Giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học trong giai đoạn mới

08/05/2022 18:50 GMT+7
Giáo dục giá trị văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Với ý nghĩa đó, làm thế nào để giáo dục giá trị văn hóa một cách hiệu quả trong giai đoạn mới là một vấn đề được quan tâm. Bài viết của hai tác giả Đoàn Thị Thúy Hạnh và Võ Thanh Hà đề xuất một số giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bao gồm: Giáo dục giá trị văn hóa trong một số môn học và hoạt động trải nghiệm; giáo dục thông qua một số chủ đề tích hợp liên môn; giáo dục thông qua tổ chức các hoạt động giáo dục khác…

Mục tiêu chung của giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học nhằm góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất năng lực cần thiết để trở thành người công dân tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của cá nhân và xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học được coi là cái căn bản, cái gốc cho sự hình thành và phát triển nhân cách.
  
Mục tiêu cụ thể của giáo dục giá trị văn hóa nhằm xây dựng và bồi dưỡng cho các em những quy tắc ứng xử, những hành vi đạo đức được thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, với mọi người xung quanh; giúp các em biết suy nghĩ tích cực, biết lắng nghe, học hỏi, tự xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc về nhân cách để các em có thể vươn lên trong cuộc sống; giúp các em biết tôn trọng bản thân và người khác, biết cách hợp tác, xây dựng và duy trì tình đoàn kết, thích ứng trước những đổi thay của cuộc sống; giúp các em biết chia sẻ, chịu trách nhiệm…; góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh, qua đó giúp các em có ý thức trong từng việc làm, từng hành động, giúp các em sống có lí tưởng, có ước mơ và hoài bão, nhận thức được cái hay, cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống.
   
Dựa trên đặc điểm tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học, dựa trên yêu cầu cần đạt trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về phẩm chất, năng lực, nhóm tác giả đề xuất các nội dung cụ thể cho giáo dục giá trị văn hóa của cấp học này như sau: (1) Giá trị yêu nước, (2) Giá trị khoan dung, (3) Giá trị hòa bình, (4) Giá trị hợp tác, (5) Giá trị tự trọng, (6) Giá trị trách nhiệm, (7) Giá trị kỉ luật, (8) Giá trị trung thực, (9) Giá trị tự tin, (10) Giá trị sáng tạo.
   
Với cấp Tiểu học, phương pháp giáo dục giá trị văn hóa chủ yếu được thực hiện qua tổ chức các hoạt động, tương tác với thầy cô, bạn bè và những người liên quan, trải nghiệm thực tế, vận dụng giải quyết các tình huống có vấn đề, tình huống thực tế.
   
Qua tìm hiểu và phân tích chương trình các môn học cấp Tiểu học, nhóm tác giả nhận thấy một số môn học có thể khai thác giáo dục giá trị văn hóa ở mức độ cao như: Đạo đức, Tiếng Việt, Lịch sử - Địa lí… Với chủ đề tích hợp liên môn và một số hoạt động giáo dục khác, nhóm tác giả đưa ra quy trình 5 bước xây dựng nội dung các chủ đề.