Lo âu học tập và mối liên hệ với rối loạn lo âu ở học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội

29/01/2022 11:21 GMT+7
Nhằm tìm hiểu thực trạng vấn đề lo âu học tập và mối liên hệ của nó với rối loạn lo âu, bài báo của hai tác giả Hoàng Thị Thanh Huệ và Ngô Thanh Huệ của Viện Tâm lí Việt – Pháp phân tích kết quả khảo sát trên 262 khách thể là các học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội được tiến hành vào tháng 7 năm 2020. Công cụ khảo sát bao gồm thang sàng lọc lo âu (GAD-7), thang đánh giá lo âu học tập, được xây dựng từ việc kết hợp thang kiểm tra mức độ lo âu học tâp AAI và thang đo mức độ lo âu trong lớp học ngoại ngữ FLCAS. Kết quả cho thấy có sự khác biệt về mức độ lo âu học tập giữa các học sinh xét trên tiêu chí học lực và thứ tự sinh, lo âu học tập và các khía cạnh của lo âu học tập đều có mối tương quan thuận chiều ở mức tương đối mạnh với rối loạn lo âu.

Đặt vấn đề
  
Lo âu học tập là một trong những vấn đề phổ biến ở lứa tuổi học sinh (HS) trung học phổ thông (THPT). Nhiều nghiên cứu cho thấy, lo âu học tập đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, rèn luyện sức chịu đựng áp lực, từ đó tạo ra những thành tựu trong học tập và thi cử. Tuy nhiên, nếu cá nhân có lo âu học tập ở mức độ cao thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực.
  
Tại Việt Nam, nghiên cứu về lo âu học tập và xem xét mối liên hệ của nó với rối loạn lo âu còn hạn chế. Phần lớn các nghiên cứu và bài báo khoa học tập trung vào vấn đề sức khoẻ tâm thần lứa tuổi trẻ em và vị thành niên hoặc tập trung khai thác đề tài về lo âu học đường nói chung. