Mục lục tạp chí Khoa học giáo dục số 123

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 123, tháng 12 năm 2015

NGHIÊN CỨU:
1. Nguyễn Minh Đường. Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
     Bài viết đề cập đến vấn đề đào tạo nhân lực (ĐTNL) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thì trường. Theo tác giả, ĐTNL cần bám sát sự chuyển dịch  cơ cấu lao động (CCLĐ) trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để ĐTNL đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo, tái cơ cấu ĐTNL về cơ cấu ngành nghề cũng như trình độ đào tạo cho phù hợp với CCLĐ trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương để phát triển ĐTNL cho phù hợp. Tuy nhiên, trong tiến trình chuyển đổi CCKT và chuyển dịch CCLĐ, thị trường lao động uôn biến động. Do vậy, bên cạnh việc quy hoạch ĐTNL dài hạn và trung hạn, cần phát triển hệ thống Thông tin TTLĐ để thường xuyên thu thập các biến động của TTLĐ về ngành nghề và trình độ đào tạo trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương để kịp thời điều chỉnh cơ cấu đào tạo và triển khai ĐTNL hàng năm cho phù hợp với nhu cầu nhân lực luôn biến động của TTLĐ.  ĐTNL tham gia vào hai thị trường là thị trường lao động và thị trường giáo dục. Do vậy, cần tuân thủ các quy luật của thị trường là quy luật cung-cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh để phát triển.
     Từ khóa: Đào tạo; đào tạo nhân lực; kinh tế thị trường.
2. Nguyễn Tiến Hùng. Tự chủ và năng lực thực hiện quyền tự chủ nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên đại học
     Bài viết đề cập đến vấn đề tự chủ và năng lực thực hiện quyền tự chủ nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên đại học (ĐH). Trong bài, tác giả tập trung phân tích: 1/Quyền tự chủ nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên; 2/ Khung năng lực thực hiện quyền tự chủ nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên; 3/ Một số giải pháp phát triển năng lực tự chủ nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên. Theo tác giả, cải cách giáo dục ĐH hiện nay đòi hỏi cần có các nghiên cứu về khung năng lực của đội ngũ giảng viên ĐH tương xứng. Trong đó, quyền tự chủ và năng lực tự chủ nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp đội ngũ giảng viên thực hiện thành công sứ mạng của mình trong bối cảnh GD ĐH mới. Giảng viên không chỉ cần được trao quyền tự chủ mà cần được trang bị các năng lực cần thiết để có thể thực hiện thành công quyền tự chủ, thông qua tham dự nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định; có nhiều cơ hội để tự phát triển nghề nghiệp...
     Từ khóa: Tự chủ; quyền tự chủ; năng lực; giảng viên; đại học.
3. Lương Việt Thái. Chương trình môn học theo tiếp cận năng lực và vấn đề tích hợp, phát triển các năng lực chung trong chương trình
  Để thực hiện hiệu quả mục tiêu dạy học phát triển các năng lực (NL) chung, các NL này cần được quán triệt, đưa vào chương trình (CT) một cách thích hợp. Bài viết trình bày, phân tích một số vấn đề về các mức độ, cách thức để thực hiện tích hợp, phát triển các NL chung trong CT GDPT, trong đó tập trung vào CT môn học, hoạt động giáo dục, thông qua các thành tố của CT (mục tiêu, nội dung, chuẩn, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập). Trên cơ sở đó đề xuất quy trình thực hiện việc tích hợp, phát triển các NL chung ở CT môn học, hoạt động giáo dục trong CT GDPT mới ở Việt Nam.
     Từ khóa: Chương trình; chương trình môn học; tiếp cận năng lực; tích hợp; năng lực chung. 
4. Vũ Trọng Rỹ, Phạm Xuân Quế. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Vật lí của học sinh ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực
     Bài viết trình bày quan niệm về kiểm tra đánh giá kết qủa học tập của học sinh nói chung, trong học tập Vật lí ở trường phổ thông nói riêng theo định hướng phát triển năng lực. Đồng thời làm rõ bốn nhóm năng lực đặc thù trong học tập môn Vật lí và phương pháp, kĩ thuật, quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó có đề xuất vận dụng cách đánh giá của PISA vào thiết kế đề kiểm tra/thi môn Vật lí.
     Từ khóa: Năng lực đặc thù môn Vật lí; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; học sinh.
5. Đặng Thị Vân, Nguyễn Huyền Thương. Nhận thức của sinh viên về vấn đề sống thử trước hôn nhân
     Vấn đề sống thử trước hôn nhân hiện nay đã và đang trở thành một trào lưu, một lối sống mà nhiều bạn trẻ lựa chọn, trong đó có một bộ phận không nhỏ là đối tượng sinh viên. Bài viết nghiên cứu khảo sát 360 sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia phiếu phỏng vấn xoay quanh vấn đề sống thử trước hôn nhân. Kết quả cho thấy phần nhiều sinh viên đã hiểu đúng, đầy đủ về khái niệm sống thử. Theo tác giả, để nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề sống thử trước hôn nhân, sinh viên cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác từ các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm với chuyên gia do các tổ chức đoàn, Hội sinh viên hay Ban công tác Chính trị - Công tác sinh viên tổ chức, sự giám sát quản lí chặt chẽ của Ban quản lí kí túc xá và chủ thuê trọ.
     Từ khóa: Sinh viên; sống thử trước hôn nhân; nhận thức.
6. Phạm Thị Phú, Nguyễn Văn Tuấn. Mô hình cấu trúc kĩ năng dạy bài tập dùng cho rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên vật lí
     Kĩ năng dạy bài tập là một thành tố quan trọng trong cấu trúc năng lực dạy học của giáo viên Vật lí ở trường phổ thông. Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình cấu trúc kĩ năng dạy bài tập theo tiếp cận năng lực thực hiện, làm cơ sở cho việc thiết kế nội dung và phương pháp rèn luyện, đánh giá kĩ năng dạy bài tập trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm Vật lí, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tiếp cận năng lực.
     Từ khóa: Kĩ năng, dạy học, bài tập Vật lí.
7. Trịnh Thanh Hải, Trịnh Thị Phương Thảo. Đánh giá quá trình học tập của sinh viên theo hướng tiếp cận năng lực trong đào tạo ở trường sư phạm
     Trên cơ sở xác định rõ những năng lực cốt yếu của người giáo viên trung học phổ thông, bài báo đề cập đến vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm tra đánh giá cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm để triển khai việc đánh giá quá trình học tập của sinh viên theo định hướng tiếp cận năng lực.
     Từ khóa: Quá trình học tập, tiếp cận năng lực, trường sư phạm.
8. Đỗ Tiến Sỹ. Quản trị nhà trường - những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo
     Bối cảnh đổi mới GD&ĐT đã đặt ra các yêu cầu cấp thiết, trong đó có yêu cầu cần phải “phân định công tác quản lí nhà nước với quản trị của cơ sở GD&ĐT”. Bài viết đề cập tới một số vấn đề về quản trị giáo dục, quản trị nhà trường và những yêu cầu quản trị nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
     Từ khóa: Quản trị nhà trường, quản trị giáo dục, giáo dục, đổi mới giáo dục.
9. Nguyễn Thị Thanh Hồng. Phát triển năng lực dạy học cho giảng viên các trường đại học sư phạm thông qua diễn đàn trao đổi trực tuyến
     Vấn đề phát triển năng lực dạy học cho đội ngũ giảng viên trong các trường đào tạo giáo viên là rất cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. Năng lực dạy học của giảng viên trong các trường đại học sư phạm sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành và phát triển năng lực dạy học cho sinh viên, giúp họ hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nghề nghiệp của bản thân. Hình thức diễn đàn trao đổi trực tuyến sẽ khắc phục được những hạn chế về không gian và thời gian của các hình thức bồi dưỡng trực tiếp, đồng thời đảm bảo cập nhật thường xuyên những thông tin mới có liên quan đến năng lực nghề nghiệp cốt lõi này.
     Từ khóa: Năng lực dạy học, diễn đàn trao đổi trực tuyến, giảng viên.
10. Hồ Viết Lương. Phương pháp dạy học “cá nhân hóa” trong nhà trường nhìn từ góc độ sinh học và tâm lí
     Phương pháp dạy và học cá nhân hóa đang rất thịnh hành ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là phương pháp dạy học lấy sự phù hợp năng lực tiếp thu của học sinh làm gốc, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và bản thân học sinh. Các nhà quản lí và nghiên cứu giáo dục nước ta cần tăng cường đề cao phương pháp dạy học cá nhân hóa trong nhà trường phổ thông Việt Nam.
     Từ khóa: Phương pháp dạy học cá nhân hóa; học sinh; phổ thông.
11. Phan Anh Tài, Nguyễn Ngọc Giang. Ứng dụng phần mềm Maple trong dạy học khám phá khảo sát hàm số
     Dạy học khám phá giúp HS phát triển tư duy, đặc biệt là tư duy độc lập, sáng tạo cũng như các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Ngày nay, sự xuất hiện của các phần mềm tính toán hình thức như Maple, Matlab… giúp ích rất nhiều cho quá trình dạy học khám phá. Việc khai thác và sử dụng chức năng trợ giúp của phần mềm dạy học Maple có thể thực hiện hiệu quả trong dạy học nhiều nội dung của môn Toán và các môn học khác. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến một số ứng dụng Maple trong dạy học khảo sát hàm số.
     Từ khóa: Phần mềm Maple; dạy học khám phá; khảo sát hàm số.
12. Trần Văn Trung. Một số biện pháp tổ chức hoạt động câu lạc bộ vẻ đẹp toán học trong trường trung học phổ thông chuyên theo hướng tiếp cận thuyết Đa trí tuệ
     Qua nghiên cứu vận dụng thuyết Đa trí tuệ của Howard Garder vào dạy học toán ở trung học phổ thông, tác giả đưa ra một số hoạt động giáo dục thông qua hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ Vẻ đẹp toán học tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Ninh Thuận, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh các trường chuyên nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
     Từ khóa: Tổ chức hoạt động, Câu lạc bộ Vẻ đẹp toán học, trung học phổ thông chuyên, thuyết Đa trí tuệ.
13. Phan Thanh Hà. Cách thức xây dựng chủ đề trong dạy học dựa vào dự án ở lớp 4-5
     Hiện nay, việc đưa dạy học dựa vào dự án trở thành một phương pháp dạy học phổ biến trong nhà trường vẫn còn hạn chế bởi đặc điểm chương trình giáo dục phổ thông nói chung và lớp 4 - 5 nói riêng. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu một cách thức để xây dựng chủ đề trong dạy học dựa vào dự án, từ các nội dung kiến thức của môn học hiện hành, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Đây là bước mấu chốt để giáo viên có thể triển khai thành công dạy học dựa vào dự án trong nhà trường.
     Từ khóa: Cách thức, xây dựng, chủ đề, dạy học dựa vào dự án.
14. Nguyễn Thị Thanh Trà. Quy trình đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục học theo tiếp cận năng lực
     Việc đánh giá kết quả học tập (KQHT) đối với các môn học có ý nghĩa thúc đẩy quá trình dạy học tốt hơn. Để đạt được ý nghĩa đó cần tiến hành việc đánh giá KQHT một cách khoa học theo một quy trình nghiêm túc. Bài viết đưa ra quy trình đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục học theo tiếp cận năng lực gồm bốn bước và phân tích nội dung từng bước để thấy rõ đặc trưng của đánh giá theo tiếp cận năng lực so với các loại hình đánh giá khác.
     Từ khóa: Quy trình, đánh giá kết quả học tập, giáo dục học, tiếp cận năng lực.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
:
15. Lê Thị Bình. Công tác đánh giá cán bộ quản lí phòng giáo dục và đào tạo các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
     Phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lí nhà nước về GD&ĐT. Công tác đánh giá là khâu hết sức quan trọng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL) phòng GD&ĐT. Công tác này giúp cho UBND quận/huyện đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất, năng lực quản lí, lãnh đạo của đội ngũ CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh Vùng KTTĐPN; giúp lãnh đạo quận/huyện có được bức tranh đầy đủ về đội ngũ CBQL phòng GD&ĐT, khích lệ kịp thời người làm tốt nhiệm vụ và phát hiện kịp thời người yếu kém để có biện pháp điều chỉnh, phù hợp; Đội ngũ CBQL phòng GD&ĐT nhận được những thông tin phản hồi khách quan, giúp họ cải thiện việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới GD ở địa phương. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Công tác đánh giá CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh vùng KTTĐPN; 2/ Đề xuất quy trình thực hiện công tác đánh giá CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh vùng KTTĐPN.
     Từ khóa: Đánh giá; đánh giá cán bộ; cán bộ quản lí; phòng GD&ĐT; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
16. Phạm Văn Tân. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển linh tế - xã hội
     Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội phải xuất phát từ chính yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có như vậy mới có mục tiêu, định hướng phát triển đúng đắn. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển văn hóa, v.v. Trong đó, việc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu và tiên quyết để phát triển nguồn nhân lực về chất lượng.
     Từ khóa: Nguồn nhân lực; giáo dục; đào tạo.
17. Nguyễn Đức Thành. Một số thành tố của tư duy kĩ thuật thể hiện trong học tập môn Toán của học sinh trường nghề
     Nội dung bài viết trình bày về vấn đề một số thành tố của tư duy kĩ thuật trong học tập môn Toán của học sinh trường nghề. Bài viết đã nêu ra cấu trúc, quan niệm về tư duy kĩ thuật gắn liền với hoạt động dạy học bộ môn Toán và chỉ ra năm thành tố phát triển loại hình tư duy này. Kết quả trong bài viết là nền tảng để đề xuất các biện pháp sư phạm về việc bồi dưỡng tư duy kĩ thuật cho sinh viên học nghề trong dạy học môn Toán cao cấp.
     Từ khóa: Tư duy kĩ thuật; môn Toán; trường nghề.
18. Nguyễn Thị Quế Anh, Nguyễn Thị Phương. Đào tạo tiếng Việt cho học viên Lào tại Học viện Chính trị khu vực I năm học 2014 – 2015
     Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào ngày 5/9/1962, đến nay đã được 63 năm. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện: “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” đã kí kết và đang triển khai tốt đẹp như kì vọng của hai nước. Thực hiện đề án của Chính phủ, Học viện Chính trị khu vực I cũng đã và đang đào tạo nguồn nhân lực cán bộ chất lượng cho nước bạn Lào, một trong những lĩnh vực giáo dục nổi bật giữa hai nước chính là việc đào tạo tiếng Việt cho cán bộ của nước Lào.. Trong bài viết này, tác giả đi vào trình bày vấn đề đào tạo tiếng Việt cho học viên Lào tại Học viện Chính trị khu vực I.
     Từ khóa: Tiếng Việt; học viên Lào; giảng viên.
19. Hồ Thị Dung. Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tại các cơ sở thực hành
     Nghiệp vụ sư phạm là sự kết hợp chặt chẽ giữa tri thức sư phạm và kĩ năng sư phạm. Như vậy, nghiệp vụ sư phạm cung cấp cho sinh viên hệ thống tri thức sư phạm và hình thành ở họ những kĩ năng sư phạm cần thiết. Bài viết đề cập đến thực trạng hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tại các cơ sở thực hành hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả rèn luyện kĩ năng nghề tại các cơ sở thực hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tại các trường sư phạm nói chung, Trường Đại học Hồng Đức nói riêng.
     Từ khóa: Rèn luyện, nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Hồng Đức, cơ sở thực hành.

GIÁO DỤC DÂN TỘC:
20. Nguyễn Thị Phương Thảo. Giáo dục song ngữ - nội dung giáo dục đặc thù cần quan tâm ở các trường sư phạm vùng dân tộc thiểu số
     Kinh nghiệm giáo dục của nhiều nước cho thấy, đối với các nhóm học sinh dân tộc thiểu số, ngôn ngữ học tập ở nhà trường không phải là tiếng mẹ đẻ của các em thì giáo dục song ngữ được coi là chính sách khả thi nhất để giải quyết vấn đề ngôn ngữ dân tộc thiểu số và giáo dục để đảm bảo sự cân bằng giữa thống nhất quốc gia và mong ước của người dân tộc thiểu số. Chính vì thế, trong bài viết này, tác giả phân tích về nội dung giáo dục đặc thù của giáo dục song ngữ ở các trường sư phạm vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay.
     Từ khóa: Giáo dục song ngữ; trường sư phạm; vùng dân tộc thiểu số.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
21. Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Hồng Liên. Chuẩn thành tích trong chương trình giảng dạy Úc
     Bài viết trình bày những kết quả nghiên cứu về Chuẩn thành tích trong Chương trình giảng dạy môn học của Úc. Trong đó, nội dung bài viết đã đề cập đến quan niệm, vị trí và vai trò của chuẩn thành tích trong chương trình dạy học cũng như quá trình giảng dạy và đánh giá; trình bày cấu trúc của chuẩn thành tích và giới thiệu một chuẩn thành tích trong chương trình bộ môn Lịch sử. Một số nét về việc xây dựng chuẩn thành tích cũng được đề cập đến trong bài viết này.
     Từ khóa: Chuẩn thành tích; chương trình môn học; môn Lịch sử.
22. Vương Hồng Hạnh, Nguyễn Thu Hằng. Tổng quan hệ thống giáo dục kĩ thuật và nghề Bang South Carolina – Hoa Kì
     Ở các quốc gia OECD, giáo dục trung học phổ thông được chia thành ba mô hình chính: Hệ thống kép (thực tập và học tập tại cơ sở đào tạo nghề); trung cấp nghề - nơi thanh niên được trang bị nghề nghiệp kèm/hoặc không kèm cơ hội học sau trung học, đây là mô hình phổ biến ở các nước châu Âu; mô hình thứ ba liên quan tới giáo dục trung học toàn diện, ít trang bị nghề nghiệp ở cấp trung học. Ở Hoa Kì, ngoài ba mô hình trên, mô hình thứ tư ra đời, dựa trên mô hình hệ thống CATE. Mô hình này lồng ghép hành trang nghề, bao gồm kinh nghiệm tại nơi làm việc. Mô hình này giúp họ khám phá lựa chọn nghề, tự nâng cao kinh nghiệm nghề mà không nhất thiết áp dụng chương trình đào tạo học thuật.
     Từ khóa: Tư vấn nghề, giáo dục kĩ thuật và nghề, trung học phổ thông.

TỔNG MỤC LỤC NĂM 2015