Hội thảo tổng kết hoạt động “Tập huấn truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+”

19/10/2024 21:51 GMT+7
Sáng ngày 18/10/2024, tại trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động năm 2024 “Tập huấn truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và các em học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm trong việc nâng cao nhận thức về giới và cộng đồng LGBTIQ+, qua đó có những khuyến nghị thiết thực và hiệu quả nhằm góp phần xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ trong thời đại kỉ nguyên số. Hội thảo ước tính có sự tham gia của hơn 200 đại biểu theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện của Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, Kon Tum, Đồng Tháp và An Giang, và các trường học tham gia hoạt động truyền thông; các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và các bạn học sinh, sinh viên.
 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các vị khách quý tới tham dự Hội thảo. Những hoạt động nâng cao nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm cả cộng đồng LGBTIQ+, sẽ tiếp tục được mở rộng và lan tỏa tới nhiều địa phương hơn, tới nhiều nhà trường hơn. Chúng ta phải hướng tới mục tiêu dài hạn là xây dựng một hệ thống giáo dục mà mọi người đều có cơ hội như nhau để phát triển, trong đó sự đa dạng được tôn trọng và những giá trị nhân văn được đề cao. Không chỉ là việc thay đổi chính sách, mà còn là thay đổi tư duy và thái độ của mỗi cá nhân trong nhà trường và ngoài xã hội. Mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều có thể góp phần vào việc xây dựng một môi trường học đường an toàn, thân thiện và không định kiến.
 
 
Trong bài phát biểu chào mừng, bà Lê Anh Lan - Chuyên gia giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam đã nhấn mạnh những giá trị tích cực từ hội thảo sẽ được lan tỏa đến các cộng đồng nhà trường để tạo ra sự thay đổi. Những thay đổi này dần dần sẽ xóa mờ những định kiến về giới, về vai trò và khả năng của mỗi người để nhường chỗ cho những giá trị phổ quát của loài người, của quyền con người, góp phần tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, hòa nhập và không định kiến.
 
 
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cũng đánh giá cao những nỗ lực của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Tổ chức UNICEF Việt Nam đã cùng đồng hành để thực hiện chuỗi các hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ cho học sinh trung học cơ sở. Đây là chặng đường đầy thách thức nhưng những kết quả ban đầu cũng đáng khích lệ và đang lan tỏa những ý nghĩa tích cực tới cả giáo viên, học sinh và cộng đồng.
 
 
Tiếp theo chương trình là Phiên 1 “Giáo dục về giới và cộng đồng LGBTIQ+”. Mở đầu, Ông Đỗ Đức Lân, Phó trưởng ban điều hành các hoạt động UNICEF của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày Tổng quan hoạt động “Tập huấn và truyền thông xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ tại các tỉnh Lào Cai, Kon Tum, Đồng Tháp và An Giang. Dự án đã tổ chức tập huấn về Đa dạng giới, định kiến giới và tôn trọng sự đa dạng cho 25 giáo viên cốt cán và 240 học sinh tại 3 trường ở Lào Cai; 50 giáo viên và 240 học sinh tại 3 trường ở mỗi tỉnh Kon Tum, An Giang và Đồng Tháp; nhà trường và học sinh tự tổ chức các hoạt động truyền thông. Tác động tích cực là tạo ra được các hoạt động truyền thông, có sức lan tỏa lớn tại các địa phương, là cơ sở tiền đề cho các chính sách đi vào thực tiễn tại địa phương.
 
 
Ông Nguyễn Văn Chiến - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thay mặt nhóm nghiên cứu, trình bày báo cáo “Thực trạng định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ - Góc nhìn từ kết quả khảo sát và hàm ý chính sách”. Một vài giải pháp được nhóm nghiên cứu đề xuất, gồm: Các chính sách và môi trường giáo dục đảm bảo rằng tất cả các chính sách giáo dục đều tôn trọng quyền bình đẳng và không kỳ thị dựa trên bản dạng giới và xu hướng tính dục; Cần có các nghiên cứu sâu hơn về tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với học sinh LGBTIQ+ để đưa ra các chính sách dựa trên bằng chứng; Hệ thống thu thập dữ liệu liên quan đến các vụ việc bạo lực hoặc kỳ thị nhằm theo dõi, giám sát mức độ cải thiện tình hình trong giáo dục (M&E); Phối hợp với các tổ chức xã hội và cộng đồng LGBTIQ+ để đưa ra các chương trình truyền thông, đào tạo và nâng cao nhận thức cho cả học sinh và giáo viên trong trường học, bao gồm đội ngũ CBQL cấp Sở, Phòng;…
 
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày “Giới thiệu khung tài liệu về thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+”. Cách tiếp cận của tài liệu có nhiều điểm mới, như: Tiếp cận vấn đề giới dựa trên giá trị và quyền con người; Dựa trên một số thay đổi chính sách liên quan đến cộng đồng LGBTIQ+; Xây dựng môi trường hòa nhập, an toàn, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ trong trường học;…
 
 
Phiên 2 là phiên thảo luận bàn tròn “Chung tay tháo gỡ xóa bỏ định kiến về giới và Cộng đồng LGBTIQ+”, mở đầu với tham luận ‘Cùng chia sẻ và thầu hiểu, góp phần xóa bỏ Định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+” của Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng THCS Kim Tân, tỉnh Lào Cai; và tham luận “Trường học với công tác truyền thông xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+” do Bà Bùi Thị Ngọc Thảo - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Kon Tum trình bày. Định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ không chỉ gây ra những tổn thương về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cá nhân và xã hội. Và trong trường học rất dễ dẫn đến bạo lực học đường. Những định kiến này thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và sợ hãi những điều khác biệt. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức và giáo dục về sự đa dạng giới tính và xu hướng tính dục cho học sinh là vô cùng cần thiết. Đây là một chủ đề không mới nhưng vô cùng quan trọng và cấp thiết trong xã hội hiện đại, nơi mà sự đa dạng và bình đẳng cần được tôn trọng và bảo vệ.
 
Bà Ngô Thanh Thủy - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành phiên thảo luận với sự tham gia của các đại biểu: Bà Lê Anh Lan - Chuyên gia Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam; Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp; Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang; Bà Nguyễn Lê Hoài Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; và Bà Bùi Thị Ngọc Thảo - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Kon Tum. Nội dung thảo luận xoay quanh những vấn đề liên quan đến các giải pháp đồng bộ, có hệ thống để đưa giáo dục nâng cao nhận thức về giới và cộng đồng LGBTIQ+ vào tất cả các cấp, bậc học; tăng cường tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; ban hành các tài liệu chính thức; sự chung tay của các ban ngành và cộng đồng;…
  
Tổng kết Hội thảo, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh một lần nữa nhấn mạnh “Hành trình phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những thay đổi thiết thực và bền vững”.
 
 Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
 
 
  
Các tin bài liên quan đến Hội thảo: