Thực tiễn dạy học trực tuyến của giáo viên phổ thông Việt Nam trong đại dịch COVID-19: Kết quả phân tích từ khảo sát diện rộng

08/05/2022 18:42 GMT+7
Đại dịch COVID-19 đã tác động toàn diện và sâu sắc đến giáo dục Việt Nam. Để ứng phó với đại dịch, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức dạy học trực tuyến liên tục trong thời gian dài. Trong tình huống này, giáo viên cũng phải thay đổi các hoạt động từ lập kế hoạch, tổ chức giảng dạy, đánh giá để thích ứng với môi trường dạy học trực tuyến. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Anh Vinh, Đặng Thị Thu Huệ, Bùi Thị Diển, Vương Quốc Anh, Phùng Thị Thu Trang, Đỗ Đức Lân, Trần Thị Bích Ngân nhằm đánh giá thực trạng dạy học trực tuyến của giáo viên trên các phương diện từ điều kiện dạy học, thực tiễn triển khai đến đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến.

Kết quả khảo sát được phân tích dựa trên phần trả lời phiếu hỏi của 95.359 giáo viên phổ thông ở 63 tỉnh/thành trên cả nước. Trên cơ sở phân tích những ưu, nhược điểm từ thực tiễn triển khai, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, tăng cường khả năng thích ứng của giáo viên trong các bối cảnh linh hoạt.
  
 
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị đề xuất như sau:
  
- Đảm bảo trang bị, sẵn sàng các điều kiện dạy học trực tuyến cho giáo viên để có thể chủ động trong mọi tình huống. Trước mắt, cần cung cấp hạ tầng kĩ thuật công nghệ đảm bảo cho tổ chức dạy học trực tuyến, đặc biệt là đường truyền internet đến các vùng sâu/xa/ hải đảo - những nơi gặp khó khăn nhiều nhất. Đảm bảo điều kiện về thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng), cung cấp đầy đủ các ứng dụng phần mềm, đặc biệt là tăng cường đầu tư các phần mềm, ứng dụng nâng cao cho giáo viên và học sinh thực hiện dạy học trực tuyến. Cần huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các điều kiện về trang thiết bị và cơ sở vật chất cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở những vùng miền khó khăn.
  
- Cung cấp tài nguyên dạy học trực tuyến nhằm hỗ trợ giáo viên như các video bài giảng hỗ trợ dạy học trực tuyến, các video thực hành, thí nghiệm; hệ thống các câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra minh họa; các video thực hành, thí nghiệm, …. của các môn học thuộc các cấp học phổ thông. Nguồn tài nguyên này không chỉ đáp ứng trong bối cảnh dạy học trực tuyến mà còn hỗ trợ giáo viên hiệu quả trong quá trình trực tiếp tại trường.
  
- Tăng cường tập huấn giáo viên sử dụng công nghệ, phần mềm, các ứng dụng dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến một cách sâu, rộng, thiết thực để đảm bảo tất cả các giáo viên đều tự tin thực hiện dạy học trực tuyến hiệu quả khi cần thiết, đồng thời áp dụng được các kĩ thuật này để góp phần cải thiện hiệu quả giờ dạy trực tuyến.
  
- Tăng cường đánh giá thực tiễn hiệu quả học tập trực tuyến nhằm có những hình thức hỗ trợ giáo viên và học sinh bù đắp những thiếu hụt, hạn chế khi phải tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian dài.
  
- Tăng cường năng lực chủ động, linh hoạt của giáo viên bằng cách thúc đẩy khả năng tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên để sàng thích nghi và ứng phó với mọi tình huống.