Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 115

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 115, tháng 4 năm 2015

NGHIÊN CỨU:
1.Vũ Cao Đàm. Con đường cải cách quản lí khoa học và giáo dục
      Bài viết bàn về con đường cải cách khoa học và giáo dục. Theo tác giả, không thể bàn về cải cách giáo dục tách rời quản lí khoa học vì hai lĩnh vực đó vốn nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển: Khoa học sinh ra là để sản xuất tri thức cho nhân loại; giáo dục sinh ra là để chuyển tải khối lượng tri thức đó trả về cho nhân loại. Không có khoa học thì giáo dục không có gì để giảng dạy, ngược lại, không có giáo dục thì khoa học chẳng được ai biết đến để áp dụng. Xu thế cải cách quản lí khoa học và giáo dục (KH&GD) của thế giới là chuyển từ nền KH&GD tha trị (heteronomy) sang một nền KH&GD tự trị.Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó, có khác chăng chỉ là ở điểm xuất phát. Việt Nam có điểm xuất phát xa hơn của thế giới đương đại, vì vậy, Việt Nam sẽ phải đi một quãng đường dài hơn.
      Từ khóa
: Khoa học, giáo dục, quản lí khoa học và giáo dục, cải cách, tha trị, tự trị.
2.Phạm Thị Ly. Khuyến nghị chính sách cho giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm Đông Á 
      Bài viết nêu lên những khuyến nghị chính sách chủ yếu đối với bộ phận giáo dục đại học (GDĐH) ngoài công lập ở Việt Nam dựa trên những quan sát với khu vực GDĐH tư ở Đông Á. Theo đó, tác giả trình bày các vấn đề cụ thể liên quan đến: 1/ GDĐH tư ở Việt Nam trong bối cảnh Đông Á; 2/ Khuyến nghị chính sách cho GD ĐH ngoài công lập ở Việt Nam bao gồm: Khuyến nghị về chính sách tài chính; khuyến nghị về chính sách quản trị; về chính sách đảm bảo chất lượng và đưa ra một số kết luận cần thiết.
      Từ khóa: giáo dục; chính sách; giáo dục ngoài công lập; giáo dục đại học, giáo dục đại học tư.
3.Nguyễn Thị Hạnh. Chuẩn nội dung của chương trình môn Tiếng Việt cấp Tiểu học dành cho học sinh Việt Nam học tại các trường nước ngoài ở nước ta
      Bài viết trình bày Chuẩn nội dung của chương trình môn Tiếng Việt cấp Tiểu học dành cho học sinh Việt Nam học tại các trường nước ngoài ở nước ta. Theo tác giả bài viết, trong chương trình theo định hướng năng lực thì Chuẩn có vai trò quan trọng vì nó là cơ sở để xác định nội dung, đánh giá kết quả giáo dục, đồng thời xác định phương pháp dạy học của môn học. Chuẩn của chương trình có hai loại: Chuẩn nội dung và Chuẩn thực hiện. Chuẩn nội dung có chức năng xác định các nội dung ở từng lớp học và phạm vi của từng nội dung đó, là cơ sở để biên soạn các công cụ đánh giá kết quả học tập của HS và quản lí chất lượng dạy học môn học Tiếng Việt dành cho HS Việt Nam học tại các trường nước ngoài ở nước ta trong giai đoạn sau 2015.
      Từ khóa: Chuẩn nội dung, chuẩn, chương trình, trường nước ngoài, cấp tiểu học.
4.Đỗ Ngọc Thống. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo từ kinh nghiệm giáo dục quốc tế và vấn đề của Việt Nam
      Bài viết phân tích kinh nghiệm giáo dục (GD) hoạt động trải nghiệm sáng tạo của một số nước cụ thể là Anh, Hàn Quốc và liên hệ đến Việt Nam. Theo tác giả, GD sáng tạo là một yêu cầu quan trọng trong chương trình GD phổ thông của rất nhiều nước. Không có sáng tạo thì không thể có phát triển. Sáng tạo đòi hỏi mọi cá nhân phải nỗ lực, năng động, có tư duy độc lập. Trong chương trình GD của mỗi nước, bên cạnh các HĐ dạy và học qua các môn học còn có chương trình HĐ ngoài các môn học. Ở đó, HS thông qua các HĐ đa dạng và phong phú gắn với thực tiễn để trải nghiệm, thử sức. Các em vừa củng cố các kiến thức đã học, vừa có cơ hội sáng tạo trong vận dụng do yêu cầu của các tình huống cụ thể. Chương trình HĐ trải nghiệm sáng tạo (TNST) sẽ giúp nhà trường gắn liền với cuộc sống, xã hội; giúp HS phát triển hài hòa giữa thể chất và tinh thần. Việc thực hiện chương trình HĐ TNST ở nhà trường phổ thông được các nước phát triển thực hiện một cách linh hoạt, có nước do nhà trường tổ chức, có nước do tổ chức xã hội kết hợp với nhà trường để tổ chức chương trình này một cách hài hòa vừa giúp HS trải nghiệm thực tiễn vừa học tốt các môn học chính khóa. Ở Việt Nam, HĐ TNST chưa được chú ý đúng mức, chưa có hình thức đánh giá và sử dụng kết quả các HĐ GD một cách phù hợp.
      Từ khóa: Hoạt động; hoạt động trải nghiệm sáng tạo; giáo dục; giáo dục sáng tạo; sáng tạo.
5.Vũ Trọng Rỹ, Đỗ Tiến Đạt. Một số vấn đề lí luận trong xác định nội dung dạy học ở trường phổ thông
      Bài viết này phân tích các cách tiếp cận “văn hóa – xã hội” và tiếp cận “năng lực” trong xác định nội dung dạy học ở nhà trường phổ thông. Từ đó, nhấn mạnh quan điểm: Để xác định nội dung dạy học trong nhà trường phổ thông cần xuất phát từ vốn tri thức văn hóa nhân loại; căn cứ mục tiêu giáo dục và hệ thống quan điểm sư phạm; xuất phát từ cấu trúc của các năng lực cần hình thành và phát triển ở học sinh. Trên cơ sở đó, tiến hành chọn lựa, xử lí sư phạm và đưa vào nhà trường, thông qua một hệ thống các lĩnh vực học tập/môn học và hoạt động giáo dục, được chuẩn hóa bởi việc quy định chuẩn đầu ra cho các kiến thức, kĩ năng và thái độ cần thiết tối thiểu. Đó cũng chính là đóng góp xây dựng cơ sở lí luận cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay. 
      Từ khóa: giáo dục phổ thông, nội dung dạy học, năng lực.
6.Cao Thị Thặng, Phạm Thị Bích Đào, Nguyễn Cương. Một số kết quả nghiên cứu phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học Hóa học hữu cơ
      Nội dung bài viết trình bày một số kết quả về dạy và học Hóa học hữu cơ ở trường trung học phổ thông là: Phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh; tiêu chí cụ thể của năng lực sáng tạo, phát triển năng lực sáng tạo thông qua việc áp dụng một số phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, bàn tay nặn bột; lựa chọn nội dung, thiết kế giáo án, thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực sáng tạo.
      Từ khóa: Năng lực sáng tạo, dạy học, Hóa học.
7.Đào Thị Oanh, Phạm Thị Bảo Đức. Biện pháp tự quản lí quá trình dạy học của giáo viên trung học cơ sở
      Tự quản lí là một trong những năng lực cơ bản của người lao động hiện đại. Đây cũng là năng lực cần được trang bị cho học sinh (HS) trong nhà trường. Muốn vậy, trước hết giáo viên (GV) phải là người biết tự quản lí quá trình dạy học của bản thân để có thể hướng dẫn, rèn luyện phát triển năng lực này ở HS. Kết quả nghiên cứu thực tiễn trên một bộ phận GV THCS cho thấy những điểm mạnh, điểm yếu trong việc tự quản lí quá trình dạy học, là gợi ý để đề xuất biện pháp nâng cao năng lực này cho họ.
      Từ khóa: Tự quản lí, quá trình dạy học, trung học cơ sở
8.Vũ Lệ Hoa. Đổi mới đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong dạy học theo tiếp cận năng lực
      Đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong dạy học ở trường đại học là hoạt động quan trọng đối với việc định hướng cho hoạt động dạy và học. Đổi mới đánh giá kết quả học tập của SV trong dạy học theo định hướng tiếp cận năng lực bắt đầu từ việc xác định vị trí, vai trò của đánh giá trong dạy học; quan niệm về chủ thể, đối tượng; mục tiêu, tiêu chí đánh giá cho đến phương thức, phương pháp, các phương tiện và trình độ, kĩ thuật đánh giá.


