Hội thảo “Khoa học giáo dục với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”

26/11/2021 22:42 GMT+7
Ngày 26/11/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Khoa học giáo dục với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện Lãnh đạo Bộ, cùng đại diện các Cục, Vụ. Về phía đối tác quốc tế, ông Toshiyuki Matsumoto, đại diện UNESCO Việt Nam; bà Lê Anh Lan, đại diện UNICEF Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thủy, đại diện VAEFA – Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam; bà Margarete Sachs-Israel, đại diện UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Về phía khách mời, hội thảo tiếp đón hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.


Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Khai mạc hội thảo, GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cảm ơn sự ủng hộ của các nhà khoa học và các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của VAEFA về việc tổ chức hội thảo. Ông mong muốn hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý giáo dục và các thầy, cô giáo có thể trao đổi, phân tích, đánh giá tổng kết những thành tựu và đóng góp của khoa học giáo dục trong 10 năm qua, cũng như đề xuất định hướng giải pháp phát triển khoa học giáo dục trong giai đoạn tới.
 
  Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu chỉ đạo trên nền tảng trực tuyến
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng những nghiên cứu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chúng ta cần những nghiên cứu khoa học giáo dục một cách có hệ thống về kinh nghiệm quốc tế, thực trạng của nước nhà làm cơ sở cho những chính sách, định hướng phát triển của giáo dục nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Chính vì thế, Viện là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về giáo dục với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của giáo dục nước nhà trong 60 năm qua. Ông mong Viện KHGD sẽ có niềm tin vào vai trò của mình với sự đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong những giai đoạn tiếp theo.
 
 Ông Nguyễn Đức Minh báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 
 
Mở đầu phiên toàn thể, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh tóm lược kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Giáo dục tiếp tục được triển khai theo cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các công trình nghiên cứu cơ bản của Viện chú trọng những vấn đề lý luận, phương pháp luận then chốt của khoa học giáo dục. Tuy nhiên, những nghiên cứu của Viện chưa cân bằng tỷ trọng giữa nghiên cứu và triển khai, còn nặng về nghiên cứu phục vụ quản lý ngành và nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ bản để phát triển các chuyên ngành khoa học giáo dục (như Giáo dục học, dự báo giáo dục, tâm lý học giáo dục, lí luận dạy học các bộ môn…) không có nhiều đề tài/ nhiệm vụ khoa học công nghệ.
 
  Đại diện UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thảo luận tại hội thảo
  
Bà Margarete Sachs-Israel, Trưởng Phòng giáo dục Chất lượng và hòa nhập, Văn phòng UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Giáo dục với tham luận “Giáo dục vì tương lai – Gợi ý cho Việt Nam”. Nội dung so sánh ba chương trình nghị sự giáo dục toàn cầu từ năm 2000 tới nay, từ đó cho thấy sự thay đổi từ mục tiêu tới đối tượng và mục đích của giáo dục. Chương trình nghị sự thứ nhất tập trung vào giáo dục tiểu học cho trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp và khó khăn. Chương trình thứ hai là Giáo dục vì mọi người dành cho tất cả mọi đối tượng, bao gồm cả giáo dục sau cơ bản, hướng tới công dân toàn cầu ở các quốc gia đang phát triển. Chương trình nghị sự thứ ba là phát triển bền vững với nội dung quan tâm tới học tập cơ bản và học tập suốt đời cho tất các quốc gia, bất kể sự phát triển và thu nhập, hướng tới giáo dục công dân toàn cầu và phát triển bền vững, đảm bảo tất cả các lứa tuổi đều được tiếp cận giáo dục. Mặc dù có sự phát triển nhưng nhìn chung các quốc gia ở Châu Á –Thái Bình Dương vẫn chưa đạt được mục tiêu thiên niên kỉ do đại dịch Covid-19. UNESCO đã đưa ra viễn cảnh tương lai của chúng ta, đó là một xã hội mới gắn liền với giáo dục với sự thay đổi về chương trình sư phạm, chương trình giáo dục. Đặc biệt, trường học là trụ cột vững chắc trong hệ sinh thái giáo dục, phải đảm bảo sự công bằng, hòa nhập, hạnh phúc, hình thành tấm gương về sự phát triển bền vững.
 
 Các diễn giả của phiên thảo luận bàn tròn
 
Chương trình tiếp theo là phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Định hướng nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Việt Nam”. Bên cạnh đó, hội thảo tổ chức bốn phiên thảo luận song song, bao gồm các chủ đề “Tiếp cận và công bằng trong giáo dục”, “Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời”, “Quản lý giáo dục”, và “Nghiên cứu cơ bản về Khoa học Giáo dục”.
 
  Hình ảnh toàn cảnh của phiên làm việc song song
  
Tổng kết hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh tổng kết thành tựu khoa học giáo dục trong 10 năm qua, những đóng góp của khoa học giáo dục vào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, những vấn đề về cơ chế, chính sách đối với nghiên cứu khoa học giáo dục; những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, thách thức đối với phát triển khoa học giáo dục; và xu thế phát triển khoa học giáo dục trên thế giới. Từ đó đặt ra những yêu cầu đối với đổi mới giáo dục, định hướng nghiên cứu và giải pháp phát triển khoa học giáo dục trong giai đoạn tới với bối cảnh kinh tế - xã hội, cách mạng 4.0.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam