Đo lường khả năng trí tuệ của học sinh Việt Nam theo thuyết đa nhân tố của Sternberg

28/01/2022 22:15 GMT+7
Thuyết đa nhân tố của Sternberg đã được sử dụng rộng rãi nhằm đo lường các khía cạnh khác nhau của trí tuệ, bao gồm trí tuệ phân tích, sáng tạo và thực tiễn. Bài viết của nhóm tác giả Trần Huy Hoàng, Đặng Xuân Cương và Nguyễn Thị Hương của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu việc xây dựng và thử nghiệm công cụ đo lường khả năng trí tuệ của học sinh Việt Nam dựa vào thuyết đa nhân tố của Sternberg.

Robert Sternberg (1985) nêu khái niệm “trí tuệ thành công” (successful intelligence) để đạt những mục đích quan trọng. Thuyết ba nhân tố trí tuệ của ông dựa trên quá trình con người chế biến thông tin: (1) Là các quá trình bên trong cá nhân gồm các kĩ năng xử lí thông tin để hướng dẫn các hành vi trí tuệ (gọi là trí tuệ phân tích); (2) Khả năng tạo ra sự phù hợp tối ưu giữa kĩ năng của cá nhân và môi trường bên ngoài (gọi là trí tuệ thực tiễn); (3) Khả năng huy động kinh nghiệm cá nhân để ứng phó thành công (gọi là trí tuệ sáng tạo). Cụ thể là:
   
(1) Trí tuệ phân tích (Analytical or Componential Intelligence) phản ánh khả năng tư duy, suy luận, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, đánh giá,... Người có trí tuệ phân tích cao có khả năng nhìn thấy, tìm ra các giải pháp không thông thường bởi các kĩ năng tư duy phân tích, trừu tượng hóa, khái quát học, đánh giá,... của họ.
  
(2) Trí tuệ sáng tạo/ trải nghiệm (Creative or Experiential Intelligence) là khả năng kết hợp những kinh nghiệm, sự kiện, khám phá, tưởng tượng, dự đoán,... theo những cách thức mới để giải quyết được những vấn đề đặt ra.
  
(3) Trí tuệ thực hành là khả năng hoạt động trong các tình huống thực tiễn, phản ánh sự “lõi đời” như mặc cả khi mua bán mà bạn không hề được dạy ở nhà trường.
 
Dựa vào thuyết đa nhân tố của Sternberg, một khung đo lường khả năng trí tuệ của học sinh đã được đề xuất, bao gồm 3 nhân tố: Phân tích, Sáng tạo, Thực tiễn được đo lường qua các nội dung Logic - Toán, Ngôn ngữ, Giải quyết vấn đề, Sáng tạo xuyên suốt 3 lĩnh vực: Lời nói, Định lượng và Hình tượng không gian. Bộ công cụ đo lường trí tuệ được thiết kế với các câu hỏi đo lường từng nội dung này.
 
Mô hình ứng đáp câu hỏi đa thành phần theo lí thuyết ứng đáp câu hỏi (MIRT) được sử dụng để tính toán các chỉ số trí tuệ cho từng nhân tố. Kết quả phân tích cho thấy, đa số các câu hỏi có sự phù hợp tốt với mô hình đã lựa chọn. Hình 1 mô tả biểu đồ tương quan giữa khả năng thực hiện của các học sinh trong mẫu và độ khó tương ứng của mỗi câu hỏi trong bộ công cụ được chia theo từng nhân tố theo thuyết đa nhân tố của Sternberg. Hình 1 cho thấy rằng, trong ba nhân tố thành phần thì chỉ số trí tuệ trung bình cho nhân tố Phân tích là cao nhất so với chỉ số của hai nhân tố còn lại. Nhìn vào tương quan chung, đối với chỉ số trí tuệ cho nhân tố Sáng tạo là tương đối thấp so với kì vọng. Khi đi sâu phân tích từng câu hỏi trong nhân tố này, có thể thấy các câu hỏi thiết kế để đo nhân tố này là tương đối dễ với học sinh trong tương quan với các câu hỏi đo các nhân tố còn lại.
  
Hình 1. Tương quan giữa năng lực trí tuệ thành phần và độ khó của câu hỏi
  
Tài liệu tham khảo
Sternberg, R. J. (1985). Beyond IQ: A triarchic theory of human intelligence. New York: Cambridge University Press
 
Tham khảo toàn vănĐo lường khả năng trí tuệ của học sinh Việt Nam theo thuyết đa nhân tố của Sternberg