      Từ khóa: đánh giá, kết quả học tập, năng lực, sinh viên, tiếp cận năng lực
9.Nguyễn Tiến Trung. Dạy học Toán ở tiểu học theo hướng vận dụng quan điểm kiến tạo
      Bài báo trình bày tóm lược về lí thuyết kiến tạo và quan điểm dạy học Toán ở Tiểu học theo thuyết kiến tạo (tình huống dạy học kiến tạo, hoạt động của giáo viên và học sinh trong dạy học kiến tạo, tiến trình dạy học kiến tạo, đặc điểm của tình huống dạy học kiến tạo). Tiếp đó, tác giả trình bày tóm lược tình huống dạy học kiến tạo công thức tính diện tích hình bình hành (Toán 4) như là một ví dụ về việc vận dụng thuyết kiến tạo trong dạy học Toán ở Tiểu học.
      Từ khoá: thuyết kiến tạo; dạy học kiến tạo; tình huống dạy học kiến tạo, diện tích hình bình hành, tiểu học
10.Phan Anh Tài. Biện pháp giúp học sinh “Tách” bộ phận phẳng của hình không gian để giải toán
      Nội dung bài báo trình bày tri thức phương pháp về bài toán phụ; phân tích các dữ kiện, các điều kiện và kết luận của bài toán; “tách” các bộ phận phẳng khỏi hình không gian và sử dụng bài toán phẳng như là công cụ để giải bài toán hình học không gian. Qua các hoạt động này, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong dạy học Toán.
      Từ khóa: Hình học không gian, học sinh, “tách” bộ phận phẳng
11. Lê Thị Phượng. Đáp án mở cho đề văn nghị luận ra theo hướng mở
Văn nghị luận (NL) là kiểu văn bản chiếm vị trí quan trọng trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông và trung học cơ sở. So với trước năm 2000, văn NL hiện nay có nhiều đổi mới về nội dung dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Vài năm gần đây, sau các kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp phổ thông xuất hiện nhiều ý kiến, đề xuất cần có đáp án mở cho phù hợp với đề ra theo hướng mở. Trong bài viết này, tác giả đưa ra những kiến giải nhằm giải quyết phần nào những khó khăn, lúng túng mà giáo viên đang gặp phải khi xây dựng đáp án đánh giá chấm điểm bài văn NL của học sinh trong nhà trường phổ thông.
Từ khóa: Đáp án mở, đề văn nghị luận, học sinh
12.Lê Chi Lan. Mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp khối ngành kinh tế so với yêu cầu của người sử dụng lao động
       Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực. Hiện nay, mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp so với yêu cầu của người sử dụng lao động chưa cao. Sinh viên tốt nghiệp còn thiếu kiến thức và kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện công việc thực tế. Theo xu hướng phát triển giáo dục, quá trình đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của của người sử dụng lao động là một quy luật tất yếu. Để có thể tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động thì việc xem xét và điều chỉnh quá trình đào tạo theo yêu cầu của người sử dụng lao động là điều cần thiết. Vì vậy, có thể nói, yêu cầu của người sử dụng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao cho xã hội.
      Từ khóa: Giáo dục đại học, sinh viên tốt nghiệp, người sử dụng lao động
13.Nguyễn Đặng Nguyệt Hương,Vũ Phương Lan. Thúc đẩy hoạt động tự học của sinh viên thông qua dạy học dự án
      Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rất nhiều sinh viên Châu Á nói chung và  Việt Nam nói riêng do đặc điểm tính cách khá khép kín nên dẫn đến phong cách học chưa có tính chủ động và độc lập. Với việc áp dụng thời lượng lớn giờ tự học như hiện nay, nếu không có sự hướng dẫn cụ thể, sát sao của giáo viên, SV thường bị mất định hướng trong việc làm thế nào để tận dụng giờ tự học đúng mục đích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Bài viết đề cập đến vấn đề thúc đẩy hoạt động tự học của sinh viên thông qua dạy học dự án. Trong đó tập trung vào các nội dung: 1/ Dạy học dự án và phương pháp tiếp cận dạy học dự án; 2/ Quá trình nghiên cứu việc thúc đẩy hoạt động tự học của sinh viên thông qua dạy học dự án; 3/ Kết quả khảo sát quá trình nghiên cứu hoạt động tự học của sinh viên thông qua dạy học dự án.
       Từ khóa: Hoạt động tự học, dạy học dự án, sinh viên
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
14.Ninh Văn Bình. Công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông TP. Hồ Chí Minh
       Vấn đề phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông ngày càng trở nên cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực trong thị trường cạnh tranh. Nhiều nghiên cứu về công tác phân luồng và hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông được tiến hành. Tuy nhiên, công tác phân luồng và hướng nghiệp ở các cấp chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Bài viết đề xuất những giải pháp nhằm góp phần nâng cao công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay từng bước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
      Từ khóa: phân luồng, hướng nghiệp, học sinh phổ thông,
15.Đào Văn Minh. Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho trung đội trưởng bộ binh quân đội hiện nay
       Bài viết đề cập tới vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho trung đội trưởng bộ binh quân đội hiện nay. Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho trung đội trưởng bộ binh quân đội, là toàn bộ quá trình hoạt động của các chủ thể, đối tượng; thông qua các nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng tham gia quá trình giáo dục pháp luật nhằm đưa chất lượng giáo dục pháp luật cho trung đội trưởng bộ binh lên một trình độ mới cao hơn; hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ khi công tác ở đơn vị; đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
       Từ khóa: giáo dục, pháp luật , pháp luật, quân đội, bộ binh.
16.Trần Văn Hòa. Giáo dục pháp luật cho học viên trong nhà trường quân đội
       Giáo dục pháp luật trong nhà trường có vai trò quan trọng tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách người học. Thời gian qua, các nhà trường quân đội đã lựa chọn được nội dung, vận dụng phương pháp, hình thức đa dạng phong phú góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục pháp luật đã đặt ra. Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác giáo dục pháp luật trong các nhà trường quân đội vẫn còn bộc lộ những hạn chế; đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới đồng bộ các nhân tố, phát huy vai trò của cán bộ, giảng viên và học viên, nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Chính vì thế, nội dung bài viết này đi vào trình bày vấn đề giáo dục pháp luật cho học viên trong nhà trường quân đội.
       Từ khóa: Giáo dục, pháp luật, nhà trường quân đội.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
17. Nguyễn Thị Kiều Oanh. Thực hiện nghiên cứu thực hành trong dạy học môn Toán cho học sinh dân tộc thiểu số ở tiểu học
       Nội dung bài viết trình bày về thực hiện nghiên cứu thực hành trong dạy học môn Toán cho học sinh dân tộc thiểu số ở Tiểu học. Nghiên cứu thực hành trong dạy học là hoạt động tìm kiếm giải pháp hay những can thiệp nhằm giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tạo nên những thay đổi tích cực trong quá trình dạy học. Nghiên cứu thực hành trong dạy học môn Toán tiểu học cho học sinh dân tộc có thể thực hiện trong hầu hết các khâu của quá trình dạy học như lập kế hoạch dạy học, lập kế hoạch bài học; tổ chức thực hiện các hoạt động trên lớp; đánh giá, dự giờ; xây dựng môi trường học tập;… Trong khi thực hiện nghiên cứu thực hành cần chú ý đến những khó khăn về đặc điểm tâm lí và ngôn ngữ của học sinh dân tộc trong học tập môn Toán để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp.
       Từ khóa: học sinh dân tộc, nghiên cứu thực hành, môn Toán, Tiểu học
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
18. Nguyễn Văn Đệ. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đội ngũ giảng viên và đề xuất vận dụng ở Việt Nam
       Bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều đặt đội ngũ nhà giáo vào một vị trí ưu tiên trong cải cách và phát triển giáo dục. Bài viết này phân tích kinh nghiệm về hoạt động phát triển đội ngũ giảng viên đại học ở một số quốc gia và khu vực tiêu biểu trên thế giới bao gồm Hoa Kì, Liên bang Nga, khu vực Châu Âu, Nhật Bản; từ đó, đề xuất giải pháp việc vận dụng phát triển đội ngũ giảng viên ở Việt Nam về quy trình tuyển chọn, đào tào bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
       Từ khóa: giáo dục đại học; đội ngũ giảng viên; quốc tế.
19. Vương Hồng Hạnh. Phân quyền cho giáo viên phổ thông – kinh nghiệm từ Vương quốc Anh
       Bài viết đề cập tới vấn đề phân quyền cho GV phổ thông - khía cạnh chủ chốt trong vai trò của người dạy. Kết quả nghiên cứu từ Dự án Quốc tế về Phân quyền cho giáo viên phổ thông (ITL) đã khẳng định vai trò thiết yếu của Phân quyền giáo viên trong chiến lược cải cách giáo dục. Dự án này được triển khai tại 15 quốc gia, nghiên cứu điển hình bắt đầu từ Vương quốc Anh (hệ thống mạng lưới HertsCam). Kết quả nghiên cứu đi sâu phân tích chương trình phát triển chuyên môn đối với giáo viên và đề xuất lí thuyết cải cách giáo dục hiệu quả.
       Từ khóa: phân quyền, giáo viên phổ thông, cải cách giáo dục

Mục lục bằng tiếng Anh