Năng lực cuộc sống - Một số gợi ý và lưu ý khi tích hợp chúng trong lớp học ngoại ngữ

11/04/2022 19:08 GMT+7
Thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng. Thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi việc chuẩn bị tốt hơn những năng lực cần thiết cho học sinh. Việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, cần một cách tinh tế hơn trang bị cho người học những kĩ năng và trải nghiệm vượt ra ngoài giới hạn thông thường của việc học một ngôn ngữ. Hai tác giả Trần Thị Thanh Tú vàTrần Hữu Anh Tuấn giới thiệu khái quát một số năng lực cuộc sống trong giảng dạy tiếng Anh của Cambridge (tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác, học cách học, trách nhiệm xã hội) đồng thời đưa ra một số gợi ý và lưu ý khi tích hợp chúng trong các lớp học ngoại ngữ để phần nào hỗ trợ giáo viên trong lĩnh vực đầy thách thức này.

Năng lực cuộc sống thường được gọi là “kĩ năng thế kỉ XXI” hay “năng lực chuyển đổi”. Năng lực cuộc sống bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ chúng ta cần có để tham gia một cách hiệu quả vào thế giới xung quanh và phát huy hết tiềm năng của chúng ta trong giáo dục, nghề nghiệp và cuộc sống.
   

  
Nhóm tác giả đưa ra một số gợi ý cho giáo viên áp dụng tích hợp năng lực cuộc sống vào lớp học ngoại ngữ: cho các học sinh hỏi nhau “Bạn đang làm gì?”, “Bạn gặp ai?”, “Bạn cảm thấy như thế nào?” (Năng lực giao tiếp); khuyến khích các học sinh trong lớp lắng nghe và nhận xét hay cùng nhau nhận xét một sự việc có hợp lí không (Tư duy phản biện); cho học sinh nói về trách nhiệm của các em đối với lớp học hay trường của mình (Trách nhiệm xã hội). Ngoài ra, giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh thảo luận cùng nhau (Hợp tác) hay tự mình tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia về cách tối ưu một sự việc (Học cách học).
 
Tuy nhiên trong quá trình thiết kế, giáo viên cần cân nhắc loại ngôn ngữ nào có thể sẽ khuyến khích học sinh sử dụng trong khi giải quyết các nhiệm vụ học tập cụ thể. Giáo viên cũng nên cân nhắc ngôn ngữ mình cần dạy hoặc cung cấp cho các em học sinh để giúp các em phát triển năng lực cuộc sống và có thể cân nhắc liệu mình sẽ dùng tiếng mẹ đẻ như thế nào trong thời điểm nào đó của bài học. Tuy nhiên, giáo viên cũng nên ý thức rõ rằng, các ngôn ngữ gợi ý chỉ là gợi ý và có thể thay đổi trong các bối cảnh dạy học khác nhau. Các hành vi có thể quan sát được cũng có thể thay đổi để phù hợp với các đối tượng học sinh trong các bối cảnh dạy học khác nhau.
 
Nhóm tác giả hi vọng rằng những gợi ý và lưu ý khi tích hợp các năng lực cuộc sống trong các lớp học ngoại ngữ sẽ giúp giáo viên cảm thấy tự tin hơn trong việc phát triển các năng lực cuộc sống của các em.