Mục lục Tạp chí Khoa học giáo dục số 134

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 134 - Tháng 11 năm 2016

 NGHIÊN CỨU LÍ LUẬN:

1.Nguyễn Tiến Hùng. Bản chất của quan hệ công chúng trong giáo dục
     Tóm tắt: Quan hệ công chúng trong giáo dục là quá trình giao tiếp chiến lược để đảm bảo “công khai” hay thực hiện trách nhiệm giải trình xã hội của tổ chức giáo dục dựa trên xây dựng các quan hệ lợi ích chung giữa tổ chức giáo dục và công chúng. Dựa trên cơ sở phân tích một số nét khái quát về quan hệ công chúng trong giáo dục, tác giả phân tích bản chất của quan hệ công chúng trong giáo dục. Theo tác giả, để phát triển quan hệ công chúng trong giáo dục đòi hỏi phải thiết lập được các quan hệ tin tưởng và cùng có lợi giữa các bên liên quan bên trong và bên ngoài của tổ chức giáo dục, đồng thời phải thiết lập được mô hình giao tiếp hai chiều giữa tổ chức và công luận để cùng nhau giải quyết các vấn đề tồn tại, nảy sinh nhằm đạt tới mục tiêu của tổ chức giáo dục cũng như đáp ứng được nhu cầu, quan tâm của các bên liên quan.
     Từ khóa: Bản chất; quan hệ công chúng; giáo dục. 
2.Thái Văn Thành. Xây dựng tiêu chuẩn giảng viên đại học sư phạm trước bối cảnh đổi mới giáo dục
     Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên trường đại học sư phạm có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên ngành đào tạo, đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành chuẩn giảng viên đại học sư phạm, phản ánh những yêu cầu cơ bản về phẩm chất, năng lực của họ trước bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chuẩn giảng viên là căn cứ quan trọng để các cấp quản lí thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch phát triển, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận, thực trạng đội ngũ giảng viên hiện nay và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tác giả đề xuất tiêu chuẩn giảng viên đại học sư phạm gồm 5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí. Tiêu chuẩn giảng viên là căn cứ quan trọng để các cấp quản lí thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên và cũng là căn cứ để giảng viên phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. 
     Từ khóa: Giảng viên; tiêu chuẩn giảng viên; đại học sư phạm; đổi mới giáo dục.
3.Phan Văn Kha, Phạm Phương Tâm. Mô hình quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học
     Tóm tắt: Bài viết đề cập đến nội dung quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học được thực hiện theo 3 hướng tiếp cận gồm: (1) Tiếp cận các thành tố của quá trình đào tạo từ xa; (2) Tiếp cận theo nhu cầu của các cơ sở sử dụng nhân lực; (3) Tiếp cận theo các chức năng quản lí để xây dựng khung lí luận về quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học. Trên cơ sở đó, xác định mô hình gồm 4 thành tố quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học bao gồm: (1) Xây dựng quy hoạch đào tạo từ xa; (2) Quản lí thực hiện quy hoạch đào tạo từ xa; (3) Quản lí tác động của môi trường; (4) Quản lí kiểm tra, giám sát và đánh giá quá trình đào tạo từ xa. Đây là cơ sở để khảo sát thực trạng và đề xuất các giải pháp hiệu quả giải quyết những bất cập trong quản lí đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ đại học.
     Từ khóa: Đào tạo từ xa; quản lí đào tạo từ xa; nhu cầu nhân lực trình độ đại học; quá trình đào tạo từ xa.
4.Nguyễn Hồng Thuận. Nhiệm vụ và yêu cầu căn bản đối với đội ngũ cán bộ tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông
     Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích những nhiệm vụ và yêu cầu cơ bản đối với đội ngũ cán bộ tư vấn học đường trong nhà trường phổ thông. Theo tác giả, tư vấn học đường là một trong những chức năng giáo dục cơ bản nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong mỗi nhà trường. Đây là hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức và kĩ năng chuyên biệt; đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà tư vấn (chuyên gia) với giáo viên và các lực lượng liên quan nhằm hỗ trợ học sinh và nhà trường vượt qua những khó khăn trong quá trình dạy - học.
     Từ khóa: Tư vấn học đường; giáo viên; trường phổ thông; cán bộ tư vấn.
5.Nguyễn Bách Thắng. Tổng quan nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục
     Tóm tắt: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là công việc quan trọng của mỗi quốc gia. Khi nghiên cứu về nguồn nhân lực, các nhà nghiên cứu đều hướng vào việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này. Các công trình nghiên cứu đã khái quát được những vấn đề cơ bản về phát triển nguồn nhân lực trong những năm đầu của thế kỉ XXI. Đây là cơ sở lí luận cho các nghiên cứu thuộc những lĩnh vực phát triển nhân lực chất lượng cao phù hợp với điều kiện của địa phương và khu vực đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kì hội nhập quốc tế.
     Từ khóa: Nguồn nhân lực; quản lí nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới giáo dục.
6.Lê Thục Anh. Rối loạn đọc do chậm phát triển chức năng các vùng não và tác động chỉnh trị dưới góc độ tâm lí học thần kinh
     Tóm tắt: Bài viết phân tích rõ các vấn đề về rối loạn đọc do chậm phát triển chức năng các vùng não và tác động chỉnh trị dưới góc độ tâm lí học thần kinh. Theo tác giả, rối loạn đọc là hình thức biểu hiện chậm phát triển phức tạp, mang tính hệ thống, bao gồm nhiều khâu, nhiều mức độ trong cấu trúc đọc. Từ đó, tác giả phân tích các hình thức rối loạn đọc không liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ) và rối loạn đọc liên quan đến chậm phát triển ngôn ngữ; rối loạn đọc do chậm phát triển chức năng các vùng não và các tác động chỉnh trị. 
     Từ khóa: Rối loạn đọc; tâm lí học thần kinh; chức năng các vùng nào; tác động chỉnh trị.
7.Nguyễn Phước Hải. Sử dụng bảng GSP và phương pháp ROC để phân tích câu hỏi và đánh giá kết quả học tập của sinh viên
     Tóm tắt: Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Việc sử dụng bảng GSP và phương pháp ROC để phân tích câu hỏi và đánh giá kết quả học tập của người học giúp cho người dạy thu thập được những thông tin phản hồi quan trọng từ người học. Đồng thời, hộp công cụ MATLAB giúp việc tính toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng, chính xác và hiển thị các kết quả, hình ảnh một cách trực quan, sinh động trên giao diện đồ họa. Qua đó, phát hiện những sai sót và lỗ hổng về kiến thức của sinh viên nhằm giúp giảng viên và sinh viên tự điều chỉnh hoạt động dạy - học hướng tới yêu cầu kiểm tra, đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập để nâng cao chất lượng giáo dục.
     Từ khóa: Đánh giá kết quả học tập; bảng GSP; phương pháp đường cong ROC.
8.Nguyễn Cẩm Thanh. Dạy học thực hành kĩ thuật trong môi trường thực tại ảo theo tiếp cận tương tác
     Tóm tắt: Dạy học theo tiếp cận tương tác đáp ứng tốt các yêu cầu về dạy học thực hành kĩ thuật trong môi trường thực tại ảo nhằm đảm bảo yếu tố tích cực, tự lực giải quyết vấn đề học tập của người học, phù hợp với xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Dạy học thực hành kĩ thuật trong môi trường thực tại ảo theo tiếp cận tương tác là quá trình dạy học được người dạy tổ chức, định hướng, giúp đỡ người học vận dụng kiến thức tham gia vào các hoạt động học tập tự lực trong một môi trường thực tại ảo để rèn luyện, phát triển kĩ năng, chiếm lĩnh kiến thức mới. Các biện pháp dạy học nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo là: Xác định môi trường thực tại ảo; Thiết kế dạy học thực hành trong môi trường thực tại ảo theo tiếp cận tương tác; Tổ chức điều khiển dạy học thực hành kĩ thuật trong môi trường thực tại ảo theo tiếp cận tương tác. Với đà phát triển đất nước như hiện nay, việc dạy học thực hành kĩ thuật trong môi trường thực tại ảo theo tiếp cận tương tác sẽ trở nên phổ biến trong các cơ sở đào tạo kĩ thuật ở Việt Nam.
     Từ khóa: Dạy học;tiếp cận tương tác; thực hành kĩ thuật; thực tại ảo.
9.Nguyễn Đạt Đạm. Yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham vấn tâm lí của học viên các trường đại học quân sự
     Tóm tắt: Nhu cầu tham vấn tâm lí của học viên trong các trường đại học quân sự nảy sinh từ chính những đặc điểm tâm lí và hoạt động của học viên trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện trong nhà trường. Học viên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lựa chọn những giá trị, chuẩn mực của thời đại, định hướng nghề nghiệp, quan hệ giao tiếp và những khó khăn trong chính sự phát triển nội tại của bản thân mình. Việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tham vấn tâm lí của học viên các trường đại học quân sự có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở để đề xuất các biện pháp tâm lí sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu tham vấn tâm lí, nâng cao kết quả học tập, rèn luyện của từng học viên nói riêng và chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học quân sự nói chung.
     Từ khóa: Nhu cầu tham vấn tâm lí; học viên; trường đại học quân sự; kết quả học tập.
10.Đào Tam, Võ Xuân Mai. Đảm bảo sự cân đối giữa tư duy trực giác và tư duy phân tích cho học sinh trong dạy học toán
     Tóm tắt: Bài viết  phân tích vai trò cần bổ sung cho nhau giữa tư duy trực giác và tư duy phân tích, từ đó khuyến nghị trong dạy học toán ở trường phổ thông cần thiết có sự cân đối hợp lí việc phát triển tư duy trực giác và tư duy phân tích cho học sinh nhằm góp phần phát triển năng lực người học trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. Theo tác giả, tư duy trực giác và tư duy phân tích là hai yếu tố cần thiết trong quá trình tư duy, quá trình nhận thức thế giới của con người. Dựa trên cơ chế hoạt động của bộ não con người và vận dụng vào trong quá trình dạy học nói chung, dạy học toán nói riêng, giáo viên cần chú trọng những hoạt động nhằm đồng thời phát triển tư duy trực giác và tư duy phân tích cho học sinh.   
     Từ khóa: Tư duy trực giác; tư duy phân tích; học sinh ; dạy học toán.
11.Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Hồng Vân. Từ tinh thần nhân văn trong thơ Haiku Nhật Bản suy nghĩ về giáo dục giá trị sống cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
     Tóm tắt: Đi từ việc khai thác những giá trị nhân văn trong thơ Haiku Nhật Bản, thể hiện qua mối quan hệ tương giao, hòa hợp tuyệt đối giữa con người với thế giới tự nhiên và cảm thức về sự bình yên, an lạc của con người giữa cuộc đời vô thường, vô ngã, bài viết rút ra ý nghĩa của thơ Haiku đối với việc giáo dục giá trị sống cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Theo tác giả, giá trị nhân văn của Haiku góp phần làm phong phú thêm trí tuệ và tâm hồn người Việt. Trong nhà trường phổ thông, Haiku góp phần giáo dục giá trị sống cho học sinh Việt Nam qua việc đánh thức xúc cảm thẩm mĩ tinh tế, khơi dậy tình yêu thiên nhiên và con người trong mỗi học sinh, giúp các em có đủ năng lực và phẩn chất để trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
     Từ khóa: Thơ Haiku; giá trị nhân văn; giá trị sống; học sinh Việt Nam; hội nhập quốc tế.
12.Trần Dương Quốc Hòa. Các yếu tố tác động đến việc sử dụng học liệu điện tử trong dạy học 
     Tóm tắt: Học liệu điện tử là dạng tài liệu điện tử dạy học được số hóa theo một cấu trúc, định dạng và kịch bản nhất định, được lưu trữ trên máy tính nhằm phục vụ việc dạy học. Việc quyết định sử dụng hay không sử dụng loại học liệu này trong dạy học của giáo viên hiện nay chịu tác động của nhiều yếu tố. Bài viết tham chiếu mô hình thống nhất về sự chấp nhận và sử dụng công nghệ UTAUT và UTAUT2 vào thực tiễn sử dụng học liệu điện tử trong dạy học tại Việt Nam để đề xuất mô hình chấp nhận và sử dụng học liệu điện tử trong dạy học ở Việt Nam. Theo đó, ý định và hành vi sử dụng học liệu điện tử trong dạy học hiện nay chịu tác động của các yếu tố: Hiệu quả mong đợi, nỗ lực mong đợi, ảnh hưởng xã hội, điều kiện thuận lợi, thói quen và các yếu tố điều tiết (tuổi, giới tính, kinh nghiệm, học vấn). 
     Từ khoá: Học liệu điện tử; trường phổ thông; quá trình dạy học.
13.Lê Thị Bảo Ngọc. Một số giải pháp tạo động lực học tập cho học sinh bậc phổ thông
     Tóm tắt: Trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nội dung giáo dục sẽ chuyển đổi từ hình thành cho người học kiến thức, kĩ năng, thái độ đơn thuần nâng lên thành giáo dục, hình thành cho người học phẩm chất, năng lực. Việc tạo ra động lực học tập cho học sinh là vấn đề cấp thiết nhằm khơi dậy, phát huy cao trình độ, năng lực tự học, tự tìm tòi của người học trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề. Để tạo ra động lực học tập cho học sinh ở bậc phổ thông, các giải pháp được đưa ra như sau: Xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện; Sử dụng phương pháp dạy học phi truyền thống; Tổ chức các chương trình ngoại khóa. Qua đó, học sinh hình thành nên nghị lực sống, bản lĩnh sống để có thể bắt nhịp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội. 
     Từ khóa: Động lực học tập; học sinh phổ thông; quá trình học tập.
14.Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Trần Lâm. Những khó khăn ảnh hưởng đến khả năng khám phá và chiếm lĩnh tri thức của học sinh trong dạy học Hình học không gian lớp 11 sách giáo khoa hiện hành và một số giải pháp
     Tóm tắt: Hình học nói chung và Hình học không gian nói riêng luôn là trở ngại đối với đa phần học sinh và giáo viên. Ở nội dung Hình học không gian ở lớp 11, học sinh vẫn mang những hiểu biết và kết quả trong Hình học phẳng vào mối quan hệ không gian dễ dẫn đến việc hình thành những hiểu biết sai lệch. Việc thiết kế tình huống dạy học và sử dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy Hình học không gian để phát huy được tối đa năng lực của người học là những khó khăn của giáo viên trong quá trình dạy học. Trên cơ sở đó, một số giải pháp trong dạy học nội dung Hình học không gian được đề xuất theo định hướng rèn luyện khả năng khám phá, chiếm lĩnh tri thức và bồi dưỡng đam mê đối với môn học cho học sinh. Từ đó, học sinh tự giác, tích cực nâng cao khả năng học tập nội dung Hình học không gian và làm cho môn học có nhiều ý nghĩa thực tiễn hơn.
     Từ khoá: Hình học không gian; quá trình dạy học; chiếm lĩnh tri thức; khả năng khám phá.
15.Phan Anh, Nguyễn Khánh. Dạy học bất đẳng thức Cauchy, bất đẳng thức Bunhiacopxki trong trường trung học phổ thông qua việc tìm kiếm các thể hiện của chúng trên mô hình hình học
     Tóm tắt: Khi dạy các bất đẳng thức Cauchy và Bunhiacopxki, ngoài nội dung toán học thuần túy, học sinh cần có điều kiện tìm kiếm thể hiện của chúng trên các mô hình Hình học, làm cầu nối trung gian cho các ứng dụng vào trong thực tiễn. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất hai phương án tổ chức dạy học các bất đẳng thức Cauchy và Bunhiacopxki trong trường trung học phổ thông: Tổ chức cho học sinh hoạt động kiến tạo các trường hợp riêng trên mô hình Hình học; Tổ chức cho học sinh hoạt động tìm kiếm các thể hiện và hệ quả của chúng trên mô hình Hình học để rèn luyện khả năng vận dụng các tri thức toán học vào thực tiễn đời sống. Phương thức dạy học này sẽ được nhân rộng trong trường trung học phổ thông và góp phần phát triển năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn cho người học.
     Từ khóa: Bất đẳng thức Cauchy; Bất đẳng thức Bunhiacopxki; ứng dụng thực tiễn.
16.Nguyễn Quốc Pháp. Một số vấn đề giáo dục lịch sử trong “Hồ Chí Minh toàn tập”
     Tóm tắt: Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người đặt nền móng cho nền Sử học mácxít ở nước ta. Qua những tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học có giá trị phương pháp luận sâu sắc về giáo dục lịch sử. Người đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục lịch sử; sử dụng lịch sử như một vũ khí, phương tiện đấu tranh cách mạng, giáo dục, giác ngộ quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng... Bằng những sự kiện, thông tin có chọn lọc, với văn phong giản dị, Hồ Chí Minh đã giúp dân ta nhận thức được đúng trách nhiệm của mình với lịch sử, với đất nước nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trong từng thời kì lịch sử của dân tộc. Bài viết phân tích quan điểm của Người từ mục đích giáo dục lịch sử, nội dung giáo dục lịch sử đến phương pháp giáo dục lịch sử. Từ đó, rút ra những bài học bổ ích cho công tác giáo dục lịch sử hiện nay.
     Từ khóa: Giáo dục lịch sử; Hồ Chí Minh toàn tập; nội dung giáo dục; phương pháp giáo dục.
17.Lê Ngọc Tường Khanh. Dạy viết văn bản cho học sinh tiểu học: Các quan điểm và định hướng cho chương trình sau 2015
     Tóm tắt: Viết là một kĩ năng ngôn ngữ mà học sinh cần học tập và rèn luyện. Đồng thời, viết cũng là một công cụ người học cần để chiếm lĩnh tri thức ở các môn học khác. Một bài viết của người học phản ánh rất nhiều về kiến thức ngôn ngữ, kiến thức cuộc sống, quan điểm, tình cảm, thái độ của chính họ. Để hình thành và phát triển năng lực viết cho học sinh tiểu học, không dừng lại việc chương trình kết hợp được cả ba quan điểm dạy viết mà quan trọng hơn là giáo viên cần thay đổi quan điểm và tích cực đổi mới phương pháp dạy học. Thực tế, học sinh ít và không yêu thích việc viết, các em viết vì được yêu cầu hơn là nhận thấy sự quan trọng và ảnh hưởng của nó đem lại cho cuộc sống. Cách tiếp cận năng lực trong dạy viết sẽ giúp học sinh thấy viết là hữu ích, không chỉ là để giao tiếp mà còn để phong phú hơn đời sống văn hóa và tinh thần. 
     Từ khóa: Dạy viết văn bản; học sinh; tiểu học; quan điểm; định hướng.
18.Trần Thị Vân. Phương pháp học theo dự án trong môn Mĩ thuật
     Tóm tắt: Dạy học theo dự án là một trong những phương pháp dạy học hiện đại, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Học theo dự án góp phần gắn lí thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội. Dạy học theo dự án giúp phát triển kiến thức và các kĩ năng thông qua những nhiệm vụ mang tính mở, học sinh tự tìm tòi, áp dụng kiến thức đã học trong quá trình thực hiện dự án. Dạy học theo dự án trong môn Mĩ thuật không chỉ phát triển các kĩ năng tư duy khoa học, mà còn hướng tới phát triển kĩ năng sống cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện. Phương pháp này đáp ứng được quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm.
     Từ khóa: Phương pháp học theo dự án; dạy học; Mĩ thuật.
19.Phạm Ngọc Dương. Cơ sở khoa học và tính cấp thiết của việc đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học
     Tóm tắt: Võ cổ truyền Việt Nam là một môn võ truyền thống của dân tộc, được hình thành và phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Trong thời chiến, nó là “vũ khí” để chống giặc ngoại xâm. Trong thời bình, nó là một môn “thể thao” để mọi người rèn luyện sức khỏe, ý chí và tinh thần thượng võ. Việc đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trong trường học để giảng dạy cho học sinh các cấp từ mầm non đến đại học là phù hợp và cần thiết cho quá trình phát triển thể chất, tinh thần, đạo đức, lòng tự hào và ý thức dân tộc. Tuy nhiên, quá trình đưa cõ cổ truyền Việt Nam vào trường học trong nhiều năm qua vẫn chưa được các bên liên quan nhận thức một cách đúng mức và triển khai đồng bộ ở các trường học. Tác giả bài viết trình bày cơ sở khoa học, tính cấp thiết, những thuận lợi và khó khăn, các giải pháp triển khai của việc đưa võ cổ truyền Việt Nam vào trường học.
     Từ khóa: Cơ sở khoa học; tính cấp thiết;  võ cổ truyền Việt Nam; trường học.
20.Nguyễn Danh Nam, Trịnh Thị Phương Thảo. Nâng cao năng lực dạy học Toán bằng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên cấp Tiểu học
     Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc nâng cao năng lực dạy học Toán bằng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên tiểu học. Dựa trên cơ sở kết quả khảo sát tại 31 trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội (11 trường), tỉnh Thái Nguyên (16 trường) và tỉnh Tuyên Quang (4 trường), tác giả trình bày thực trạng việc dạy học môn Toán ở Tiểu học bằng tiếng Anh; Các cấp độ tổ chức dạy học Toán bằng tiếng Anh; Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học Toán bằng tiếng Anh cho đội ngũ GV tiểu học. Theo tác giả, việc định hướng cho học sinh học Toán bằng tiếng Anh ngay từ cấp Tiểu học không chỉ giúp trẻ có một tư duy Toán học mạch lạc, mà còn giúp trẻ tiếp thu ngôn ngữ tiếng Anh một cách chủ động. Tuy nhiên, việc dạy Toán bằng tiếng Anh sẽ còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan,chủ quan mang lại.
     Từ khóa: Năng lực dạy học; môn Toán; cấp Tiểu học; tiếng Anh; đội ngũ giáo viên.
21.Nguyễn Thị Quỳnh. Một số vấn đề lí luận về quản lí hoạt động thư viện trường trung học cơ sở hiện nay
     Tóm tắt: Quản lí hoạt động thư viện của hiệu trưởng trường trung học cơ sở là các tác động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện và góp phần đạt các mục tiêu giáo dục của mỗi nhà trường. Nội dung quản lí hoạt động thư viện bao gồm: Quản lí bổ sung tài liệu; Quản lí hoạt động xử lí, tổ chức và bảo quản vốn tài liệu; Quản lí hoạt động phục vụ bạn đọc và các dịch vụ thư viện; Quản lí hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; Quản lí tiết học thư viện theo quy định ở trường trung học cơ sở.
     Từ khóa: Quản lí; hoạt động thư viện; trường trung học cơ sở.
 
NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
22.Trần Quốc Thịnh, Vũ Quang Huy. Các nhân tố tác động đến chất lượng đào tạo hệ chất lượng cao của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
     Tóm tắt: Trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, việc phát triển nguồn lực lao động có chất lượng luôn được quan tâm. Hệ đào tạo chất lượng cao của bậc Đại học được hình thành nhằm nâng cao về chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Tác giả đã khảo sát thực nghiệm 268 đối tượng là sinh viên đang học chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy bốn nhân tố: Hoạt động xã hội, Chương trình đào tạo, Đội ngũ giảng viên và Dịch vụ đi kèm đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo liên quan đến các biến. Từ đó, tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của hệ chất lượng cao.
     Từ khóa: Nhân tố tác động; chất lượng đào tạo; hệ chất lượng cao.
