Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 124

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 124, tháng 1 năm 2016

NGHIÊN CỨU:
1.Đỗ Tiến Đạt. Cơ sở lí luận xác định nội dung dạy học ở trường phổ thông
      Bài viết trình bày cơ sở lí luận xác định nội dung dạy học ở trường phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày:1/ Một số vấn đề về nội dung dạy học trong lịch sử giáo dục; 2/ Quan niệm hiện đại trong việc xác định và tổ chức nội dung dạy học; 3/ Đề xuất một số quan điểm cơ bản về xác định nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới; 4/ Đề xuất hướng tiếp cận xác định nội dung dạy học môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 
      Từ khóa: Nội dung dạy học; trường phổ thông; chương trình; giáo dục phổ thông
2.Đào Thị Oanh. Mối quan hệ giữa giá trị với phẩm chất và năng lực của nhân cách
      Trong xu thế chung hội nhập với thế giới, giáo dục Việt Nam đang từng bước có những nghiên cứu học tập, cải tiến từng bước ở nhiều khía cạnh, trong đó có việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo tiếp cận giá trị. Để thực hiện được điều đó cần tường minh các vấn đề lí luận cốt lõi: Giá trị là gì? Khái niệm giá trị có mối quan hệ như thế nào với khái niệm phẩm chất và năng lực trong cấu trúc nhân cách? Giáo dục giá trị nhân cách?...Đó là một số khía cạnh được đề cập đến như là những suy nghĩ bước đầu trong bài viết này.
      Từ khóa: Giá trị, nhân cách, phẩm chất, năng lực.
3.Thái Văn Thành, Nguyễn Long Sơn. Mô hình nhân cách người tổ trưởng chuyên môn trường trung học phổ thông
      Tổ trưởng chuyên môn (TTCM) trường trung học phổ thông (THPT) có vai trò to lớn trong việc tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường và chỉ đạo tổ chuyên môn thực hiện có hiệu quả kế hoạch chiến lược trường THPT, nhiệm vụ dạy học, phát triển toàn diện HS, góp phần thực hiện thắng lợi và hoàn thành được mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong bài, tác giả trình bày: Mô hình nhân cách TTCM trường THPT gồm các đặc trưng: 1/ Nhà giáo dục; 2/ Nhà quản lí; 3/ Nhà lãnh đạo; 4/ Nhà hoạt động xã hội; 5/ Nhà hội nhập quốc tế về giáo dục phổ thông.
      Từ khóa: Tổ trưởng chuyên môn; Nhà giáo dục; Nhà quản lí; Nhà lãnh đạo; Nhà hoạt động xã hội.   
4.Đặng Thành Hưng. Văn hóa tổ chức và văn hóa nhà trường trong quản lí giáo dục
      Văn hóa tổ chức và văn hóa nhà trường có liên quan với nhau qua sự kết hợp trong quản lí. Đó là tiếp cận văn hóa tổ chức trong quản lí nhà trường. Bài này trình bày các quan niệm về văn hóa tổ chức và văn hóa nhà trường; tiếp cận văn hóa tổ chức trong quản lí nhà trường; phân tích vai trò của văn hóa tổ chức và văn hóa nhà trường trong quản lí, những nguyên tắc của tiếp cận văn hóa tổ chức trong quản lí nhà trường.
Từ khóa: Văn hóa tổ chức; văn hóa nhà trường, quản lí giáo dục.
5.Vương Thanh Hương. Quản lí tri thức và tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu giáo dục vào thực tiễn
      Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay, vấn đề quản lí tri thức và chia sẻ, phổ biến thông tin kết quả nghiên cứu giáo dục càng trở nên cấp thiết. Để quản lí nghiên cứu giáo dục thành công, cần đề ra các điều kiện hợp lí, xây dựng khung các chủ đề nghiên cứu hay định hướng nghiên cứu theo hướng dễ tiếp cận, có khả năng tích lũy, tận dụng được thành quả các nghiên cứu đã có và tập trung vào tính hữu dụng trong bối cảnh giáo dục hiện tại.
      Từ khóa: Quản lí tri thức; nghiên cứu giáo dục; thực tiễn.
6.Đỗ Thị Bích Loan. Giáo dục định hướng giá trị nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới
      Định hướng giá trị nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Với chức năng cơ bản của giáo dục là xã hội hóa con người và nghề nghiệp hóa con người, việc giáo dục định hướng giá trị nghề nghiệp ở trường trung học cơ sở là rất cần thiết, đặc biệt với khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ góc độ giáo dục định hướng giá trị nghề nghiệp, để đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực cho nông thôn mới, việc đề xuất những giá trị nghề nghiệp cần định hướng cho học sinh THCS và một số vấn đề cần được quan tâm khi giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp học sinh xác định nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú cá nhân, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
      Từ khóa: Định hướng giá trị nghề nghiệp; học sinh trung học cơ sở; khu vực nông thôn.
7.Cao Cự Giác. Thiết kế bài giảng Hóa học bằng tiếng Anh dạy học ở trường trung học phổ thông
      Hiện nay, một số trường trung học phổ thông ở Việt Nam đang thí điểm dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh và đã đem lại những hứng thú nhất định về cách tiếp cận tiếng Anh của giới trẻ. Tuy nhiên, việc lựa chọn giáo trình và thiết kế bài giảng bằng tiếng Anh đang còn là vấn đề mới được nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh quan tâm. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi giới thiệu quy trình thiết kế bài giảng Hóa học bằng tiếng Anh với một áp dụng cụ thể về bài giảng Hóa học để bạn đọc tham khảo.
      Từ khóa: Thiết kế bài giảng Hóa học; tiếng Anh; trung học phổ thông.
8. Mai Văn Trinh, Trương Thị Phương Chi. Thiết kế bài dạy – tự học trên lớp với sự hỗ trợ của E-learning
      Năng lực tự học được xác định là một năng lực cốt lõi cần hình thành và phát triển cho học sinh trong chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học. Đối với cấp Trung học phổ thông, rèn luyện và bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh nhằm trang bị cho các em hành trang vững chắc và đủ điều kiện bước tiếp vào các bậc đào tạo tiếp theo. Bài báo đề xuất những tiêu chí để xây dựng E-learning với vai trò là một phương tiện dạy học hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy học hướng tới mục đích rèn luyện năng lực tự học cho học sinh, tạo điều kiện cho các em tự học suốt đời.
      Từ khóa: Tự học; E-learning; thiết kế bài dạy – tự học.
9.Phạm Thanh Tâm và nhóm nghiên cứu. Một số đề xuất về sách giáo khoa Toán tiểu học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh
      Trên cơ sở nghiên cứu về đặc điểm sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, nghiên cứu các bộ sách giáo khoa Toán tiểu học của các nước Hàn Quốc, Mĩ, Singapore, chúng tôi đã xác định những yêu cầu đối với sách giáo khoa Toán tiểu học đáp ứng phát triển năng lực học sinh. Bài viết này đề xuất cấu trúc của một cuốn sách giáo khoa Toán tiểu học gồm các phần mở đầu, hướng dẫn người học, các chương, các dạng bài học, phần đáp số và các thiết bị học tập cơ bản. Đồng thời, đưa ra ý tưởng liên kết sách giáo khoa Toán tiểu học với các nguồn thông tin, học liệu khác, trong đó có sách giáo khoa điện tử.
     Từ khóa: Sách giáo khoa; môn Toán; tiểu học; năng lực học sinh.
10.Nguyễn Thị Kim Chi. Vai trò của tổ chuyên môn trường trung học trong phát triển chương trình giáo dục nhà trường
      Phát triển  chương trình (CT) giáo dục (GD) nhà trường  là một nhiệm vụ trọng tâm của các trường trung học trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, thiết kế CT GD theo môn học là một khâu then chốt, cơ bản. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mới và khó. Vì vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần phát huy vai trò của tổ     chuyên môn (TCM). Tác giả bài viết làm rõ vai trò của TCM trường trung học trong việc thiết kế CT GD nhà trường theo định hướng tiếp cận năng lực HS, bao gồm: 1/ Quan niệm về CT GD nhà trường; 2/ Vai trò của TCM trong phát triển CT GD nhà trường: Thiết kế chuẩn đầu ra; Thiết kế nội dung chương trình môn học; Xây dựng phân phối CT môn học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế, thực hiện và đánh giá CT môn học cho GV.
     Từ khóa: Tổ chuyên môn; trường phổ thông, chương trình, chương trình giáo dục nhà trường.
11.Cao Thị Châu Thủy. Khung tham chiếu - công cụ quản lí hoạt động học tập trong đào tạo theo tín chỉ
      Dựa vào mục đích, vai trò của Khung tham chiếu đối với việc quản lí nhiệm vụ và trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến hoạt động dự án; đồng thời trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu đối với hoạt động học tập theo phương thức đào tạo theo tín chỉ, tác giả đã nghiên cứu và xây Khung tham chiếu đối với các đối tượng liên quan. Đây là cơ sở cho các cấp quản lí và các chủ thể liên quan bổ sung thêm công cụ quản lí để quản lí, đánh giá hoạt động đào học tập của người học.
     Từ khóa: Đào tạo tín chỉ; quản lí; khung tham chiếu.
12.Phan Trần Phú Lộc. Quản lí liên kết đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp theo mô hình quản lí mục tiêu 
      Bài viết đề cập một số vấn đề liên quan đến quản lí liên kết đào tạo nghề giữa trường nghề và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp dựa trên mô hình quản lí mục tiêu. Trường dạy nghề và doanh nghiệp cùng nhau thống nhất mục tiêu hành động, cùng đưa ra các chỉ số để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu. Từ mục tiêu được trường dạy nghề và doanh nghiệp thống nhất sẽ đi đến các chương trình hành động cụ thể để đạt mục tiêu. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí liên kết đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp.
      Từ khóa: Đào tạo nghề; mô hình quản lí mục tiêu; trường nghề.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
13.Đặng Lộc Thọ. Cho trẻ làm quen tiếng Anh tại các trường mầm non thực hành thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
      Trong xu thế toàn cầu hóa, nhu cầu học tập tiếng Anh trở thành một xu thế tất yếu và cần thiết. Việc cho trẻ làm quen tiếng Anh là quán triệt tinh thần Quyết định 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. Việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh tại các trường mầm non thực hành đã thu được những kết quả khả quan ban đầu, khẳng định tính khả thi trong tổ chức thực hiện; bước đầu được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh… nhằm tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới; tích hợp và giúp cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non hiệu quả hơn.
      Từ khoá: Mầm non thực hành; tiếng Anh; Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
14.Nguyễn Công Ước, Nguyễn Thị Thanh Hiền, Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Nguyễn Tất Thắng, Bùi Thị Hải Yến. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại một số khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
      Bài viết trình bày về vấn đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên tại một số khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm học 2008-2009. Trong quá trình đào tạo không tránh khỏi những hạn chế, đặc biệt là khâu kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Kết quả nghiên cứu tại ba khoa trong học viện cho thấy một số khâu trong công tác kiểm tra đánh giá được thực hiện khá nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều giảng viên và sinh viên chưa có quan niệm đầy đủ về mục đích của kiểm tra đánh giá; cơ sở lựa chọn nội dung kiểm tra đánh giá; Một số giảng viên chưa áp dụng đa dạng các phương pháp kiểm tra đánh giá trong đánh giá điểm học phần;…
  Từ khóa: Kiểm tra; đánh giá; đánh giá học phần; học chế tín chỉ.
      15.Đào Thị Lê. Đào tạo liên kết với doanh nghiệp ở trường trung cấp chuyên nghiệp tỉnh Bắc Ninh
      Bài viết đề cập tới vấn đề đào tạo liên kết với doanh nghiệp ở trường trung cấp chuyên nghiệp của Bắc Ninh. Bắc Ninh là một trong những tỉnh thu hút đầu tư lớn, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đào tạo liên kết với doanh nghiệp là một trong những hình thức đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, hoạt động này mang lại lợi ích cho tất cả các bên và xã hội. Nhà trường nâng cao được chất lượng và hiệu quả đào tạo, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, người học có cơ hội học tập đúng với khả năng và đặc biệt là đầu ra vững chắc để yên tâm học tập, doanh nghiệp nhận biết trước được kiến thức, kĩ năng đạt được của người học để lựa chọn sản phẩm nhân lực phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.
      Từ khóa: Đào tạo liên kết; trường trung cấp chuyên nghiệp; nguồn nhân lực.
GIÁO DỤC DÂN TỘC:
      16.Hà Đức Đà. Giáo dục trung học phổ thông với sự phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số
Thực hiện mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, phát triển giáo dục trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số phải đi trước một bước. Bởi lẽ chỉ có tăng số lượng, chất lượng học sinh người dân tộc thiểu số mới thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực người dân tộc thiểu số. Bài viết khái quát những đặc điểm và vai trò của các dân tộc thiểu số, từ đó phân tích vai trò của giáo dục trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số đối với việc phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số.
      Từ khóa: Dân tộc thiểu số; trung học phổ thông; nguồn nhân lực.
17.Nguyễn Trường Giang. Những rào cản trong học tập và việc làm đối với người dân tộc thiểu số và một số đề xuất phát triển nguồn nhân lực ở miền núi phía Bắc Việt Nam
      Thực tế hiện nay cho thấy người dân tộc thiểu số đang gặp phải những thách thức to lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực của mình để có thể tiếp cận các cơ hội công ăn việc làm ở thành phố, nhà máy và thậm chí ngay địa phương của họ. Chính vì vậy, rất hiếm gặp người dân tộc thiểu số ở nhà máy hoặc các khu đô thị, công nghiệp. Trong bài viết này, tác giả đi vào trình bày kết quả nghiên cứu về những rào cản đối với người dân tộc thiểu số trong học tập và việc làm, từ đó có những đề xuất trong phát triển nguồn nhân lực ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Nghiên cứu này lựa chọn 2 tỉnh Yên Bái và Điện Biên, là các tỉnh vùng cao tương đối điển hình và đại diện cho các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc Việt Nam.
      Từ khóa: Dân tộc thiểu số; học sinh; nguồn nhân lực.
18.Nguyễn Thị Kiều Oanh. Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua dạy học môn Toán ở tiểu học
      Tác giả bài viết trình bày một số vấn đề giúp học sinh dân tộc thiểu số phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua dạy học môn Toán ở tiểu học như: 1/ Xây dựng tình huống, câu hỏi, bài tập trong dạy học môn Toán ở tiểu học có nội dung gắn với đời sống ở vùng dân tộc thiểu số; 2/ Tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua các hoạt động học môn Toán ở trên lớp, các hoạt động học tập gắn với thực tiễn ngoài lớp học (cụ thể là tổ chức các trò chơi học tập, thực hành ngoài lớp học và hướng dẫn học sinh liên hệ vào các tình huống trong thực tế đời sống của học sinh dân tộc thiểu số).
      Từ khóa: Dân tộc thiểu số; năng lực giải quyết vấn đề; môn Toán.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
19.Đỗ Thu Hà. Phát triển kĩ năng viết cho học sinh trong chương trình môn Tiếng Anh của Australia
      Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ quốc gia của Australia và được giảng dạy chính trong hệ thống giáo dục với ba mạch nội dung (Ngôn ngữ, Văn học, Đọc viết) tương đương với môn Tiếng Việt/Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. Nghiên cứu vấn đề phát triển kĩ năng viết ở môn Tiếng Anh của Australia sẽ giúp có thêm những tham chiếu cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, nội dung bài viết này đi vào phân tích về vấn đề phát triển kĩ năng viết cho học sinh trong chương trình môn Tiếng Anh của Australia.
      Từ khóa: Môn Tiếng Anh; kĩ năng viết; học sinh; chương trình giáo dục phổ thông.
20.Đoàn Như Hùng. Liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ở một số nước trên thế giới và Việt Nam
      Bài viết đề cập đến việc liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp ở một số nước trên thế giới và Việt Nam. Trong bài, tác giả trình bày về các hình thức liên kết, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Lợi ích của các bên trong việc liên kết này; Mô hình đào tạo liên kết; Các hình thức phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Từ khóa: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp; đào tạo; liên kết đào tạo.
21.Lê Thanh Tâm, Minh Thị Thảo, A.S. Sukhritina. Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam và Nga - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển mạng lưới giáo dục
      Quan hệ Việt - Nga trong những năm gần đây đã phát triển thành đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục cũng tăng cường sâu rộng, việc so sánh các con đường đổi mới hệ thống giáo dục đại học ở các nước này đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Thực tế cho thấy rằng, ở những năm giữa của thế kỉ trước việc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đại học ở Nga và Việt Nam có những điểm tương tự nhau do cả hai quốc gia đều bị chiến tranh tàn phá và đã có một số thay đổi lớn trong chính trị, dẫn đến những thay đổi trong tất cả các lĩnh vực của hai nước. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích về vấn đề đổi mới giáo dục đại học Việt Nam và Nga – điều kiện tiên quyết cho sự phát triển mạng lưới giáo dục.
      Từ khóa: Trường đại học; mạng lưới giáo dục; hợp tác quốc tế.