Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 89

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 89, Tháng 02/2013

NGHIÊN CỨU

1. Đào Thái Lai, Nguyễn Thị Hồng Vân

Đề xuất phương án tổ chức dạy học phân hoá ở trường trung học phổ thông sau năm 2015
Đề cập đến vấn đề dạy học phân hóa ở trường trung học phổ thông (THPT) sau năm 2015, tác giả bài viết trình bày: 1/ Những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực và vai trò của giáo dục phổ thông; 2/ Việc tiếp cận năng lực trong tổ chức dạy học phân hóa; 3/Đề xuất một số phương án tổ chức dạy học phân hóa ở trường THPT, đó là: Phương án phân ban; Phương án tổ chức dạy học phân hóa  kết hợp với tự chọn (trong đó có ban cơ bản); Phương án dạy học tự chọn theo hướng dạy ít môn và cho học sinh tự chọn học các môn phù hợp với năng khiếu , khuynh hướng nghề nghiệp của mình; 4/ Đề xuất mô hình tổ chức dạy học phân hoá THPT sau năm 2015.

2. Nguyễn Thanh Hùng

Đổi mới căn bản, toàn diện môn Ngữ văn trong giáo dục Việt Nam
Tác giả trình bày quan điểm của mình về đổi mới căn bản, toàn diện môn Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông hiện nay, trên cơ sở phân tích: 1/ Bối cảnh của giáo dục Việt Nam ; 2/ Lật lại đặc trưng môn Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông;  3/ Giá trị của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn không phải ở tuổi thọ; 4/ Giải trừ sự rối loạn vàn nhiễu tâm của phương pháp dạy học Ngữ văn; đồng thời đưa ra một số kết luận cụ thể.

 

3. Phạm Thị Ly


Trường đại học nghiên cứu và các tiêu chí nhận diện đại học nghiên cứu
Bài báo gồm hai phần: phần 1, tác giả trình bày tóm tắt về khái niệm đại học nghiên cứu, được hình dung như một trung tâm trí tuệ nơi tập trung các nhà khoa học hàng đầu, được đầu tư nguồn lực lớn để sản xuất ra tri thức mới nhất của chuyên ngành và đào tạo lực lượng  nghiên cứu chuyên nghiệp. Phần thứ 2, tác giả trình bày chi tiết hơn những đề xuất về tiêu chí nhận diện đại học nghiên cứu, dựa trên tư liệu thành văn quốc tế và các quan niệm được chấp nhận rộng rãi trên thế giới về đại học nghiên cứu nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng các trường đại học hàng đầu của Việt Nam hiện nay thành đại học định hướng nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế.

 

4. Đặng Ứng Vận, Nguyễn Thị Huyền Trang

 

Thách thức và giải pháp đối với các trường đại học ngoài công lập
Bên cạnh những thách thức chung của các trường đại học Việt Nam, các trường đại học ngoài công lập còn có những thách thức: Mâu thuẫn giữa quan điểm, đặc tính của giáo dục và của thị trường chưa được giải quyết; xã hội yêu cầu cao nhưng không đủ nguồn lực và điều kiện để thực hiện; sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường đại học; còn thiếu các giải pháp chống lại tác động tiêu cực của thị trường. Bài báo cũng nêu lên ba nhóm giải pháp chủ yếu về: 1/ Đổi mới tư duy của xã hội, cần xem phân hệ tư nhân là một trong hai cánh của hệ thống giáo dục quốc dân; 2/ Mô hình quản lí cần phải mềm dẻo, thích hợp với những đặc điểm của trường tư;3/ Các trường tư cần tự hoàn thiện theo hướng một nhà trường xuất sắc, khẳng định thương hiệu và uy tín trong xã hội.

5. Trần Thị Ngọc Trâm

Ngân sách dành cho giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non (GDMN) là bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân. GDMN thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi, tạo khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặt nền tảng cho các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Do đó, GDMN có vị trí quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển trí tuệ con người Việt Nam, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Quan tâm chăm sóc giáo dục trẻ mầm non không chỉ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này mà còn có ý nghĩa đối với tương lai của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích: 1/ Những khó khăn, thách thức đối với GDMN hiện nay; 2/ Chính sách đầu tư cho GDMN; 3/ Ngân sách dành cho GDMN.

 
6. Nguyễn Thị Lan Phương


Khung đánh giá năng lực hiểu biết toán của PISA
Theo PISA, sự hiểu biết toán học của một người thể hiện qua cách người đó sử dụng kiến thức, kĩ năng toán học để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Khung đánh giá năng lực toán học gồm ba thành tố chính là: Các tình huống, bối cảnh mà trong đó các vấn đề được tạo ra; những ý tưởng và nội dung toán học được sử dụng để giải quyết vấn đề; các quy trình hành động và năng lực được huy động để kết nối thế giới thực với nội dung và giải quyết vấn đề đó. Chuẩn đánh giá gồm 6 mức độ, được sắp xếp theo khả năng giải quyết vấn đề thực, chứa đựng cả tình huống, nội dung và các cụm năng lực của khung đánh giá. Công cụ đánh giá của PISA là bài test, với các câu hỏi được thiết kế xoay quanh ba trục là tình huống/bối cảnh, nội dung và các cụm năng lực.
 

7. Trần Thị Bích Liễu

Phát triển kĩ năng sáng tạo cho người học trong thế kỉ XXI
Bài viết trình bày tầm quan trọng của sáng tạo, sự cần thiết và cách thức phát triển kĩ năng sáng tạo cho người học– một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục thế kỉ XXI. Phát triển kĩ năng sáng tạo tuân thủ các bước hình thành kĩ năng như cung cấp kiến thức, vận dụng kiến thức và hình thành kĩ năng. Tuy nhiên, vì sáng tạo là tạo ra ý tưởng, sản phẩm mới nên khi phát triển kĩ năng sáng tạo cho người học cần lưu ý phát triển các kĩ năng tư duy đa chiều, phát hiện và giải quyết vấn đề, kĩ năng quan sát và tưởng tượng – cơ sở nền tảng cho việc sản sinh ý tưởng mới và sản phẩm mới. Phát triển kĩ năng sáng tạo đòi hỏi nền giáo dục phải thay đổi mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy học và xây dựng môi trường khuyến khích sự sáng tạo.
 

8. Trần Trung, La Đức Minh

Một số phương pháp giải bài tập toán ở trường trung học phổ thông
Trong dạy học toán ở trường trung học phổ thông, phương pháp định hướng trực tiếp cho hoạt động và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc rèn luyện kĩ năng. Dạy học môn Toán không chỉ hình thành cho học sinh các tri thức sự vật, tri thức về đối tượng nghiên cứu của môn học mà còn hình thành và phát triển hệ thống tri thức phương pháp cho HS. Với nhận thức đó, tác giả đề xuất một một số phương pháp giải bài tập toán ở trường trung học phổ thông như: phương pháp có thuật giải; phương pháp tìm đoán.

9. Phan Sỹ Nam

Một số kĩ thuật giúp học sinh trung học phổ thông chuyên kiến tạo tri thức trong quá trình dạy học khái niệm giải tích
Đổi mới phương pháp dạy học môn Toán hiện nay ở trường trung học phổ thông (THPT) là tổ chức các hoạt động học tập tích cực, chủ động và sáng tạo cho học sinh. Việc vận dụng lí thuyết kiến tạo vào dạy học đáp ứng được yêu cầu này bởi lí thuyết kiến tạo nhấn mạnh vai trò chủ động của người học trong quá trình học tập. Trong bài viết, tác giả đã trình bày một số kĩ thuật nhằm phát triển khả năng kiến tạo tri thức cho học sinh THPT chuyên thông qua việc thực hiện quá trình đồng hóa, điều ứng kiến thức trong dạy học khái niệm giải tích bao gồm: 1/ tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, khám phá kiến thức;2/ giúp học sinh hiểu được nghĩa và một số hình thức diễn đạt khác của khái niệm; 3/ khai thác, phát triển khái niệm.

10. Nguyễn Lan Anh

Giáo dục khoa cử thời Lí - Trần
Có rất nhiều nguyên nhân đem lại sự thịnh vượng cho triều đại Lí - Trần, trong đó nguyên nhân cơ bản nằm ở giáo dục. Thời Lí - Trần các vị vua tin tưởng vào những triết lí nhân văn của Phật giáo, họ tỏ ra chừng mực trong hưởng thụ, nhân từ trong trị nước, mềm mại trong bang giao. Nền giáo dục ấy đã tạo ra những hiền tài như: Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi… và những bậc minh quân như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… lưu danh muôn thủa. Từ việc tìm hiểu chế độ giáo dục khoa cử và phương thức tuyển chọn quan lại trong thời Lí – Trần có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu và hữu ích.

11. Đào Thị Thu Thuỷ

Một số phương pháp can thiệp đối với trẻ tự kỉ
Bài viết trình bày một số phương pháp can thiệp trẻ tự kỉ có hiệu quả như: Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng ABA; phương pháp trị liệu và giáo dục trẻ tự kỉ có khó khăn về giao tiếp TEACCH; phương pháp giao tiếp bằng cách trao đổi tranh; phương pháp ngôn ngữ trị liệu; hoạt động trị liệu; và phương pháp “Hơn cả lời nói”. Khi khoa học chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến tính tự kỉ của trẻ em và đồng thời cũng chưa chỉ ra phương pháp trị liệu duy nhất thì tất cả những phương pháp trên vẫn được coi là phương pháp tổng hợp khi tiến hành can thiệp cho trẻ tự kỉ. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và lợi thế riêng. Mỗi trẻ tự kỉ đều cần lựa chọn những phương pháp can thiệp phù hợp.
 

12. Nguyễn Anh Thuấn

Một số yêu cầu về năng lực của người đánh giá giáo dục
Khẳng định đánh giá giáo dục (GD) là quá trình phán đoán giá trị của GD trên cơ sở thu thập, chỉnh lí, xử lí các thông tin GD một cách hệ thống, khoa học và toàn diện, nhằm mục đích nâng cao chất lượng GD, tác giả bài viết tập trung bàn về những yêu cầu cơ bản đối với người đánh giá GD, đó là: Yêu cầu về phẩm chất chính  trị và đạo đức nghề nghiệp; yêu cầu về năng lực chuyên môn; những yêu cầu đặc thù  như hiểu biết về khoa học đánh giá, năng lực tổ chức, khả năng xây dựng công cụ đánh giá, thiết kế hoạt động đánh giá... và nhiều kĩ năng khác.   

THỰC TIỄN GIÁO DỤC

13.Trương Thị Bích

Các biện pháp nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội
Bài viết đề cập đến các biện pháp nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Các biện pháp được đề xuất dựa trên nỗ lực chung của các nhà quản lí giáo dục, các nhà khoa học, các giảng viên trực tiếp đứng lớp và bản thân sinh viên. Ở góc độ quản lí, đó là sự chỉ đạo xây dựng chương trình khung chung cho ngành sư phạm và chương trình đặc trưng riêng cho mỗi chuyên ngành, mỗi bộ môn; ngoài ra, còn phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động rèn luyện nghiệp vụ... Nếu các biện pháp này được thực hiện đồng bộ thì chắc chắn hiệu quả của hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ được nâng lên rõ rệt.

14. Cao Thị Nga

Sự tương hợp tâm lí trong tương tác giữa giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sài Gòn
Nghiên cứu tìm ra biện pháp nâng cao sự tương hợp tâm lí trong tương tác giữa giảng viên và sinh viên trong dạy học có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả tương tác giữa thầy và trò, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Bài viết này trình bày thực trạng của sự tương hợp tâm lí trong tương tác giữa giảng viên và sinh viên tại nhà trường đại học, thông qua việc điều tra khảo sát 217 sinh viên cùng 73 giảng viên của hai khoa: khoa Tự nhiên và khoa Xã hội thuộc Trường Đại học Sài Gòn. Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn đó, tác giả đưa ra một số kết luận ban đầu chỉ ra các yếu tố tác động tới sự tương hợp tâm lí của giảng viên và sinh viên trong dạy học trong trường đại học.

15. Trần Thị Thu Hương

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức dạy học các môn đại cương có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin tại Trường Đại học Thái Bình
Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày kết quả điều tra, khảo sát về thực trạng việc tổ chức dạy - học các môn đại cương có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cho sinh viên ở Trường Đại học Thái Bình. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của việc tổ chức dạy – học này: 1/ Nâng cao nhận thức của giảng viên và sinh viên về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong dạy – học; 2/ Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học; 3/ Quan tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ về công nghệ thông tin và 4/ Tăng cường về đầu tư cơ sở vật chất.
 

16. Nguyễn Thị Yến Thoa

Yếu tố nhận thức và động cơ trong quá trình rèn luyện kĩ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của sinh viên cao đẳng sư phạm
Tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) là một kĩ năng quan trọng trong hệ thống kĩ năng nghiệp vụ cần trang bị cho sinh viên cao đẳng sư phạm (CĐSP) nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đề cập đến các vấn đề: 1/ Vai trò của nhận thức trong quá trình rèn luyện kĩ năng tổ chức HĐGDNGLL ở sinh viên CĐSP; 2/ Vai trò của động cơ học tập trong việc rèn luyện kĩ năng tổ chức HĐGDNGLL của sinh viên CĐSP thông qua các động cơ như: động cơ xã hội,động cơ nhận thức – khoa học, động cơ nghề nghiệp, động cơ tự khẳng định, động cơ vụ lợi; 3/ Các biện pháp nâng cao nhận thức và hình thành động cơ trong quá trình rèn luyện kĩ năng tổ chức HĐGDNGLL của sinh viên CĐSP.

GIÁO DỤC DÂN TỘC

17. Nguyễn Thị Hài

Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở Lào Cai
Học sinh lứa tuổi tiểu học phải sống xa gia đình, ở bán trú tại trường là điều không đơn giản, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc giáo dục kĩ năng sống (GDKNS) cần được đưa vào nhà trường nhằm giúp các em có khả năng vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, thúc đẩy những hành vi tích cực, để các em hòa nhập và tự tin trong môi trường sống tập thể. Bài viết trình bày một số hạn chế về kĩ năng sống của học sinh phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở Lào Cai và đưa ra một số hình thức/con đường giáo dục kĩ năng sống như: thông qua việc tích hợp vào nội dung phù hợp của một số môn học; hoạt động giáo dục của giáo viên trực tiếp đứng lớp; hoạt động của ban quản lí bán trú; các hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; các hoạt động ngoại khóa; thông qua gia đình, cộng đồng.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI

18. Phạm Quang Tiến

Thứ hạng một số trường đại học ở Liên bang Nga
Năm 2010, Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga đưa ra bảng xếp hạng cho các trường đại học của Liên bang Nga. Nội dung bài viết này giới thiệu về thứ hạng một số trường đại học tại Nga trong bảng xếp hạng nói trên: Đại học Kĩ thuật Quốc Gia Mát-xcơ-va mang tên Bauman; Đại học Quốc Gia Công nghệ Mát-xcơ-va mang tên Stankin; Đại học Bách Khoa Tomsk; Đại học Xây dựng Quốc Gia Mát-xcơ-va; Đại học Quốc Gia Mát-xcơ-va mang tên Lômônôxôp. Trong bài viết, tác giả cũng đưa ra vài nét khái quát về lịch sử ra đời, lĩnh vực đào tạo và thành tựu, v.v.. của mỗi trường.