Theo các tài liệu giáo dục học, giáo dục tồn tại trong 3 môi trường cơ bản: Nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, giáo dục gia đình là vấn đề thiết thực nhất, là việc làm hàng ngày của mỗi cá nhân chúng ta. Trong bài viết này, từ thực trạng biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, tác giả đề xuất các giải pháp cơ bản nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gia đình: Nâng cao chất lượng gia đình, bồi dưỡng tri thức và kĩ năng giáo dục con cái cho các bậc cha mẹ, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục của các bậc cha mẹ, qua đó, góp phần cho việc phát triển chất lượng giáo dục nói chung trong giai đoạn hiện nay.
5.  Lê Minh Nguyệt, Trần Thị Tuyết Mai.
Xung đột tâm lí giữa thiếu niên với cha mẹ trong các gia đình có quy mô khác nhau
     Xung đột tâm lí (XĐTL) giữa thiếu niên với cha mẹ trong các quy mô GĐ khác nhau thì có sự khác nhau về mức độ và tính chất của các xung đột. XĐTL có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực hoạt động của trẻ, tuy nhiên có bốn lĩnh vực mà giữa thiếu niên với cha mẹ trong các quy mô GĐ khác nhau thường xảy ra XĐTL nhiều nhất: Học tập; quan hệ bạn bè; lối sống, quan điểm, cách cư xử; sinh hoạt hàng ngày và quan hệ với các thành viên khác trong GĐ. Cần thiết phải có những biện pháp phù hợp đối với mỗi quy mô GĐ nhằm hạn chế, giải tỏa XĐTL, tạo điều kiện cho trẻ phát triển nhân cách một cách lành mạnh.
6. Đào Tam, Trương Thị Dung. Bồi dưỡng năng lực quan sát cho học sinh trong dạy học toán ở trường trung học phổ thông

     Quan sát được diễn ra trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Mọi người tiến hành quan sát trong công việc của mình, nhưng kết quả của quan sát không giống nhau, nguyên nhân của hiện tượng này trước hết do năng lực quan sát của mọi người không giống nhau. Trong lĩnh vực hoạt động học tập môn Toán, chúng ta có thể xem kết quả của quan sát là tiền đề, là chỗ dựa cho việc tiến hành các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa... Trong bài viết này, chúng tôi đã đưa ra cách hiểu về năng lực quan sát của học sinh trong học tập môn Toán, từ đó đề xuất bốn biện pháp nhằm bồi dưỡng năng lực quan sát cho học sinh trong dạy học môn Toán ở Trung học phổ thông.
7. Trần Trung.
Sử dụng phần mềm GeoGerba hỗ trợ dạy học quỹ tích ở trường phổ thông
     Bài toán quỹ tích là một trong những dạng toán khó ở phổ thông, không chỉ khó đối với học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức mà còn khó đối với cả giáo viên trong việc truyền thụ tri thức. Để giải bài toán quỹ tích, học sinh phải tìm hiểu đề bài để xác định được yếu tố cố định, yếu tố thay đổi, dự đoán và chứng minh quỹ tích. Bài viết này trình bày cách giáo viên khai thác phần mềm Geogebra. Phn mm GeoGebra không chỉ là phn mm hình học động, đi số động và nh toán động. Ngoài ra, phần mềm GeoGebra còn là phần mềm có khả năng tương tác cao. Sử dụng phần mềm này sẽ giúp giáo viên hỗ trợ cho học sinh dự đoán, chứng minh, minh họa, giới hạn và mở rộng bài toán quỹ tích ở trường phổ thông.
8. Phan Thanh Hà. Tiến trình tổ chức dạy học theo dự án ở trường tiểu học

     Trong các phương pháp dạy học mới, hiện đại ở trường phổ thông, có một phương pháp dạy học với tính ưu việt của nó đã cho phép mở rộng không gian dạy và học, tăng cường tính thực hành vận dụng thực tiễn, đó là phương pháp dạy học theo dự án (Project based learning). Nội dung bài viết này đề cập về tiến trình tổ chức dạy học theo dự án ở trường tiểu học và minh họa bằng tiến trình dạy học chủ đề “Bệnh lây truyền qua muỗi” thuộc môn Khoa học 5 chương trình tiểu học. Thông qua việc phân tích tiến trình tổ chức dạy học theo dự án ở trường tiểu học này, tác giả mong muốn những kết quả thu được sẽ là những khởi đầu vững chắc để vận dụng phương pháp dạy học dự án vào trường tiểu học một cách khả thi và ngày càng phổ biến hơn.
9. Đỗ Thế Hưng, Nguyễn Thị Kim Hoa.
Mô hình dạy học theo tiếp cận các lí thuyết học tập
     Sự phát triển của các lí thuyết học tập luôn gắn liền với sự phát triển của giáo dục nhà trường và chi phối mạnh mẽ công cuộc cải cách giáo dục. Khi đề xuất một mô hình dạy học, chúng ta cần thiết phải soi xét nó thông qua hệ thống lí thuyết học tập để tạo cơ sở khoa học xác đáng hoặc là cách để làm rõ những ưu việt của mỗi mô hình. Bài viết tập trung xem xét mô hình dạy học của các lí thuyết học tập Hành vi, Nhận thức, Kiến tạo và Kết nối. Đó là những lí thuyết vừa phản ánh lịch sử phát triển, vừa mang tính xu hướng của thời đại, có thể vận dụng hiệu quả trong giáo dục người lớn.
10. Ngô Thị Bích Thảo.
Hợp tác quốc tế về đào tạo - nhân tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực hiện nay
     Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay. Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu của mọi quốc gia. Đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước. Bài viết đề cập tới sự cần thiết của hợp tác quốc tế đối với phát triển nguồn nhân lực, thực trạng hợp tác quốc tế, từ đó đề xuất một số biện pháp quản lí tiếp tục dẩy mạnh hợp tác quốc tế ở nước ta hiện nay nhằm đưa giáo dục nước ta ngang tầm khu vực và thế giới.
11. Huỳnh Tiểu Phụng.
Một số vấn đề về đổi mới giáo dục nghề nghiệp ở nước ta
     Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một mắt xích hữu cơ trong sợi dây chuyền nhân lực; là nơi cung cấp lực lượng lao động với quy mô, cơ cấu phù hợp và có chất lượng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, GDNN cũng còn nhiều hạn chế và bất cập… Để khắc phục những hạn chế nói trên, theo tác giả, GDNN cũng phải được đổi mới căn bản và toàn diện về các mặt: Tư duy về GDNN;  mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo trong GDNN; mô hình đào tạo trong GDNN; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các cơ sở GDNN; hệ thống và cơ chế quản lí GDNN.
12.Trần Văn Hùng. Đánh giá sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục phổ thông công lập: Cơ sở lí luận và kinh nghiệm quốc tế

     Với mục tiêu tìm hiểu phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công nhằm đánh giá một cách khoa học và khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công, nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân, tác giả bài báo trình bày cơ sở lí luận xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công; kinh nghiệm quốc tế (Canada và Liên bang Nga) đo lường sự hài lòng của người dân đối với giáo dục phổ thông công lập và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
13. Phạm Anh Tuấn. Tự đánh giá trong quản lí chất lượng ở trường trung học phổ thông

     Bàn về các cấp độ quản lí chất lượng (QLCL) ở trường trung học phổ thông (THPT) có rất nhiều ý kiến, quan điểm được các nhà khoa học đưa ra. Về cơ bản nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đã đề cập tới ba cấp độ của QLCL giáo dục dưới các góc nhìn khác nhau đó là khảo sát chất lượng (KSCL), đảm bảo chất lượng (ĐBCL) QLCL tổng thể, khẳng định sự cần thiết phải áp dụng các cấp độ QLCL khác nhau vào QLCL trường học. QLCL giáo dục phổ thông có thể phân ra thành 3 cấp độ, phát triển từ thấp tới cao, từ KSCL tới ĐBCL và cấp độ cao nhất là QLCL tổng thể viết tắt là TQM. Bài viết đề cập đến các vấn đề: 1/ Các cấp độ của QLCL và điều kiện, khả năng áp dụng các cấp độ vào QLCL ở trường THPT; 2/ Tự đánh giá trong ba cấp độ QLCL ở trường THPT.
14. Dương thị Kim Oanh. Nghiên cứu đánh giá của sinh viên về năng lực của người giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh
     Bài viết đề cập tới kết quả đánh giá của sinh viên về các năng lực của giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chính Minh. Kết quả khảo sát cho thấy, cả 04 loại năng lực được sinh viên đánh giá ở mức khá cao đến cao, trong đó cao nhất là năng lực chuyên môn, kế đến là năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực giáo dục xếp vị trí thứ 3 và thấp nhất là năng lực dạy học. Kết quả này đặt ra những yêu cầu cấp bách về sự cần thiết của công tác bồi dưỡng năng lực sư phạm theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập cho các giảng viên trẻ của Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh.
15. Bùi Minh Hải, Vũ Thị Hà.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo năng lực thực tiễn
     Bài viết này đề cập đến khái niệm năng lực thực tiễn và kiểm tra, đánh giá theo năng lực thực tiễn, đồng thời chỉ rõ những bất cập trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên hiện nay. Từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo năng lực thực tiễn. Đưa việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là xác định kết quả người học có được mà quan trọng hơn là việc xác định được thực chất những gì sinh viên lĩnh hội được theo những tiêu chí năng lực thực tiễn. Các giải pháp có ý nghĩa thiết thực góp phần quan trọng trong quá trình đào tạo theo năng lực thực tiễn.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Trần Thị Yên.
Giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số với việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở vùng dân tộc và miền núi
     Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của đội ngũ giáo viên (GV) người dân tộc thiểu số (DTTS) với việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc; những bất cập của họ để từ đó có giải pháp nâng cao năng lực cho GV người DTTS là yêu cầu tất yếu của đổi mới giáo dục vùng dân tộc. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến các vấn đề nêu trên đối với GV tiểu học người DTTS. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ GV tiểu học người DTTS ổn định về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng; đồng bộ về cơ cấu đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục vùng dân tộc và miền núi là yêu cầu khách quan trong phát triển giáo dục trong hiện tại và tương lai.
17. Đào Thị Bình. Một số đóng góp của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc trong nghiên cứu vận dụng chương trình, sách giáo khoa tiểu học hiện hành cho học sinh dân tộc thiểu số
     Việc nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa cho học sinh dân tộc thiểu số được các quốc gia đa dân tộc trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở nước ta, trải qua các thời kì, cùng với sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc đã có một số đóng góp tích cực trong công tác chỉ đạo triển khai, vận dụng chương trình, sách giáo khoa phù hợp với ngôn ngữ, tâm lí, văn hóa học sinh dân tộc thiểu số và điều kiện học tập của các em. Bài viết trình bày một số đóng góp của trung tâm như: 1/ Đóng góp vào việc đổi mới về chương trình cải cách giáo dục (1981);2/ Đóng góp trong vận dụng chương trình giáo dục tiểu học năm 2000; 3/ Đóng góp trong việc nghiên cứu phương pháp tiếp cận ngôn ngữ phổ thông, tri thức phổ thông trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (giáo dục song ngữ).

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Lê Văn Hồng. Kinh nghiệm dạy học theo dự án ở một số trường đại học trên thế giới
     Đến nay, dạy học theo dự án (DHTDA) đã có một vị trí và vai trò quan trọng trong DH. Nhiều nơi còn xem DHTDA như những dự án quốc gia trong công cuộc đổi mới phương pháp DH ở đại học. Sự khái quát hoá những kinh nghiệm đa dạng từ thực tiễn đã góp phần củng cố phương pháp luận cho việc tiếp tục tổ chức triển khai phương pháp này vào giảng dạy tại các khoa ở đại học, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển. Trong khuôn bài viết, tác giả đưa ra kinh nghiệm tổ chức DHTDA của ba trường đại học đã triển khai ứng dụng thành công phương pháp DH này: Trường Đại học Newcastle Anh; Trường Đại học University College London; Trường Đại học Công nghệ Curtin Úc.

 Mục lục bằng tiếng Anh