Lễ khai mạc Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024
Trong khuôn khổ dự án Học tập và kỹ năng cho trẻ em, giai đoạn 2022 – 2026 được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phê duyệt ngày 16/01/2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGDVN), phối hợp cùng UNICEF Việt Nam và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024 (STEAM là tên viết tắt của: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học).
Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần: phát triển giáo dục STEAM cho trẻ em gái; thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam; hướng đến sự phát triển bền vững của giáo dục để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Đây là sân chơi lớn để học sinh nữ Việt Nam tiếp cận mô hình giáo dục STEAM, qua đó giúp các em tự tin hơn trong việc tiếp xúc với các bộ môn khoa học và nghệ thuật, phát triển kỹ năng giải quyết tình huống và tư duy phản biện, góp phần tích cực vào việc phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh được phát động từ tháng 05/2024 thu hút sự quan tâm tham dự của hơn 200 em học sinh đến từ 23 tỉnh, thành phố trong nước và các học sinh đến từ Malaysia, Lào và Thái Lan. Kết thúc vòng thi sở khảo 69 học sinh xuất sắc nhất đã tham dự Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh từ ngày 30/9 – 03/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30/9/2024 Viện KHGDVN phối hợp với UNICEF Việt Nam vả Hệ thống Giáo dục Victoria School long trọng tổ chức Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh tại trường Victoria School – Nam Sài Gòn.
Đến dự lễ khai mạc có GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN, trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam; TS. Chotima Nooprick, Cục Các vấn đề Học thuật và Tiêu chuẩn Giáo dục, Văn phòng Uỷ ban Giáo dục Cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo Thái Lan. Về phía Hệ thống Giáo dục Victoria School có PGS. TS Hà Thanh Việt - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng - Thành viên Hội đồng Victoria School; Th.S Công Thị Hằng - Thành viên Ban Y tế - Giáo dục Sovico, Trưởng Ban Kiểm soát Hệ thống Victoria School; Bà Lê Nguyễn Trung Nguyên - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Victoria School; ThS. Christopher Bradley – Tổng Hiệu trưởng Victoria School – Nam Sài Gòn và Ông David Rynne – Tổng Hiệu trưởng Victoria School – Riverside.
Phát biểu khai mạc sự kiện, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEAM trong giáo dục tại Việt Nam hiện nay cũng như đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học nữ trong sự phát triển của nền khoa học thế giới. Nhiều tấm gương của các nhà khoa học nữ xuất sắc như Marie Curie, nhà khoa học đầu tiên nhận hai giải Nobel trong các lĩnh vực Vật lý và Hóa học, nổi bật với nghiên cứu về phóng xạ; Ada Lovelace: lập trình viên máy tính đầu tiên, đã viết thuật toán cho máy tính đầu tiên; Barbara McClintock: Nhà di truyền học, nhận giải Nobel vì nghiên cứu về các yếu tố di truyền và di truyền học; Katherine Johnson: Nhà toán học đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán quỹ đạo cho các chuyến bay không gian của NASA; Mae Jemison: Phi hành gia đầu tiên người phụ nữ da đen bay vào không gian, đồng thời là bác sĩ và nhà nghiên cứu thúc đẩy giáo dục STEM cho nữ giới.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN phát biểu khai mạc tại Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024
GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh những tấm gương của các nhà khoa học nữ là minh chứng cho sức mạnh của ý chí, niềm đam mê, truyền cảm hứng, năng lực, sự bền bỉ, của nữ giới. Không có lĩnh vực nào nằm ngoài tầm với của phụ nữ, không có giới hạn nào cho những gì phụ nữ có thể đạt được. Sự tham gia của nữ giới góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của xã hội, hướng đến một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM thấp hơn so với một số nước trong khu vực và Châu Âu, nhất là tỉ lệ nữ sinh theo học và đặc biệt thấp đối với các ngành khoa học và toán. Tính theo tỉ lệ dân số, số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và Châu Âu. GS.TS Lê Anh Vinh mong muốn các em nữ sinh luôn luôn theo đuổi những điều mình thích, nỗ lực vượt lên chính mình để đạt được những thành công đáng nhớ trong cuộc đời. GS Vinh hi vọng cuộc thi sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho các thầy cô và các em học sinh.
Bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục của UNICEF, phát biểu tại Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024
Đại diện của UNICEF Việt Nam, bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục của UNICEF Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của STEAM trong việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ sẵn sàng đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những kết quả tốt trong việc đầu tư hỗ trợ trẻ em thanh thiếu niên nam và nữ, ngay từ bậc mẫu giáo cho việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0 cũng như nâng cao nhận thức về tác động của chuyển đổi số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu đến nền kinh tế xã hội.Tất cả chúng ta đều cần có các kỹ năng xanh để quá trình chuyển đổi xanh diễn ra thành công, điều này rất quan trọng không chỉ để ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu mà còn để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Trong cuộc họp mặt gần đây với Tổng Thư ký LHQ tại New York, ba trong sáu thông điệp mà Tổng Bí Thư-Chủ Tịch nước Tô Lâm đã nêu bật cũng chính là những chủ đề mà chúng ta đang triển khai: (i) về biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu với các vấn đề biến đổi khí hậu. Chủ Tịch kêu gọi sự tiếp tục hỗ trợ của các tổ chức LHQ trong việc nâng cao năng lực hệ thống cho các ngành ở Việt Nam để đối phó với thảm họa, thiên tai; (ii) Việt Nam tiếp tục cam kết giảm thiểu phát thải ròng = 0 năm 2025 và đang cải thiện các hệ thống pháp chế để thúc đẩy các dự án về chuyển di năng lượng và (iii), Chủ Tịch nước yêu cầu UN hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống chính phủ số. sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, thụ hưởng những thành tựu tích cực; đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm hoạ đối với hoà bình, phát triển bền vững và nhân loại.
UNICEF tin rằng giáo dục STEAM – sự tổng hòa của các môn khoa học-xã hội và nghệ thuật gắn với các kỹ năng số, và ý thức về bảo vệ môi trường, phòng tránh biến đổi khí hậu là hai mảng đầu tư quan trọng nhất của xã hội ngày nay. Việc đảm bảo cho mỗi thanh thiếu niên đều có cơ hội như nhau được tiếp cận giáo dục STEAM một cách an toàn, có trách nhiệm; giúp các em được học tập những kiến thức kỹ năng liên quan thực tế, kỹ năng khởi nghiệp là những yếu tố đảm bảo công bằng trong việc phát triển nhân lực xã hội.
ThS Christopher Bradley – Tổng Hiệu Trưởng Victoria School – Nam Sài Gòn cũng chia sẻ về sứ mệnh của Victoria School
Tiếp nối bài phát biểu của đại diện UNICEF, ThS Christopher Bradley – Tổng Hiệu Trưởng Victoria School – Nam Sài Gòn cũng chia sẻ về sứ mệnh của Victoria School trong việc cung cấp một môi trường giáo dục toàn diện và khuyến khích học sinh trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Bên cạnh đó ông cũng chia sẻ nỗi sợ hiện nay là học sinh không hiểu rõ về công nghệ. Vì vậy chúng ta cần đảm bảo tất cả học sinh đều có quyền truy cập vào các công nghệ mới nhất. STEAM là một cách tuyệt vời để kết hợp sự xuất hiện của công nghệ với các môn học truyền thống. Công nghệ rất quan trọng đối với tất cả mọi người và chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả học sinh, bao gồm cả phụ nữ trẻ, không chỉ sẵn sàng tham gia mà còn trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ. ThS. Christopher Bradley hoan nghênh học sinh, giáo viên và khách mời đặc biệt từ khắp Việt Nam tham gia sự kiện đặc biệt này và mong muốn sự kiện này lan tỏa đối với học sinh tham gia.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô trưởng các đoàn tham dự Vòng chung kết STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024
Sau lễ khai mạc, ThS. Đỗ Đức Lân, Phó Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện KHGDVN đã có bài trình bày về Thể lệ và tiêu chí chấm thi hướng dẫn 69 em học sinh về việc các học sinh sẽ được chia thành 23 đội thi, mỗi đội được lựa chọn từ ba 3 thành viên đến từ 3 địa phương khác nhau nhằm giúp các em làm quen và tiếp xúc với các văn hóa, cách thức tiếp cận vấn đề khác nhau. Mỗi đội được lựa chọn 01 chủ đề trong 03 chủ đề: Kỹ năng STEAM và kỹ năng xanh cho trẻ em gái; Năng lượng tái tạo; Thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện nghiên cứu/dự án. Bài dự thi của các nhóm học sinh bao gồm: Bài viết mô tả ý tưởng dự án (tối đa 1500 từ) và sản phẩm thực hành bằng mô hình, video, hoặc hình ảnh minh họa cho ý tưởng, thể hiện tính sáng tạo và ứng dụng của dự án. Sau khi hoàn thiện, thí sinh sẽ tiến hành thuyết trình về dự án trước Ban Giám khảo và trả lời các câu hỏi phản biện vào sáng ngày 3/10/2024.
ThS. Đỗ Đức Lân, Phó Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Viện KHGDVN trình bày về thể lệ và tiêu chí chấm thi
Dựa trên các tiêu chí: Sáng tạo và đổi mới; Khả thi và ứng dụng; Tính hợp tác và làm việc nhóm; Ý thức bảo vệ môi trường và xã hội, Ban giám khảo sẽ chọn ra 9 đội thi xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết diễn ra vào chiều ngày 3/10/2024. Qua từng vòng thi, thí sinh sẽ học được các kỹ năng về phân tích, triển khai, giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện…Tiếp nối bài trình bày của ThS. Đỗ Đức Lân, TS Đặng Thị Thu Huê, đã có bài trình bày Quy trình thực hiện Dự án học tập qua đó hướng dẫn các em học sinh các bước cụ thể trong việc triển khai, phối hợp thực hiện bài thi trong thời gian tới. TS. Đặng Thị Thu Huệ hi vọng cuộc thi sẽ là cơ hội tốt để các em không chỉ được tiếp cận nâng cao kiến thức STEAM của bản thân mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ của tuổi học trò.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các đoàn tham dự Vòng chung kết cuộc thi
Vòng chung kết STEAM For Girls 2024 sẽ kéo dài từ ngày 30/9 đến 4/10/2024, với nhiều hoạt động thú vị và bổ ích như tham quan Học viện Hàng không Vietjet, tòa nhà Đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub để tìm hiểu về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong ngành hàng không và các hoạt động nghiên cứu sáng tạo; Tham quan cơ sở vật chất, không gian xanh của Victoria School, trải nghiệm học tập thực tế, khám phá “city tour” để hiểu thêm về sự năng động, sáng tạo của TP.HCM. Đặc biệt, các em sẽ được tham dự diễn đàn giáo dục về Năng lượng tái tạo và Biến đổi khí hậu. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc khuyến khích các em nữ sinh theo đuổi STEAM, đồng thời góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại Ngày khai mạc Vòng Chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh năm 2024:
Các học sinh Malaysia tham dự Vòng chung kết
Học sinh Thái Lan tại Vòng Chung kết
Đại diện học sinh phát biểu tại Lễ khai mạc
Chương trình văn nghệ do học sinh trường Victoria biểu diễn
Toàn cảnh Lễ khai mạc Vòng chung kết cuộc thi STEAM xanh cho nữ sinh
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế