Tập huấn Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh tại Kon Tum

22/09/2024 20:52 GMT+7
Trong hai ngày 20-21/9/2024, tại Kon Tum, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức UNICEF tại Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum tổ chức khóa tập huấn Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh dành cho giáo viên tại Kon Tum.

Tham dự khóa tập huấn, về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có sự tham dự của Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng cán bộ và chuyên gia tập huấn. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum có bà Phạm Thị Trung – Giám đốc Sở cùng các cán bộ quản lý của đơn vị. Tham gia khóa tập huấn còn có hơn 70 giáo viên và hơn 200 học sinh phổ thông thuộc địa bàn tỉnh cùng sự hỗ trợ của các cán bộ của UNICEF tại Việt Nam.
  
 
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS. TS. Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn đến tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum hợp tác và tích cực hỗ trợ Viện triển khai khóa tập huấn về Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh. Đồng thời, ông cũng chân thành cảm ơn các đại biểu quan tâm tham dự. Ông cho biết trí tuệ nhân tạo hiện đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới, và nội dung này cũng đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trí tuệ nhận tạo đã được sử dụng trong nhà trường bởi những lợi thế mang lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến những mặt hạn chế của trí tuệ nhân tạo để phát huy hết tiềm năng đồng thời ngăn ngừa các rủi ro có thể gặp phải.
 
 
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, bà Phạm Thị Trung đánh giá cao các hoạt động hợp tác với VIện bao gồm cả hoạt động tập huấn về Khung năng lực trí tuệ dành cho học sinh. Bà cho biết dù Kon Tum còn hạn chế nguồn lực nhưng các hoạt động giáo dục của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển. Đó là số lượng học sinh mỗi lớp, đội ngũ giáo viên có trình độ và nhiệt tình trong công việc, sự ưu tiên các hoạt động liên quan đến công nghệ. Bà thể hiện sẵn sàng đồng hành với Viện trong các hoạt động hợp tác thời gian tới.
 
Khóa tập huấn gồm hai ngày, ngày đầu tập huấn giáo viên về Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh. Các chuyên gia chia sẻ bối cảnh phát triển và sự phố biến của trí tuệ nhân tạo hiện nay, các nội dung về khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh cùng nhiều ví dụ minh họa, và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong hoạt động giảng dạy tại nhà trường.
 
Các đại biểu tham dự tập trung lắng nghe khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh, bao gồm các năng lực, năng lực thành phần và các biểu hiện của từng năng lực. Các năng lực bao phủ các vấn đề từ nhận thức đến các năng lực bậc cao, cụ thể là năng lực tư duy lấy con người làm trung tâm, năng lực đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, năng lực, năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo và năng lực xây dựng và thiết kế hệ thông trí tuệ nhân tạo. Thông qua việc chia sẻ sử dụng trí tuệ nhân tạo thực tiễn, các đại biểu thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trong nhằm điều chỉnh và hoàn thiện khung năng lực đề xuất.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu và chuyên gia chia sẻ tiềm năng, lợi ích của ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động giáo dục tại nhà trường cũng như các rủi ro có thể xảy ra nếu sử dụng không tuân thủ các quy định và các nguyên tắc về đạo đức. Trên cơ sở đó, các chuyên gia giới thiệu một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể áp dụng trong quá trình dạy học, đồng thời hướng dẫn các thầy/cô sử dụng các ứng dụng một cách hiệu quả.
  

Chuyên gia chia sẻ các nội dung trí tuệ nhân tạo
 

Giáo viên hát trên giai điệu và lời do ứng dụng trí tuệ nhân tạo sáng tác
 
Trong ngày thứ hai, các hoạt động tập huấn hướng đến học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục. Học sinh được chia sẻ tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo, các năng lực và các biểu hiện của khung đề xuất, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hoạt động học tập của các em. 
  
Các chuyên gia không chỉ cho các em thấy các lợi ích của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập mà còn dành thời gian chia sẻ về những rủi ro khi sử dụng trí tuệ nhân tạo không tuân thủ theo sự hướng dẫn của thầy/cô, bố/mẹ và các quy định đã đề ra. Các em nhận ra rằng cân đảm bảo các quyền riêng tư cá nhân, đặt sự an toàn và trách nhiệm trong quá trình sử dụng trí tuệ nhân tạo. 
 
Các em tích cực trong việc chia sẻ việc sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quá trình học tập của minh, đồng thời hào hứng thực hành sử dụng một số ứng dụng theo sự hướng dẫn của các chuyên gia. Bên cạnh đó, những nội dung chia sẻ của các em về mong muốn được học trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập và sinh hoạt hàng ngày  là những thông tin có giá trị giúp các chuyên gia rà soát, hiệu chỉnh khung năng lực trí tuệ nhân tạo đề xuất.
 

Chuyên gia trao đổi kiến thức trí tuệ nhân tạo tại trường
 

Học sinh thảo luận với người hướng dẫn
 

Học sinh thực hành trên thiết bị di dộng
 

Học sinh thảo luận về trí tuệ nhân tạo
  
Kết thúc đợt tập huấn, giáo viên và các em học sinh phổ thông tại tỉnh Kon Tum đã được cung cấp vai trò, lợi ích của trí tuệ nhân tạo đối với hoạt động dạy và học, đông thời cũng nhận ra các rủi ro và có các cách ngăn ngừa. Giáo viên và học sinh hiểu sâu hơn về việc sử dụng trí tuệ an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Mặt khác, các chuyên gia cũng tiếp nhận nhiều thông tin góp ý để điều chỉnh khung năng lực trí tuệ nhân tạo không chỉ phù hợp với các yêu cầu, mục tiêu giáo dục mà còn phù hợp với bối cảnh thực tiễn. 
  
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế