Tập huấn nâng cao năng lực số và an toàn Internet dành cho giáo viên THCS và THPT tại Tuyên Quang

28/04/2024 09:42 GMT+7
Ngày 25 tháng 4 năm 2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin – truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) và Sở GDĐT Tuyên Quang tổ chức hoạt động tập huấn nâng cao năng lực số và an toàn Internet dành cho giáo viên THCS và THPT.

Tham dự  và chủ trì buổi tập huấn có  GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Minh Cảnh – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, bà Ngô Minh Trang – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT); đại biểu tham dự tập huấn gồmcác chuyên gia của dự án, cùng với sự tham dự của hơn 80 đại biểu là các thầy cô giáo đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các chuyên viên, cốt cán chuyên môn của các đơn vị Phòng, Sở Giáo dục.

 

GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc tập huấn

Phát biểu khai mạc, GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa các nội dung về năng lực số, an toàn số vào giảng dạy ở bậc phổ thông. GS Lê Anh Vinh cho biết, khung năng lực số dành cho học sinh phổ thông Việt Nam đã được Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học cùng với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng và đề xuất. GS. Lê Anh Vinh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng các nguồn học liệu tốt để triển khai tập huấn cho giáo viên. Hoạt động tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án triển khai chương trình Tư duy thời đại số, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam kí kết thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Meta và Trung tâm Vietnet-ICT. Bộ tài liệu sử dụng trong đợt tập huấn lần này dựa trên bộ tài liệu gốc We think digital, được các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông Vietnet thích ứng và biên soạn; nội dung buổi tập huấn cung cấp cho giáo viên các kiến thức về Khung năng lực số, năng lực an toàn số cho học sinh phổ thông ở Việt Nam cùng với các hướng dẫn để triển khai chuỗi bài giảng hướng đến việc nâng cao năng lực số cho học sinh. GS. Lê Anh Vinh cũng đánh giá cao khả năng triển khai và nhân rộng các hoạt động của dự án tại Tuyên Quang cũng như tại các địa phương khác trên cả nước.

 

Ông Hoàng Minh Cảnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang phát biểu chào mừng 

Thay mặt cho ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Minh Cảnh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bày tỏ niềm vui khi được dự án quan tâm và lựa chọn tỉnh Tuyên Quang là một trong sáu địa phương triển khai giai đoạn đầu của dự án. Ông đánh giá cao chất lượng của bộ tài liệu mà dự án đã cung cấp cho giáo viên tỉnh nhà và cam kết sẽ cụ thể hoá các kế hoạch để việc triển khai tại địa phương đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Ông Đỗ Đức Lân – Phó Trưởng phòng QLKH, ĐT & HTQT giới thiệu một số nội dung về khung năng lực số, năng lực an toàn số cho học sinh phổ thông 

Trong bài trình bày về khung năng lực số, năng lực an toàn số cho học sinh phổ thông Ông Đỗ Đức Lân – Phó Trưởng phòng Quản lý  Khoa học, Đào tạo và Hợp  tác quốc tế của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu về Khung năng lực số cho học sinh Việt Nam được xây dựng thích ứng dựa trên khung năng lực số của UNESCO (2018), Khung năng lực số cho công dân Digicom (2017), cùng với sự đối sánh với năng lực đặc thù môn Tin học, chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong 7 miền năng lực thành phần thì năng lực an toàn số (an toàn trên không gian mạng) là cần được chú trọng không chỉ cho học sinh, giáo viên mà bất cứ công dân nào sử dụng mạng Internet. Ông Đỗ Đức Lân cũng cung cấp có đến trên 75% các em học sinh ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương tự tìm hiểu cách sử dụng Internet hoặc thông qua bạn bè (DKAP, 2019). Ông nhấn mạnh cần có sự quan tâm, phổi hợp nhiều hơn nữa của thầy cô giáo, cha mẹ học sinh trong việc sử dụng Internet an toàn của các em học sinh. Đồng thời việc nâng cao năng lực an toàn số cho chính giáo viên và cha mẹ phụ huynh cũng là điều kiện tiên quyết để có thể hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho các em học sinh trong bối cảnh nhiều nguy cơ ẩn tàng khi sử dụng mạng Internet.

