PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Phương - Sự tích cực và chủ động của Viện trong đổi mới giáo dục

27/11/2021 22:30 GMT+7
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi là Viện tích cực, chủ động vào quá trình biên soạn và đánh giá tình hình triển khai Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

  
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã huy động các nhà khoa học, cán bộ tập trung nghiên cứu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam - xác định ngành giáo dục cần đổi mới những gì, và đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn đến năm 2020. Từ những kết quả nghiên cứu, Viện đã tổ chức hội thảo và xây dựng Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Bản dự thảo Đề án lần thứ 6 của Viện được chuyển giao Lãnh đạo Bộ vào tháng 1/2020.
 
Từ đó, nhóm biên soạn của Viện đã gia nhập vào Ban biên soạn Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng đồng phó trưởng ban. Có thể nói, trong suốt quá trình làm đề án, tôi đã được chứng kiến những hình ảnh đẹp về tinh thần trách nhiệm, tình nghĩa đồng đội, cũng như những pha tranh luận sôi nổi, gay cấn giữa các thành viên Ban soạn thảo trong mọi cung bậc thăng trầm của Đề án. Chẳng hạn, Thứ trưởng Hiển cùng các thành viên làm việc tại Viện nhiều tuần lễ. Buổi trưa, Thứ trưởng thường đề nghị “cho tôi ăn quán cơm bụi để còn tranh thủ về làm tiếp”; hoặc khi thảo luận về cách thức phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập, một thành viên nói ‘với tư cách là đảng viên, tôi đề nghị đưa câu nói này vào đề án’, thành viên khác lại nói ‘với tư cách là đảng viên, tôi đề nghị bỏ câu nói đó ra khỏi đề án’. Không khí nhiệt huyết, sôi nổi nêu trên có phần bị trầm lắng khá nhiều sau khi Ban bí thư yêu cầu Bộ GD&ĐT cùng Ban Tuyên giáo trung ương biên soạn lại đề án, trình lên Ban chấp hành trung ương vào năm sau. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tổ chức những buổi trao đổi tâm tư nghiêm túc về quá trình chỉ đạo làm đề án của bản thân và đề nghị mỗi thành viên hiến kế ý tưởng đổi mới nền giáo dục nước nhà cũng như cách tổ chức quá trình biên soạn đảm bảo hiệu quả hơn…
  
Dù cho khi biên soạn đề án có khó khăn đến đâu, thì khi triển khai trong thực tiễn còn gặp khó khăn gấp bội phần. Ở thời điểm đó, dư luận xã hội có sự tranh luận đối với chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong bối cảnh này, được sự ủy quyền của Viện trưởng Trần Công Phong, Phó viện trưởng Lê Anh Vinh đã chủ trì nhóm cán bộ của Viện tập trung chứng minh các thành tựu đáng kể khác của ngành sau 5 năm đổi mới giáo dục như việc hoàn thành phổ cập lớp mẫu giáo 5 tuổi vào năm 217; học sinh lứa tuổi 15 nước ta đạt thành tích cao trong các kỳ PISA 2012, PISA 2015 và PISA 2018; xây dựng chương trình GDPT theo hướng tiếp cận năng lực; 23 trường đại học công lập thử nghiệm thành công cơ chế tự chủ, tạo nên những thành tựu đáng kể; một số trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới… Những nỗ lực này của Viện đã góp phần tạo nên diện mạo và thành tựu giáo dục như ngày nay.
 
 
-----------------------
Thông tin nhân vật: 
 
Họ và tên: Nguyễn Thị Lan Phương
Ngày tháng năm sinh: 02/12/1963
Đơn vị công tác: Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục
Số năm công tác: 37 năm
 
Bà nguyên là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ (tiền thân của trường Đại học Hùng Vương hiện nay), làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy bộ môn Toán tại Viện KHGD từ năm 1996. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 2000, TS quay trở về Phú Thọ công tác.

Từ ngày 1/1/2002 đến nay Bà chuyển về Viện KHGD công tác:
2002 - 2003: Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục
2003 - 2005: Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược giáo dục
2005 - 2010: Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông
2010 - nay: Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục