Hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học

12/03/2024 09:18 GMT+7
Với mục đích ôn lại truyền thống yêu nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đồng thời là dịp học tập, nâng cao tư tưởng, nhận thức cho các cán bộ, đảng viên, công đoàn viên, sáng ngày 03 tháng 03 năm 2024, Chi bộ, Chính quyền và Công đoàn Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học phối hợp tổ chức cho đảng viên, công đoàn viên về thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Hành trình ý nghĩa này đã thu hút đông đảo các đảng viên và công đoàn viên trung tâm tham gia.

 
Cán bộ trung tâm tham quan di tích Đình Tân Trào
   
Điểm dừng chân đầu tiên, Đoàn tới thăm và dâng hương tại di tích Đình Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại đây, các cán bộ Trung tâm đã nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của di tích lịch sử này. Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long, được dựng năm 1923. Đình được dựng theo lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi, mái lợp lá cọ, xung quanh để trống. Di tích này được dựng lên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng.
   
Dưới mái đình này, ngày 16-8-1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai trong lịch sử dân tộc ta. Quốc dân Đại hội Tân Trào chính là tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này là Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh - cũng chính là tiền đề của bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta. Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
  
Cũng tại sân đình, sáng ngày 17-8-1945, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!".
 

Cán bộ trung tâm chụp ảnh cùng hướng dẫn viên của di tích trước di tích Cây đa Tân Trào
  
Tiếp đó, Đoàn đi thăm điểm di tích Cây đa Tân Trào. Dưới bóng cây đa này, chiều ngày 16/08/1945, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và các đại biểu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội.
 

Cán bộ trung tâm tham quan di tích lán Nà Nưa
  
Cuối cùng, Đoàn ghé thăm và dâng hương tại di tích lịch sử lán Nà Nưa. Thành viên đoàn đã được nghe câu chuyện về nếp sống giản dị, khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về những ngày Người ốm nặng với những cơn sốt cao, nhiều lúc mệt lả, mê man, nhưng khi tỉnh dậy, Người vẫn nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
 

Cán bộ trung tâm tham quan Làng văn hóa thôn Tân Lập trong khu di tích lịch sử Tân Trào
  
Hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử Tân Trào đã để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng khó phai về thời kỳ cách mạng hào hùng của dân tộc trong mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó chuyến đi cũng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và nêu cao tinh thần học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua hành trình này, đảng viên, công đoàn viên của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm, từ đó tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường ở mỗi lĩnh vực, ở mỗi mảng công việc của mình, góp phần xây dựng chi bộ và đơn vị ngày càng phát triển hơn.
 
Tin bài và ảnh: Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học