23.Nguyễn Hữu Thống. Thực trạng về quản lí hoạt động đào tạo ở Trường Đại học Khánh Hòa 
     Tóm tắt: Quản lí hoạt động đào tạo ở trường đại học thực chất là quá trình thực hiện tốt các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Hiện nay, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng giáo dục đại học chính là công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trong trường đại học. Trường Đại học Khánh Hòa trong thời gian qua đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Từ các kết quả khảo sát, tác giả đã phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế từ đó làm cơ sở để đề xuất một số giải pháp quản lí công tác đào tạo tại Trường Đại học Khánh Hòa, góp phần khắc phục và hoàn thiện các mặt còn hạn chế trong công tác quản lí chất lượng hoạt động đào tạo trong giai đoạn hiện nay.
     Từ khóa: Thực trạng; quản lí hoạt động đào tạo; Trường Đại học Khánh Hòa.
24.Nguyễn Thụy Vũ. Thực trạng hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ ở các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
     Tóm tắt: Tai nạn thương tích là nguyên nhân gây tử vong và thương tật hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới nhưng vấn đề này không phải là điều tất yếu xảy ra, nó có thể phòng, chống hoặc kiểm soát được. Các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em ở trường mầm non là một giải pháp được xem là khả thi và hiệu quả nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ. Bài viết đề cập đến thực trạng hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ ở các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh - một địa bàn đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn thương tích trẻ em nhưng chưa có nghiên cứu một cách hệ thống và cụ thể.
     Từ khóa: Thực trạng; hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích; trường mầm non ngoài công lập.
25.Đoàn Như Hùng. Thực trạng và giải pháp liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai
     Tóm tắt: Ở các nước phát triển, đào tạo nghề có vai trò rất quan trọng, được tiến hành một cách chuyên nghiệp trong bản thân doanh nghiệp cũng như trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc liên kết đào tạo cũng rất rõ ràng và khoa học, được các Hiệp hội nghề nghiệp thẩm định chương trình và đánh giá về chất lượng đào tạo. Doanh nghiệp có thể trực tiếp dạy nghề theo hệ thống đào tạo lí thuyết và thực hành đồng hành cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có các hình thức liên kết đào tạo chặt chẽ khác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bài viết tập trung phân tích thực trạng liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao quá trình quản lí liên kết đào tạo này.
     Từ khóa: Thực trạng; giải pháp; liên kết đào tạo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp; Đồng Nai.

NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC DÂN TỘC:
26.Hà Đức Đà. Phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số trong thời kì mới
     Tóm tắt: Việt Nam là một quốc gia thống nhất có nhiều cộng đồng tộc người (dân tộc) cùng sinh sống. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển. Cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú đan xen với nhau ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các dân tộc thiểu số cư trú tập trung ở các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng biên giới… Giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số là viên chức, đồng thời là nhân lực ngành Giáo dục. Bài viết nghiên cứu thực trạng tỉ lệ giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số ở các tỉnh có tỉ lệ dân số dân tộc thiểu số cao và so sánh với tỉ lệ quy định trong Quyết định 402/QĐ-TTg; đề xuất một số giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông người dân tộc thiểu số trong thời kì mới. 
     Từ khóa: Phát triển; đội ngũ giáo viên; trung học phổ thông; dân tộc thiểu số; thời kì mới.
 
NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
27.Nguyễn Thị Việt Hà. Vấn đề tích hợp trong chương trình môn Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân của Hàn Quốc và Singapore
     Tóm tắt: Tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông là một xu thế quốc tế đã xuất hiện từ lâu và được nhiều nước trên thế giới vận dụng nhằm phát triển năng lực người học. Qua nghiên cứu hình thức và nội dung tích hợp trong chương trình các môn học thuộc lĩnh vực đạo đức – công dân của Hàn Quốc và Singapore, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng chương trình các môn học thuộc lĩnh vực đạo đức – công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở Việt Nam.
     Từ khóa: Tích hợp; chương trình; Giáo dục đạo đức; giáo dục công dân.