Cơ sở lí luận của giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ

29/01/2022 11:10 GMT+7
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học Quốc Gia Hà Nội cung cấp cơ sở lí luận cho việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, trong đó có đề cập đến quá trình hình thành giá trị văn hóa truyền thống, các đặc điểm tâm sinh lí của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, khái niệm giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và các thành tố của quá trình giáo dục giá trị văn hóa truyền thống.

Đặt vấn đề
  
Sinh viên ngành sư phạm nói chung vốn là điển hình cho các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với việc lựa chọn ngành nghề hết sức mô phạm. Trong khi đó, sinh viên ngoại ngữ lại được hi vọng là điển hình cho các giá trị mới của thời kì hội nhập quốc tế bởi họ có ngôn ngữ là công cụ để kết nối trong quá trình hội nhập, và sinh viên ngoại ngữ cũng được cho là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ của xu hướng biến đổi các giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa trong đó có toàn cầu hóa về văn hóa. Chính vì lẽ đó, sinh viên đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, hơn ai hết, cần được giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc khi tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài khi học ngoại ngữ để hòa nhập mà không hòa tan.
  
Nội dung nghiên cứu
 
Quá trình hình thành giá trị bao gồm 6 bước như sau:
  
 
  
Như vậy, qua chu trình 6 bước này có thể thấy quá trình hình thành giá trị gồm ba cấp độ: cấp độ nhận thức (tìm hiểu về giá trị), cấp độ thể hiện thái độ (qua đánh giá dựa vào trải nghiệm bản thân), cấp độ định hướng hành động thực tiễn (qua việc xác định cần phải làm gì và làm như thế nào). Vận dụng cơ chế hình thành giá trị, trong giáo dục giá trị nói chung và giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên đại học Sư phạm Ngoại Ngữ nói riêng, chủ thể giáo dục có thể tác động đến ba phần chính là: Nhận thức, Thái độ và Hành động của sinh viên.
  
Sinh viên chuyên ngành Sư phạm Ngoại ngữ có những điểm chung với sinh viên thuộc các chuyên ngành khác nhưng do tác động của quá trình đào tạo đặc thù (ngoại ngữ và sư phạm), sinh viên chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ còn có một số đặc điểm riêng biệt về chuyên ngành, về nhân cách, về định hướng giá trị của sinh viên đại học Sư phạm Ngoại Ngữ, về sự tự ý thức.
  
Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống là quá trình được tổ chức một cách có kế hoạch, nhằm giúp người được giáo dục: 1/ Phát triển lí trí về giá trị văn hóa truyền thống; 2/ Phát triển tình cảm phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống; 3/ Phát triển hành vi và hành động phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống.
  
Qua những phân tích trên, tác giả quan niệm về giáo dục giá trị văn hóa truyền thống như sau: giáo dục giá trị văn hóa truyền thống là một quá trình tổ chức, hướng dẫn, kích thích hoạt động tự giác, tích cực của người được giáo dục giúp họ lĩnh hội được các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống cần được hình thành trở thành các giá trị bên trong mỗi cá nhân, phù hợp với mong đợi và yêu cầu của xã hội.
  
Các thành tố của quá trình giáo dục giá trị văn hóa truyền thống bao gồm các thành tố cơ bản: mục đích và nhiệm vụ giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp và phương tiện giáo dục, nhà giáo dục, người được giáo dục và kết quả giáo dục. Quá trình giáo dục GTVHTT cũng là một quá trình giáo dục và có một cấu trúc xác định với các nét đặc thù được thể hiện ở các thành tố như: mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá
  
Kết luận
  
Tiếp cận theo quan điểm hệ thống, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên đại học Sư phạm Ngoại Ngữ cũng được coi là một quá trình giáo dục. Trong quá trình giáo dục này, nhà giáo dục cần xác định được mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục cũng như xác định được phương pháp đánh giá phù hợp với đặc điểm đối tượng trong điều kiện cụ thể, đặc thù. giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cần lưu ý cơ chế hình thành giá trị để tác động đến cả ba phần nhận thức, thái độ, hành vi nhằm chuyển hóa các giá trị văn hóa truyền thống của xã hội thành những giá trị bên trong của mỗi cá nhân.