Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 90

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 90, Tháng 03/2013

NGHIÊN CỨU

1.Đặng Quốc Bảo

 Minh triết Việt về giáo dục và học hành

Dựa vào kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc và những lời phát biểu của các nhà văn hoá, chính trị xuất sắc của đất nước, tác giả đúc kết thành những thông điệp đặc sắc trong lĩnh vực giáo dục. Có thông điệp trong tiếp biến văn hóa, ta lĩnh hội ý tưởng của nhân loại, của dân tộc khác rồi phát biểu cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước mình. Có thông điệp mang dấu ấn Việt, thể hiện quan điểm sống nhân văn và thực tiễn trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các thông điệp ở lĩnh vực này của người Việt đều hướng vào việc khuyên thế hệ trẻ tu thân tốt và xử thế khéo.

 

2.Thái Duy Tuyên

Tìm kiếm giải pháp đổi mới quản lí nhà trường đại học Việt Nam trong thời kì hội nhập

Ðề cập đến vấn đề đổi mới quản lí giáo dục đại học Việt Nam trong thời kì hội nhập, tác giả trình bày: Mô hình trường đại học Việt Nam thời kì hội nhập và đề xuất một số biện pháp quản lí mô hình đó, bao gồm: Quyền tự chủ đào tạo; Việc bồi dưỡng sử dụng nhân tài; Ðảm vảo chất lượng và kiểm định chất lượng; Ðời sống giảng viên.

 

3.Phạm Thị Ly

Trường đại học nghiên cứu và các tiêu chí nhận diện đại học nghiên cứu

Bài báo gồm hai phần: phần 1, tác giả trình bày tóm tắt về khái niệm đại học nghiên cứu, được hình dung như một trung tâm trí tuệ nơi tập trung các nhà khoa học hàng đầu, được đầu tư nguồn lực lớn để sản xuất ra tri thức mới nhất của chuyên ngành và đào tạo lực lượng  nghiên cứu chuyên nghiệp. Phần thứ 2, tác giả trình bày chi tiết hơn những đề xuất về tiêu chí nhận diện đại học nghiên cứu, dựa trên tư liệu thành văn quốc tế và các quan niệm được chấp nhận rộng rãi trên thế giới về đại học nghiên cứu nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng các trường đại học hàng đầu của Việt Nam hiện nay thành đại học định hướng nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế.

 

4.Trịnh Ngọc Thạch

Đại học doanh nghiệp – mô hình giáo dục đại học của nền kinh tế thị trường

Việc chuyển đổi mô hình đại học truyền thống sang đại học doanh nghiệp đang trở thành một trào lưu khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra một số phân tích về đại học doanh nghiệp – mô hình giáo dục đại học của nền kinh tế thị trường: 1/ những đặc điểm của mô hình đại học doanh nghiệp (về mục tiêu, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức); 2/ những điều kiện hướng tới mô hình đại học doanh nghiệp và 3/ chất lượng đào tạo được đánh giá qua tinh thần khởi nghiệp.

 

5.Nguyễn Đức Sơn

Thích nghi thang đo rối loạn chức năng gia đình dùng trong tâm lí học trường học

Thang đo rối loạn chức năng gia đình trong Bảng kiểm kê nhân cách thanh thiếu niên (Personality Inventory for Youth – PYI) được thích nghi để sử dụng trong Tâm lí học trường học. Đánh giá độ hiệu lực và độ tin cậy của thang đo sau khi thích nghi cho kết quả: độ tin cậy và độ hiệu lực chấp nhận được. Có thể sử dụng được thang đo đã thích nghi để đánh giá mối quan hệ và các chức năng gia đình của học sinh. Tuy nhiên, để hoàn thiện thang đo cần chỉnh sửa thêm một số item

 

6.Lê Tuấn Anh,  Nguyễn Thị Thuỳ Trang

Sử dụng yếu tố lịch sử trong dạy học môn Toán ở trường trung học

Bài viết nghiên cứu việc khai thác, sử dụng có hiệu quả Lịch sử toán học vào việc dạy học môn Toán ở trường trung học. Sau khi trình bày tổng quan một số nghiên cứu có liên quan ở trên thế giới và ở Việt Nam, tác giả phân tích một số hướng khai thác Lịch sử toán học vào việc dạy học môn Toán ở trường phổ thông.

 

7.Võ Ngọc Vĩnh

Xây dựng văn hoá chất lượng trong nhà trường phổ thông theo tiếp cận TQM

Bài viết đề cập đến việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường phổ thông theo tiếp cận TQM (Total Quality Management - quản lí chất lượng tổng thể). Trong bài, tác giả tập trung phân tích: 1/ Khái niệm văn hóa chất lượng; 2/ TQM và văn hóa chất lượng; 3/ Xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường phổ thông

 

9.Nguyễn Quang Giao, Phạm Hữu Thế

Các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở trường trung học cơ sở

Những kiến thức tiếp thu được ở trường học trung học cơ sở (THCS) là nền tảng quan trọng để mỗi cá nhân tích lũy thêm kiến thức ở những bậc học cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng dạy học ở trường THCS hiện nay ở nước ta còn những hạn chế nhất định so với yêu cầu của xã hội và kì vọng của phụ huynh học sinh. Để nâng cao chất lượng dạy học ở trường THCS, nhà trường cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lí. Bài viết đề cập đến chất lượng dạy học ở trường THCS và đề xuất các biện pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở trường THCS hiện nay.     

 

10.Trần Thị Phương Nam, Mai Thị Thu

Một số dự báo về cung - cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học giai đoạn 2015 – 2020

Hiện nay, cung cấp nhân lực, đặc biệt là cung - cầu nhân lực đã qua đào tạo là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong bài viết này, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã thực hiện một số phương pháp như dùng hàm hồi quy tương quan, dùng hàm hồi quy xu thế, v.v… để dự báo về nhu cầu nhân lực trình độ cao đẳng, đại học giai đoạn 2011 – 2020. Từ đó, có thể đưa ra được những định hướng về mối quan hệ cung - cầu nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trong thời gian tới.

 

11.Đỗ Văn Đoạt

Kĩ năng ứng phó với stress – một mặt quan trọng trong nhân cách sinh viên

Sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mà trước đây sinh viên (SV) chưa gặp, chưa phải ứng phó. Do đó, SV thường hành động theo cảm tính và có thể sẽ gặp rủi ro. Chính vì thế, SV trong xã hội ngày nay cần có kĩ năng ứng phó (KNƯP) với stress để sống tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tác giả đưa ra ba nhóm kĩ năng (KN) thành phần trong KNƯP với stress đó là: KN nhận thức vấn đề gây stress và biểu hiện của stress; KN xác định các phương án ứng phó với stress; KN thực hiện các phương án ứng phó với stress nhằm giảm stress và giải quyết vấn đề; đồng thời phân tích cụ thể về khái niệm cũng như biểu hiện của từng nhóm KN trên.

 

TRAO ĐỔI

11.Đặng Danh Ánh

 

Đổi mới giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ đâu?

Tác giả trình bày quan điểm đổi mới giáo dục hướng nghiệp nên bắt đầu từ vấn đề thứ nhất là vĩ mô, cụ thể: cải cách cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trong đó tạo ra hướng phân luồng mới cho học sinh sau trung học cơ sở; nhà nước cần phải hành động tức thời, quả quyết và thống nhất trong cải cách chính sách phân luồng học sinh sau trung học; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định mới về giáo dục hướng nghiệp. Và vấn đề thứ hai là vi mô, trong đó cần: xem xét lại toàn bộ nội dung chương trình và sách giáo khoa trong hoạt động của giáo dục hướng nghiệp; các hình thức tổ chức giáo dục hướng nghiệp; cần tư vấn hướng nghiệp với công cụ tư vấn và các tài liệu mô tả nghề mà chúng ta đã truyền đạt cho giáo viên trong những đợt tập huấn về giáo dục hướng nghiệp.

 

12.Lê Thị Ngọc Thuý

Hình thành năng lực văn hoá cho học sinh trong nhà trường phổ thông

Năng lực văn hóa là một thuật ngữ còn khá mới mẻ trong các công trình nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam. Trong tổ chức nhà trường, năng lực văn hóa được xem như một tiêu chí quan trọng để đánh giá văn hóa nhà trường và làm tăng tính hiệu quả của nhà trường. Với từng cá nhân sẽ có văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình hay văn hóa vùng miền khác nhau nhưng nếu như tham gia hoạt động trong nhà trường thì họ đều phải hình thành những hành vi đồng dạng cần thiết để tham gia hoạt động theo nhóm, tuân thủ theo những nguyên tắc chung và hướng tới phát triển các giá trị chung của nhà trường. Sự hợp tác tốt trong nhà trường sẽ tạo nên một tập thể đoàn kết và thúc đẩy tốt năng lực văn hóa của từng thành viên. Bài viết đề cập đến những vấn đề: 1/ Năng lực văn hóa là gì; 2/ Cấu trúc của năng lực văn hóa; 3/ Quá trình hình thành năng lực văn hóa cho học sinh nhà trường phổ thông.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC

13.Dương Thị Kim Oanh

Vận dụng quan điểm sư phạm tương tác trong dạy học môn Tâm lí học đại cương tại khoa sư phạm kĩ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Bài viết đề cập tới nội dung quan điểm sư phạm tương tác và việc vận dụng quan điểm này trong dạy học môn Tâm lí học đại cương tại khoa Sư phạm Kĩ thuật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Kết quả khảo sát bước đầu về tính tích cực học tập của sinh viên cho thấy, quan điểm này không chỉ có tính hiệu quả và khả thi trong dạy học môn Tâm lí học đại cương mà còn phát huy cao độ tính tích cực, chủ động và tự giác của người học – yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học khi chuyển đổi từ phương thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chí trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam hiện nay.

 

14.Ngô Trường Đức

Hiệu trưởng – nhà quản lí văn hoá nhà trường

Hiệu trưởng đóng vai trò là hình mẫu tiêu biểu của văn hoá nhà trường. Khi nói về nhà trường, người ta thường đặt ra câu hỏi “ai là hiệu trưởng của nhà trường?”. Ngày nay, rất nhiều hiện trưởng trở nên nổi tiếng và được học sinh, phụ huynh và xã hội quý trọng, song không ít hiệu trưởng lại trở nên khét tiếng với những câu chuyện tiêu cực của mình. Trên cả, hiệu trưởng – nhà quản lí văn hoá nhà trường, phải luôn có tham vọng đưa nhà trường hướng tới những giá trị ưu việt của văn hoá.

 

15.Nguyễn Mỹ Loan

Thực trạng quản lí phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các trường cao đẳng nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bài viết đề cập tới thực trạng quản lí phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên các trường cao đẳng nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bài viết, tác giả đi vào phân tích các vấn đề trong việc quản lí phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên các trường cao đẳng nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: công tác quy hoạch, tuyển dụng và sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, việc thực hiện chế độ chính sách và công tác kiểm tra đánh giá. Từ đó, có một số kết luận về những điểm tích cực cũng như một số mặt hạn chế của công tác quản lí này và nguyên nhân của những hạn chế đó. 

 

16.Nguyễn Thị Thanh

Một số biện pháp phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỉ trong lớp học hoà nhập ở trường mầm non

Hiện nay, số lượng trẻ tự kỉ ở Việt Nam và trên thế giới đang ngày càng gia tăng. Đó là những trẻ bị mắc một tổ hợp những khiếm khuyết về thần kinh, dẫn đến khó khăn về giao tiếp, hành vi và hoà nhập cộng đồng. Trong học tập hàng ngày ở trường, trẻ tự kỉ không biết giao tiếp bằng lời với cô giáo, các bạn và mọi người xung quanh. Để giúp đỡ các cô giáo và bậc bố mẹ khắc phục những khó khăn trong việc giáo dục trẻ tự kỷ, tác giả đề xuất một số biện pháp phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỉ trong lớp học hòa nhập ở trường mầm non.

 

GIÁO DỤC DÂN TỘC

17.Hà Đức Đà

 

 

 

 

Đổi mới tư duy về phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi

Tác giả đề cập đến vấn đề “Đổi mới tư duy về phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi”, vì giáo viên người dân tộc thiểu số là nền tảng của giáo dục vùng dân tộc và miền núi. Bài viết tập trung phân tích: Đổi mới nhận thức về vai trò của giáo dục vùng dân tộc và miền núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và công nhiệp hóa, hiện đại hóa ở những vùng này và của cả nước; Đổi mới nhận thức về vai trò của giáo viên người dân tộc thiểu số với việc phát triển, ổn định và bền vững của giáo dục vùng dân tộc và miền núi; Đổi mới nhận thức về vai trò của giáo viên người dân tộc thiểu số với việc thực hiện quan điểm chính trị, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; Đổi mới công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số.

 

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI

18.Nguyễn Diệu Cúc

Hệ thống đào tạo nghề kép ở CHLB Đức và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài viết đề cập về hệ thống đào tạo nghề kép ở Cộng hòa Liên bang Đức và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong đó, tác giả giới thiệu khái quát về hệ thống đào tạo nghề kép của Cộng hòa Liên Bang Đức, những nhân tố cơ bản và những ưu điểm của hệ thống đào tạo nghề này. Từ đó, đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: 1/ thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, 2/ hoàn thiệu cơ chế quản lí nhà nước về dạy nghề, 3/ xúc tiến xây dựng Khung trình độ quốc gia và mở rộng ban hành Tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia, 4/ cải thiện tính liên thông của hệ thống dạy nghề.