Diễn đàn “Giáo dục về Năng lượng Tái tạo và Biến đổi Khí hậu” – Đối thoại hướng đến một tương lai xanh phát triển bền vững

07/10/2024 09:48 GMT+7
Tiếp nối chuỗi sự kiện Steam for girls, ngày 4/10/2024, tại Trường Victoria Nam Sài Gòn, diễn đàn “Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu” đã thu hút khoảng 120 đại biểu là các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô và các em học sinh trung học cơ sở và những người quan tâm tham dự bằng cả hình thức online và offline. Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức, nhằm tạo ra một không gian đối thoại cởi mở giữa các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, giáo viên, học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến các vấn đề về giáo dục biến đối khí hậu, năng lượng tái tạo hướng đến sự phát triển bền vững.


GS Lê Anh Vinh Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc
 
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định “Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết để phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là đất nước phải hứng chịu ảnh hưởng to lớn bởi biến đối khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan. Như trong thời gian vừa rồi cơn bão Yagi đã gây tổn hại lớn cả và người và của ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngành giáo dục có vai trò quan trọng trong tăng cường nhận thức về biến đối khí hậu, năng lượng tái tạo không chỉ trong khuôn khổ nhà trường mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực về nhận thức trong xã hội. Diễn đàn lần này được tổ chức thảo luận các vấn về giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo từ chính sách đến cấp độ tích hợp, lồng ghép ở cấp độ nhà trường. Để thực hiện thành công điều này chúng ta cần sự chung tay từ các bên liên quan để cùng lập kế hoạch giáo dục, triển khai những sáng kiến khả thi”.
 


Bà Lê Anh Lan, chuyên gia chương trình giáo dục của UNICEF phát biểu chào mừng
  
Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lê Anh Lan, chuyên gia chương trình giáo dục phát biểu chào mừng Diễn đàn đã chúc mừng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo chuẩn bị để chuẩn bị tâm thế cho thế hệ trẻ sẵn sàng đối mặt, thích nghi và thích ứng với những thách thức toàn cầu. Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò của UNICEF luôn đồng hành cùng với chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương để cùng thúc đẩy quá trình phục hồi và tăng khả năng chống chọi trong tương lai.
  

PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
  
Tại Diễn đàn, trong bài trình bày “Chính sách, chiến lược quốc gia về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu”, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chia sẻ các chính sách, chiến lược quốc gia về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu trên thế giới cũng như sự chú trọng vấn đề này ở Việt Nam. Ông cũng nhận định vai trò của tín chỉ carbon giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon đưa vào không khí, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như tăng nhiệt độ, mực nước biển tăng cao, và cảnh báo môi trường khắc nghiệt. Bằng cách này, tín chỉ carbon đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo khi có đường bờ biển dài hơn, với gió dồi dào, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao, diện tích rừng lớn, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.
 

TS Đỗ Anh Dũng, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
  
Trong bài trình bày “Giáo dục biến đổi khí hậu trong cơ sở giáo dục phổ thông”, TS Đỗ Anh Dũng đã nói về chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện hành về 5 phẩm chất và 10 năng lực của học sinh phổ thông cần có, trong đó có liên quan đến bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Ông cho biết nội dung này được tích hợp vào nhiều môn học như sinh học, địa lý, công nghệ, hóa học, và các hoạt động trải nghiệm... Mục tiêu là đảm bảo học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời TS Đỗ Anh Dũng cũng cho rằng để có thể triển khai một cách hiệu quả thì cần có sự chủ động lớn đến từ chính mỗi thầy cô giáo.

TS Chotima Nooprick, Phó Giám đốc Cục các vấn đề học thuật và tiêu chuẩn giáo dục, Bộ Giáo dục Thái Lan
  
Tại diễn đàn, TS. Chotima Nooprick đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện và triển khai nội dung giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo trong chương trình giáo dục phổ thông ở Thái Lan
 

TS Lương Việt Thái, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
  
Hai báo cáo nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bao gồm báo cáo “Nghiên cứu thực trạng Giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo tại nhà trường THCS Việt Nam” do TS. Hà Thị Thúy đại diện nhóm nghiên cứu và báo cáo “Một số vấn đề về giáo dục biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo ở trung học cơ sở” do TS Lương Việt Thái trình bày. Trong vấn đề triển khai thực tiễn tại địa phương những bài học kinh nghiệm, sáng kiến sáng tạo về giáo dục bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua các môn học và hoạt động giáo dục do bà Thiều Lê Phong Lan, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận trình bày.
 

Các khách mời thảo luận tại phiên bàn tròn
  
Trong phiên thảo luận bàn tròn được điều hành bởi ông Đỗ Đức Lân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các diễn giả, các thầy cô giáo và các em học sinh đã cùng thảo luận chia sẽ các góc nhìn của chính mình để chung tay thúc đẩy giáo dục biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo. Tất cả đều nhất trí rẳng cần chung tay hành động, và truyền tải thông điệp môi trường thông qua giáo dục, các trường học có thể góp phần xây dựng thế hệ công dân toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, quốc gia, trái đất môi trường sống của chúng ta. Chúng ta cần chung tay hành động để xây dựng nhiều sáng kiến hơn nữa ở cấp quốc gia, địa phương, nhằm mục đích giáo dục học sinh, giáo viên và cộng đồng vì một mục tiêu chung xây dựng đất nước phát triển bền vững. Diễn đàn cũng dành thời gian thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ để họ có thể ứng phó một cách hiệu quả với những thách thức toàn cầu.
 
 
Cũng trong buổi diễn đàn, trước sự chứng kiến của các khách mời, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Hệ thống Giáo dục Victoria School đã ký kết hợp tác đồng tổ chức cuộc thi STEAM FOR GIRLS - STEAM XANH CHO NỮ SINH định kỳ hằng năm.
 
Tin bài và ảnh: Phòng QLKH, ĐT & HTQT