Sinh hoạt chuyên đề “Học tập tấm gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”

28/07/2023 16:46 GMT+7
Thực hiện kế hoạch số 40-KH/ĐUB ngày 01/03/2023 về việc triển khai “Năm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ” trong Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiệm vụ đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sáng ngày 25/07/2023, Chi bộ Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề: “Học tập tấm gương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh” tại Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh.


Đảng viên Chi bộ Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia chụp hình lưu niệm tại Bảo tàng
  
Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên trong Chi bộ được lắng nghe đồng chí Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng trình bày tóm tắt các nội dung chính về sự kiện, lịch sử cuộc đời cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
  
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông nổi tiếng với danh hiệu "Đại tướng làm nông nghiệp", gắn liền với phong trào, hình mẫu sản xuất như "Gió Đại Phong", "Thi đua Ba Nhất", "Phá xiềng ba sào"... góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền Bắc tiến bước vững chắc.
  
Đại tướng đã từng công tác ở nhiều vị trí với các chức vụ khác nhau như: Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ uỷ Trung Bộ, Uỷ viên Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, được cử vào Tổng bộ Việt Minh; Bí thư Khu uỷ IV; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân uỷ; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I - III; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá II, III.
  
Tại buổi chuyên đề đồng chí Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng cho biết, hệ thống trưng bày của bảo tàng bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền bắc; Cách mạng miền nam; Ngày 6/7 (ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời - PV); Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối. Bên cạnh đó còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, văn hóa văn nghệ, thể thao, "ông tướng du kích",...
 

Đồng chí Phạm Văn Phi – Giám đốc Bảo tàng đang chia sẻ
  
Đặc biệt, đến với Bảo tàng, các đảng viên trong chi bộ có cơ hội tiếp cận với những hiện vật vô cùng quý giá, gắn bó với Đại tướng như chiếc xe đạp Mercier mà Đại tướng đã sử dụng trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẩu súng ngắn P38 được Đại tướng dùng để tự vệ trong thời kỳ trực tiếp phụ trách, lãnh đạo phân khu Bình Trị Thiên, năm 1947; chiếc đồng hồ để bàn đã theo Đại tướng những năm 1954-1960; hay chiếc bi-đông đựng nước Đại tướng sử dụng khi công tác nông thôn từ năm 1961 đến 1963...
  
Bảo tàng nằm ở số 81 phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, gần với nơi ở hiện nay của gia đình con cháu đại tướng. Việc mở cửa bảo tàng đã góp thêm một “địa chỉ đỏ” cho đông đảo quần chúng địa phương và khách du lịch khi đến với Thủ đô và cũng là để tri ân công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
 

Chụp hình lưu niệm tại nhà thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
  
Qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ đã hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, cũng như những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội ta, nhất là việc quán triệt và triển khai thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bảo tàng sẽ là không gian học hỏi và nguồn tư liệu quý báu dành cho rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam, giúp chúng ta thấm nhuần hơn nữa lòng tự hào và tinh thần yêu nước.
  
Tin và bài: Chi bộ Trung tâm giáo dục Đặc biệt quốc gia