Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 118

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 118, tháng 7 năm 2015

NGHIÊN CỨU:
1. Nguyễn Thị Hạnh. Phương pháp thiết kế chuẩn đầu ra môn học theo định hướng phát triển năng lực
     Chuẩn đầu ra của môn học là một công cụ quan trọng để quản lí chất lượng giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Để có một công cụ tốt quản lí chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực (NL), cần phải thiết kế chuẩn đầu ra của môn học theo định hướng phát triển NL. Chuẩn đầu ra của môn học sẽ chi phối các khâu xác định nội dung, phương pháp đánh giá, phương pháp dạy học trong quá trình phát triển chương trình và tác động tới mọi mặt của quá trình dạy học. Chuẩn đầu ra của môn học chính thức bao gồm các phần: Phần mô tả bằng lời: Các thành phần, chỉ số hành vi, mức chất lượng, đường phát triển NL; phần mẫu: Công cụ đánh giá NL, những bài làm của HS tương ứng với các mức độ phát triển NL.
     Từ khóa: Chuẩn đầu ra môn học, định hướng, phát triển năng lực.
2. Phạm Đức Quang. Phát triển chương trình nhà trường với trường có yếu tố nước ngoài

     Bài viết đề cập đến việc phát triển chương trình nhà trường với các trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Theo tác giả bài viết, hiện nay ở Việt Nam (nói chung), ở Hà Nội (nói riêng) đang tồn tại loại hình trường phổ thông có yếu tố nước ngoài hay còn gọi là trường quốc tế ở Việt Nam. Ở những trường này, hiện nay trong dạy học thường phải tiến hành song song hai chương trình (CT), gồm một CT hiện hành của Việt Nam và một CT quốc tế mà trường đó lựa chọn. Khi đó, nếu tuân thủ nghiêm ngặt đồng thời hai CT thì sẽ dẫn đến khó khăn trong bố trí dạy học, nhất là khó khăn cho học sinh, bởi vì thời lượng (số giờ) thường rất nhiều, ít nhất cũng nhiều hơn số giờ theo CT hiện hành của Việt Nam, trong khi thời lượng thực dạy trong năm (trong tuần) là có hạn. Từ đó, một nhu cầu tất yếu đặt ra là phải xây dựng được CT nhà trường thích hợp, tức là cần tìm kiếm phương án phối hợp thực hiện hai CT, sao cho phù hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, khả thi với HS.
     Từ khóa: chương trình, phát triển chương trình, trường có yếu tố nước ngoài.
3. Đào Tam, Phan Thanh Hải. Khai thác mối liên hệ bên trong giữa các nội dung môn Toán nhằm hỗ trợ học sinh trung học phổ thông phát hiện cách giải quyết các vấn đề toán học
     Bài viết trình bày việc khai thác mối liên hệ bên trong giữa các nội dung môn Toán nhằm tạo khả năng định hướng huy động kiến thức đúng đắn trong hoạt động tìm tòi kiến thức mới cho học sinh. Trong bài viết này, chúng tôi cụ thể hóa vào việc khai thác mối liên hệ giữa tích vô hướng, hình học đồng dạng với hệ thức lượng trong các hình; khai thác mối liên hệ giữa một số hình hình học để giúp học sinh giải quyết các vấn đề toán học.
    Từ khóa: Học sinh, môn Toán, mối liên hệ bên trong.
4. Hoàng Thị Phương. Hướng dẫn giáo viên mầm non tổ chức thí nghiệm khám phá tự nhiên vô sinh cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi

    Các yếu tố tự nhiên vô sinh như không khí, ánh sáng, nước, đất, cát, sỏi đá… rất cần thiết trong cuộc sống con người. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã tiếp xúc với yếu tố tự nhiên vô sinh và luôn có mong muốn tìm hiểu, khám phá nó. Tuy nhiên, nhiều đặc điểm, tính chất của các đối tượng này không bộc lộ ra ngoài trong điều kiện bình thường, nên trẻ nhỏ chỉ có thể nhận biết thông qua thí nghiệm (TN). Đối với trẻ mầm non, TN được quan niệm là “Quá trình tác động có mục đích vào đối tượng trong những điều kiện nhất định, làm bộc lộ tính chất của nó, đáp ứng nhu cầu nhận thức của trẻ”. TN trở thành phương pháp nhận thức, giúp trẻ khám phá đặc điểm, tính chất của các sự vật hiện tượng xung quanh trẻ. Bài viết đề cập đến việc hướng dẫn giáo viên mầm non tổ chức TN khám phá tự nhiên vô sinh cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi.
    Từ khóa: Giáo viên mầm non, thí nghiệm, trẻ mẫu giáo, tự nhiên vô sinh.
5. Lê Minh Nguyệt, Lê Minh Hiền. Thực trạng việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong giáo dục học sinh trung học cơ sở

     Kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội (XH) (cộng đồng) là một trong những nguyên lí giáo dục (GD) của GD nói chung, của nhà trường phổ thông nói riêng và đã được thể chế hóa trong luật GD. Bài viết trình bày t
hực trạng việc kết hợp các lực lượng GD trong việc GD HS ở các trường THCS. Kết quả khảo sát trên các đối tượng CBQL và GV THCS, cha mẹ HS và cán bộ lãnh đạo cho thấy nhiều nội dung, hình thức kết hợp giữa nhà trường THCS với gia đình, cộng đồng trong GD HS đã được triển khai và mang lại hiệu quả nhất định.Tuy nhiên, sự kết hợp mới chủ yếu diễn ra và có hiệu quả ở các lĩnh vực hoạt động học tập của HS ở nhà và ở trường, còn các lĩnh vực khác vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thực trạng này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là nhận thức, thái độ và năng lực tham gia hoạt động kết hợp của các chủ thể GV, cha/mẹ HS, của cán bộ tổ chức, đoàn thể địa phương.
    Từ khóa: Nhà trường, gia đình, xã hội, cộng đồng, giáo dục, học sinh.
6. Nguyễn Nguyệt Minh. Khai thác công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ hoạt động tự học của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ
      
    
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, vấn đề sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ quá trình dạy học, tích cực hoá hoạt động nhận thức của sinh viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đã trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ. Nếu có thể định hướng và đề xuất các biện pháp cho sinh viên tự học với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc tự học của sinh viên sẽ hiệu quả hơn trong đào tạo theo học chế tín chỉ. Bài viết đề cập tới vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào đào tạo tín chỉ, trong đó tập trung vào phân tích việc khai thác những thế mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông hỗ trợ sinh viên tự học.
     Từ khóa: Học chế tín chỉ, công nghệ thông tin và truyền thông, sinh viên.
7. Nguyễn Thị Hương Lan. Sử dụng rubric trong việc xây dựng hướng dẫn chấm điểm đối với dạng đề mở môn Ngữ văn
     Rubric là một công cụ có thể dùng trong đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS), được thể hiện bằng bảng miêu tả các tiêu chí cụ thể theo những cấp độ khác nhau dựa trên mục tiêu nhiệm vụ đặt ra.Trong dạy học Ngữ văn, giáo viên (GV) đánh giá năng lực tạo lập văn bản của HS bằng Rubric chính là thiết kế một bảng hệ thống những yêu cầu cần đạt (về nội dung kiến thức thể hiện trong bài viết, kĩ năng tạo lập bài viết, tính sáng tạo thể hiện trong bài viết) với các tiêu chí khác nhau ở từng mức độ căn cứ vào mục tiêu mà GV đặt ra. Với mong muốn giúp GV thuận lợi hơn khi thiết kế hướng dẫn chấm đề văn mở, tác giả bài viết giới thiệu cách xây dựng và sử dụng Rubric, một công cụ hữu hiệu nhằm đánh giá năng lực tạo lập văn bản của HS. Trong bài, tác giả trình bày rõ: 1/ Rubric là gì? 2/ Phân loại Rubric; 3/ Quy trình thiết kế Rubric hướng dẫn chấm điểm trong mô Ngữ văn.
     Từ khóa: Rubric, đề mở, chấm điểm, môn Ngữ văn.
8. Cao Thị Thặng, Vũ Minh Tuân. Xây dựng và sử dụng hệ thống thí nghiệm hóa học nhằm phát triển tư duy khoa học cho học sinh trong dạy học hóa học ở trường trung học phổ thông
     Tư duy khoa học là một phẩm chất cần thiết cho người lao động trong  bất kí thời đại nào nhất là trong thế giới đầy biến động hiện nay. Tư duy khoa học được phát triển cho học sinh thông qua các môn học khác nhau trong đó phải kể đến các môn khoa học tự nhiên trong đó có môn Hóa học. Làm thế nào để phát triển tư duy khoa học hóa học là một vấn đề đã và luôn được đặt ra trong dạy học hóa học. Nội dung bài viết này trình bày về vấn đề xây dựng và sử dụng hệ thống thí nghiệm hóa học nhằm phát triển tư duy khoa học cho học sinh trong dạy học hóa học ở trường trung học phổ thông
     Từ khóa: Tư duy khoa học; thí nghiệm hóa học; môn Hóa.
9. Nguyễn Trọng Đức. Bồi dưỡng phương pháp tự học với sách giáo khoa địa lí ở trường trung học phổ thông
    Vấn đề tự học của người học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm quán triệt sâu sắc từ nhiều năm qua. Để chiếm lĩnh được tri thức, người học cũng có những cách tự học khác nhau như tự học thông qua sự hướng dẫn của thầy hoặc tự học hoàn toàn; tự học thông qua tài liệu, sách vở; tự học  từ cuộc sống… Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả trình bày về việc tự học thông qua tài liệu, sách vở mà ở đây là sách giáo khoa môn Địa lí. Trong đó, tác giả đi vào phân tích phương pháp tự học với sách giáo khoa môn Địa lí: Phát hiện kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; diễn đạt lại nội dung sách giáo khoa; lập dàn ý khi tự học với sách giáo khoa;khai thác kênh hình trong sách giáo khoa và củng cố, hệ thống hóa kiến thức.
     Từ khóa: Tự học; môn Địa lí; sách giáo khoa.
10. Trần Đức Khoản. Xây dựng tài liệu tự học có hướng dẫn theo module học phần Vật lí đại cương cho sinh viên đại học ngành Kĩ thuật
     Học phần Vật lí đại cương của ngành Kĩ thuật ở các trường đại học được giảng dạy vào học kì I và II của năm học thứ nhất, đây là học phần quan trọng trong việc xây dựng các kiến thức nền cho sinh viên ngành Kĩ thuật. Với mô hình đào tạo tín chỉ, sinh viên bên cạnh giờ lên lớp thì phải dành nhiều thời gian cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Việc xác định các mục tiêu kiến thức, kĩ năng; hướng dẫn lựa chọn các tài liệu tham khảo và xác định các nhiệm vụ tự học, các nhiệm vụ tự kiểm tra đánh giá là rất cần thiết với sinh viên trong việc tự học một học phần. Vì vậy, bài viết này đề cập đến việc xây dựng tài liệu tự học có hướng dẫn theo module học phần Vật lí đại cương cho sinh viên đại học ngành Kĩ thuật.
    Từ khóa:  Kĩ thuật, sinh viên, Vật lí đại cương.
11. Nguyễn Mạnh Cường. Cơ sở lí luận về thực tập tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học
     Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường mặc dù có kiến thức lí luận tốt nhưng năng lực thực tiễn còn yếu kém. Đó cũng là nguyên nhân của tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp, công ty, nơi sử dụng lao động đặt ra yêu cầu điều kiện về kinh nghiệm làm việc khi tuyển lao động. Điều đó đặt ra vấn đề nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn; thực tập tốt nghiệp của sinh viên phải được coi trọng và thực hiện có chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao năng lực hành nghề và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên. Chính vì vậy, bài viết này trình bày một số vấn đề về cơ sở lí luận thực tập tốt nghiệp của sinh viên các trường đại học.
    Từ khóa: Thực tập tốt nghiệp, trường đại học, sinh viên.
12. Vũ Thị Yến Nhi. Mô hình trường mầm non thực hành – phương tiện giáo dục giá trị nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm mầm non
     Trường mầm non thực hành là một trong những phương tiện giáo dục giá trị nghề nghiệp cần được xây dựng theo mô hình được đề xuất, thỏa mãn các yêu cầu từ tên gọi, vị trí địa lí đến tôn chỉ, mục đích, tầm nhìn, sứ mạng, chương trình giáo dục, nội dung thực hành sư phạm, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Qua đó, sinh viên có cơ hội vận dụng kiến thức về nghề, rèn luyện, thực hành kĩ năng nghề, góp phần hình thành nhân cách của nghề giáo viên mầm non.
     Từ khóa: Giá trị nghề nghiệp, sinh viên, mầm non.
13. Phạm Thị Kiều Duyên. Sử dụng bài tập thực tiễn trong dạy học hóa học nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh
     Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực nhằm hình thành ở học sinh những năng lực cốt lõi để vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có vào việc giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Từ xu hướng dạy học này, bài báo đã tổng quan cơ sở lí luận về năng lực, nghiên cứu quy trình xây dựng, sử dụng bài tập thực tiễn như một công cụ hữu hiệu trong dạy học hóa học nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh trung học phổ thông.
     Từ khóa: Bài tập thực tiễn, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, Hóa học.
14. Trần Trung Dũng. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh
     Dạy học là hoạt động cơ bản của nhà trường. Khi giáo dục có sự đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng phát triển năng lực học sinh thì việc quản lí hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông cũng phải đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trên cơ sở đó, bài báo đề cập đến các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
     Từ khóa: Trung học phổ thông, năng lực, phát triển năng lực, dạy học.
15. Nguyễn Quang Nhã. Giáo dục thẩm mĩ âm nhạc thông qua hoạt động dạy hát cho trẻ
     Giáo dục thẩm mĩ là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình giáo dục con người đến sự phát triển toàn vẹn, góp phần vào sự hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ. Hoạt động âm nhạc là một trong những hoạt động đóng vai trò mũi nhọn, thể hiện rõ ràng nhất những cảm xúc, tình cảm và sự sáng tạo cái đẹp trong giáo dục thẩm mĩ đối với trẻ. Để hoạt động dạy hát tác động đến cảm xúc, tình cảm của trẻ qua nhiều yếu tố và nhiều phương diện tác động khác nhau, giáo viên phải rèn luyện, nâng cao kĩ năng hát, kĩ năng tổ chức, điều khiển khi dạy hát và kĩ năng tổ chức các hoạt động dạy hát khác nhau.
     Từ khóa: Giáo dục thẩm mĩ, dạy hát, trẻ mẫu giáo.
16. Nguyễn Thị Liễu. Đánh giá kết quả học tập môn Giáo dục nghề nghiệp theo tiếp cận năng lực
     Đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực đang là xu thế tất yếu trong đào tạo đại học. Đó là một khâu quan trọng thúc đẩy quá trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực đầu ra cho người học. Trong quá trình đào tạo giáo viên kĩ thuật, môn Giáo dục học nghề nghiệp có vai trò hình thành phẩm chất và năng lực nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp và xã hội. Bài viết trình bày mô hình đánh giá kết quả học tập môn học này theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp của sinh viên, thể hiện được ưu điểm nổi bật của nó và sự phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay.
     Từ khóa: Kết quả học tập, giáo dục học nghề nghiệp, tiếp cận năng lực, sinh viên.
17.  Ngô Thị Phương Trà. Một số biện pháp luyện kĩ năng phát âm cho trẻ khó khăn về lời nói
     Hiện nay, số lượng trẻ tự kỉ ngày càng tăng cao với rất nhiều triệu chứng đáng lo ngại. Một trong những triệu chứng đó là ngôn ngữ bị rối loạn dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn trẻ tự kỉ khi tham gia giao tiếp đều gặp khó khăn trong việc diễn đạt nội dung mà mình muốn thể hiện, có trẻ nói được nhưng nhiều khi chỉ là những câu vô nghĩa hoặc không hề có sự biểu cảm về mặt ngôn ngữ lẫn nét mặt, cử chỉ. Có trẻ không có hoặc mất hẳn ngôn ngữ giao tiếp. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả giới thiệu một số bài tập luyện phát âm cho trẻ tự kỉ nhằm giúp trẻ tự kỉ có thể giao tiếp được với mọi người trong gia đình và ngoài xã hội.
    Từ khóa: Trẻ tự kỉ ,bài tập, luyện phát âm, giao tiếp.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
18. Lê Thị Bình. Công tác quy hoạch cán bộ quản lí Phòng Giáo dục và Đào tạo các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
     Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lí nhà nước về GD&ĐT. Công tác quy hoạch là khâu đầu tiên trong việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lí (CBQL) phòng GD&ĐT. Công tác này giúp cho UBND quận/huyện tạo nguồn CBQL phòng GD&ĐT đáp ứng yêu cầu quản lí giáo dục trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời tạo sự chủ động trong việc bố trí, sắp xếp CBQL theo một quy trình hợp lí. Bài viết đề cập đến công tác quy hoạch CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN). Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Vai trò của CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh vùng KTTĐPN; 2/ Công tác quy hoạch CBQL phòng GD&ĐT các tỉnh vùng KTTĐPN; 3/ Đề xuất quy trình thực hiện công tác quy hoạch CBQL phòng GD & ĐT các tỉnh vùng KTTĐPN.
     Từ khóa: Quy hoạch, quy hoạch cán bộ, cán bộ quản lí
19. Lê Huỳnh Quốc Vũ. Thực trạng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra Trường Cao đẳng Số 23 - Bộ Quốc phòng hiện nay
     Đội ngũ cán bộ thanh tra có vai trò quyết định đến chất lượng và hiệu quả  của công tác thanh tra. Đội ngũ thanh tra viên của Trường Cao đẳng Số 23 - Bộ Quốc phòng trong những năm học qua đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác thanh tra hoạt động giảng dạy của giảng viên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, mang tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao, chưa có tác dụng đối với sự điều chỉnh và định hướng các hoạt động giáo dục của trường trong tỉnh. Bài viết trình bày thực trạng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và đưa ra một số biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra chuyên môn của Trường Cao đẳng Số 23 - Bộ Quốc phòng.
    Từ khóa: Thanh tra viên, cộng tác viên, thanh tra, trường cao đẳng.
20. Mai Văn Thi. Dạy học xác suất – thống kê theo hướng chuẩn bị năng lực nghề nghiệp cho sinh viên ngành Hàng hải tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
     Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành nói chung và ngành Hàng hải nói riêng sẽ phải bắt đầu ngay từ khi người lao động còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các nội dung đào tạo cho sinh viên hàng hải về các lĩnh vực mà họ sẽ hoạt động sau khi ra trường, môn Toán đóng một vai trò quan trọng trong nội dung đào tạo sinh viên ngành Hàng hải. Đó không chỉ là môn khoa học cơ bản mà còn mang tính tích hợp xuyên môn với khoa học chuyên ngành. Trong đó, học phần Xác xuất – Thống kê là một trong những học phần có nhiều ứng dụng có thể đóng góp nhiều cho việc thực hiện yêu cầu đào tạo nhân lực ngành Hàng hải.
     Từ khóa: Ngành Hàng hải, xác suất – thống kê, năng lực nghề nghiệp.
21. Nguyễn Thị Lý. Hiện trạng kế thừa nghề nghiệp trong tình hình gia tăng hiện tượng di động nghề nghiệp
     Di động nghề nghiệp là một hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện đại và có những tác động tích cực, mạnh mẽ tới sự phát triển của xã hội. Có hai hướng nghiên cứu cơ bản về di động nghề nghiệp: Các nhà xã hội học chỉ rõ sự di động nghề nghiệp trong một xã hội có sự phân tầng khép kín và phân tích di động xã hội trong sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Di động nghề nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với kế thừa nghề nghiệp, bởi di dộng nghề nghiệp xóa dần đi hiện tượng cha truyền con nối một nghề cụ thể. Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang diễn ra sự tiếp nối nghề nghiệp giữa các thế hệ ở vùng nông thôn với những người làm nông nghiệp, còn những người ở đô thị và xuất thân từ tầng lớp khá giả khả năng di động nghề của họ mạnh mẽ hơn.
     Từ khóa: Di động nghề nghiệp, kế thừa nghề nghiệp, xã hội.

GIÁO DỤC DÂN TỘC:
22. Hà Đức Đà. Giáo dục tiểu học ở khu vực miền núi phía Bắc: Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa
     Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giáo dục ở khu vực miền núi phía Bắc đã đạt được những thành tựu nhất định. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ năm học 2018 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới trên toàn quốc. Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới ở miền núi phía Bắc, vấn đề đặt ra là cần nhận thức đầy đủ những thuận lợi và những khó khăn mang tính đặc thù vùng miền và đặc thù tộc người của miền núi phía Bắc.
     Từ khóa: Giáo dục tiểu học, miền núi phía Bắc, chương trình, sách giáo khoa mới.
23. Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Nâng cao năng lực hợp tác cho học sinh thông qua hoạt động học tập ở lớp ghép đáp ứng yêu cầu chương trình tiểu học mới
     Lớp ghép là một loại hình lớp học đặc thù hiện nay của giáo dục dân tộc và sẽ còn tồn tại lâu dài ở vùng dân tộc và miền núi. Hình thức hoạt động chủ đạo của lớp ghép là học theo nhóm có cùng trình độ. Vì vậy, việc hình thành và phát triển năng lực hợp tác cho HS thông qua các hoạt động giáo dục nói chung, hoạt động học tập nói riêng là một vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu của chương trình tiểu học mới sau 2015.
     Từ khóa: Năng lực hợp tác, lớp ghép, học sinh.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
24. Nguyễn Tất Thắng, Nguyễn Thị Hương Giang. Giáo dục biến đổi khí hậu trên thế giới
     Biến đổi khí hậu được coi là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Trong đó, giáo dục biến đổi khí hậu được coi là một trong những con đường để có thể đem lại sự thành công trong việc thực hiện các chiến lược ứng phó. Hầu hết nền giáo dục của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt từ sau năm 2007, đã và đang có những hành động ở các mức độ và bằng các hình thức khác nhau để thực hiện nhiệm vụ này.
     Từ khóa: Giáo dục, biến đối khí hậu, phát triển bền vững.