 

Bà Ngô Minh Trang – Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin – truyền thông Vietnet giới thiệu chương trình Tư duy thời đại số

Giới thiệu về chương trình tập huấn, bà Ngô Minh Trang – Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin – truyền thông Vietnet  cho biết giáo viên được ban tổ chức cung cấp các nguồn học liệu dành cho giáo viên – học sinh cùng các công cụ hỗ trợ giảng dạy. Bộ tài liệu bao gồm 13 bài học, được xây dựng tương ứng theo 5 học phần: Giới thiệu về thế giới số; Kiến thức nền tảng số; Sức khoẻ số; Tương tác số; Phòng tránh lừa đảo trên Internet. Nhằm hỗ trợ giáo viên làm quen với tài liệu giảng dạy, các chuyên gia của dự án đã giới thiệu và triển khai 3 bài giảng mẫu để cung cấp bổ sung các kiến thức và công cụ, kỹ thuật liên quan.

 

Ông Lê Quang Quân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) giảng mẫu bài Mật khẩu (thuộc Học phần 2: Kiến thức nền tảng số) 

Trong bài trình bày về mật khẩu, ông Lê Quang Quân đã hướng dẫn các thầy cô phương pháp, kĩ thuật để tạo một mật khẩu mạnh, sử dụng một số công cụ để đánh giá một mật khẩu tốt; trong đó nhấn mạnh việc không nên để các tài khoản khác nhau cùng một mật khẩu, các mật khẩu phải có quy tắc cho dễ nhớ, bảo đảm độ dài nên từ 8 kí tự trở lên, và các yếu tố kĩ thuật khác. Trong quá trình tập huấn, các thầy cô cũng đã được chia nhóm thực hành và có những trải nghiệm hết sức thú vị với trò chơi trên sân khấu. Các chuyên gia cũng tập huấn về các vấn đề liên quan đến tương tác trên môi trường mạng, cách thức bảo đảm an toán tránh các hình thức lừa đảo trực tuyến như lừa đảo tài chính hay lừa đảo tình cảm, tỉnh táo khi thực hiện giao tiếp cũng như giao dịch trên Internet, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi tại Việt Nam.

Bà Phạm Thị Hiền (Trung tâm Vietnet-ICT) giảng mẫu bài Danh tiếng và mạng lưới mối quan hệ trực tuyến (thuộc Học phần 3: Sức khoẻ số)

 

Ông Đỗ Đức Lân (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) giảng mẫu bài Phòng tránh lừa đảo tài chính (thuộc học phần 5: Phòng tránh lừa đảo trên Internet

Bên cạnh các bài giảng mẫu, học viên tham dự tập huấn cũng đã được tham gia các hoạt động nhằm củng cố các nội dung được chuyên gia chia sẻ và thực hành giảng thử học phần Tương tác số dựa trên nguồn học liệu được dự án cung cấp. Học viên cũng được hướng dẫn tổ chức xây dựng kế hoạch bài dạy và cách thức triển khai tại nhà trường sau khóa tập huấn, lồng ghép đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường như các giờ hoạt động, trải nghiệm, hướng nghiệp, giờ chào cờ hay một số nội dung trong các môn học.

 

Các đại biểu tham dự tập huấn

Hoạt động tập huấn đã góp phần giúp các thầy cô giáo được nâng cao kiến thức về an toàn số cũng như tiếp cận các phương pháp giảng dạy phù hợp để chuẩn bị triển khai trên diện rộng tại các trường học ở địa phương. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục triển khai hoạt động tập huấn cho giáo viên tại năm tỉnh khác, ở ba khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam.

 

                                                        Bài và ảnh: Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế

Tin khác