Thông tin giáo dục quốc tế số 9 (lưu hành nội bộ) (phần 2)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Kết luận

 KÉT LUẬN (tiếp)

Sự đa dạng trong mô hình

Trong toàn bộ bức tranh rộng lớn này, các điểm nhấn khác nhau cần phải được nhìn nhận tại những địa chỉ khác nhau. Ở hầu hết các quốc gia, khu vực đô thị được phục vụ tốt hơn khu vực nông thôn; và thậm chí ở một số quốc gia khác hệ thống giáo dục trong bóng tối đã thành công hơn giáo dục chính thống. Tại châu Á có 3 nhóm quốc gia cần xem xét tách biệt như sau:

• Đông Á có lịch sử về giáo dục trong bóng tối nổi lên lâu đời nhất và cũng lại chính là nơi đang chứng kiến sự phát triển sâu rộng hơn của giáo dục trong bóng tối, đặc biệt là tại Trung Quốc.

• Nam Á có những đặc điểm về văn hóa và cấu trúc kinh tế có nhiều điểm chung với những quốc gia có xuất phát điểm là thuộc địa của Anh. Có mức thu nhập tương đối thấp, mặc dù đã tăng một cách đáng kể ở một số khu vực, ví dụ như nhiều vùng tại Ấn độ. Các quốc gia tại Đông Nam Á (như Campuchia) có thể được cho vào nhóm Nam Á, trong khi các quốc gia khác (như Singapore) thì cho vào nhóm Đông Á.

• Các quốc gia ở phía Bắc, Trung và Tây Á vẫn đang giải quyết những dấu tích từ hồi Xô Viết và tiếp theo là sự xâm nhập nhanh chóng của nền kinh tế thị trường vào những năm 1990. Điều này dẫn tới việc mở rộng to lớn khu vực giáo dục trong bóng tối, mà không thể dễ dàng thúc ép nó đi tới thỏa thuận.

Dĩ nhiên, sự đa dạng trong các tiểu khu vực trên là khá rõ nét. Ví dụ, các đặc tính của giáo dục trong bóng tối tại Nhật Bản khác so với đặc tính tại Hàn Quốc; và đặc tính tại Malaysia cũng khác so với Singapore. Cũng như vậy, tại các quốc gia vấn đề sử dụng giáo dục trong bóng tối có thể khác nhau về số lượng giữa nữ giới và nam giới, giữa các nhóm dân tộc và nhóm sắc tộc.

Đương nhiên giáo dục trong bóng tối cũng đa dạng về cách tổ chức, người cung cấp cũng như khung chương trình. Tại Campuchia, hầu hết việc dạy kèm được thực hiện bởi giáo viên, trong khi đó tại Hồng Kông, Trung Quốc lại được thực hiện bởi các cá nhân, các công ty nhỏ hoặc công ty lớn. Tại Mongolia, trong khi hầu hết dạy kèm là lao động chuyên sâu của con người, thì doanh nhân tại Nhật Bản tận dụng máy tính và các công nghệ khác. Trong khi hầu hết giáo dục trong bóng tối sử dụng phương pháp giảng dạy tại nhà trường, thì một số có bổ sung thêm vào các bài giảng nâng cao. Và khi nội dung chủ yếu của dạy kèm khớp với chương trình học tại trường, thì một số nội dung đi quá chương trình học và tìm cách bổ sung và mở rộng hơn những gì mà hệ thống trường cung cấp.

Tương tự, đang tồn tại sự đa dạng về hình thức, mức độ chuyên sâu và mùa vụ dạy kèm. Hình thức bao gồm dạy một thày một trò, dạy nhóm nhỏ, lớp đông học sinh, giảng đường lớn và dạy kèm qua Internet. Độ chuyên sâu có thể từ 1 hoặc 2 giờ mỗi buổi học cho tới 10 giờ hoặc nhiều hơn cho mỗi tuần. Về mùa vụ thì dạy kèm có thể chỉ diễn ra vào giai đoạn trước những kỳ thi chính, đặc biệt là cuối năm học cấp 3; hoặc có thể qua các trường lớp để chuẩn bị đầu vào cho trẻ, bắt đầu từ lớp 1 (hoặc thậm chí sớm hơn).

Tất cả nhân tố trên đòi hỏi người làm chính sách phải dựa trên yếu tố địa phương cũng như mô hình quốc tế khi đánh giá tình huống.

Bất cân bằng và không hiệu quả

Rõ ràng rằng các gia đình giàu có có khả năng hơn trong việc theo đuổi việc dày kèm cả về số lượng và chất lượng so với các gia đình có thu nhập thấp. Việc mở rộng giáo dục trong bóng tối vì thế có ảnh hưởng quan trọng tới phân tầng xã hội. Nó làm suy yếu các thông báo chính thống về giáo dục miễn phí và tạo ra mối nguy hiểm cho sự thống nhất của xã hội.

Trong một vài trường hợp, có tranh luận cho rằng dạy kèm hoạt động như một chiếc van an toàn, cho phép sự chấp nhận nó để duy trì lợi ích khi các chính sách của chính phủ thường hướng tới đẩy mạnh sự phát triển cân bằng. Lấy Nhật Bản làm ví dụ, Harnisch đã chứng kiến 2 thập kỷ cách đây (1994:330) rằng juku “đóng vị trí chỗ trống nhạy cảm trong… hệ thống giáo dục giữa việc dạy tại trường công lập với nhu cầu của kỳ thi đầu vào”; và Dawson (2010:17) đã tạo ra điểm tương đồng với cách mà juku cho phép các gia đình tự điều chỉnh theo cách của họ khi đối mặt với sự hùng biện về bình đẳng chính thống.

Tuy nhiên sự phẫn nộ dai dẳng của công chúng về tính mất cân bằng xã hội do giáo dục trong bóng tối mang lại có thể là mối hiểm họa cho sự gắn kết xã hội ở nhiều quốc gia trong khu vực. Bari (2012) đã nhấn mạnh thách thức tại Pakistan, được mô tả là một xã hội “rất mất bình đẳng, phân đoạn và bị chia rẽ”, tại đó cách thức khác nhau để tiếp cận dạy kèm tư nhân chỉ càng khiến tình huống thêm căng thẳng”. Một số nhà bình luận sẽ lại đồn thổi quan sát này trong các bối cảnh khác nhau. Ali và Zhuang đã lưu ý (2007:4-5):

“… việc gia tăng khoảng cách tuyệt đối giữa người giàu và nghèo và sự thay đổi rất dễ nhận ra trong mô hình tiêu dùng và lối sống của gia đình giàu có đang dẫn tới sự gia tăng có thể nhận thấy về sức ép của xã hội và chính trị, làm giảm tính thống nhất trong xã hội,… Sự bất bình đẳng kéo dài và ngày càng phát triển khi tham gia vào các dịch vụ xã hội như giáo dục và sức khỏe, vấn đề ngày càng gia tăng do sự bất cân bằng về thu nhập,… là một mối quan tâm lớn”.

Việc nhấn mạnh vào sự “tăng trưởng bên trong” của Ngân hàng Phát triển châu Á (2010) đã cho thấy tầm quan trọng của việc đưa tính công bằng vào trong chương trình nghị sự kinh tế; và các học giả như Wilkinson và Pickett (2010) đã tranh luận rằng “sự cân bằng là tốt hơn cho tất cả mọi người”.

Xét về tính không hiệu quả, Calero et al. (2011:17) nhấn mạnh rằng nhiều gia đình đã “đầu tư quá mức vào các loại hình dạy kèm tư nhân nhất định do thiếu thông tin về lợi ích thực sự của việc đầu tư này”. Giáo dục phổ thông là khó đánh giá, đặc biệt là bởi phụ huynh, những người không có công cụ hay số liệu để đưa ra đánh giá. Dạy kèm có thể làm cho việc đánh giá còn trở nên khó hơn, do hầu hết chúng đều là bán chính thức. Ngoài ra, các công ty dạy kèm ở nhiều nước đã đưa ra những số liệu sai về hiệu quả công việc nhằm thu hút khách hàng.

Tính không hiệu quả khác, phát sinh từ sự liên quan của giáo dục trong bóng tối đối với giáo dục phổ thông. Giáo viên có thể giảm nỗ lực nếu họ thấy việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đã sẵn có trong lĩnh vực tư nhân; giáo viên làm gia sư sẽ chọn cách giữ năng lượng cho công việc tư hơn là cho việc công. Trong hầu hết các trường hợp gây tranh cãi, giáo viên - người dạy thêm cho chính học sinh của mình có thể giảm nội dung học trong các buổi học chính thức với mục đích đảm bảo nhu cầu tiếp tục cho lớp tư của mình. Một số công ty gia sư thuê những giáo viên giỏi nhất từ hệ thống các trường, vì thế đã lôi họ rời bỏ hệ thống trường. Mặc dù giáo dục trong bóng tối thường được mô tả như dạng giáo dục bổ trợ tư nhân, nhưng từ quan điểm của trường chính thống thì nó có thể làm giảm bớt đi hoặc tăng thêm kiến thức.
(còn tiếp)


Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn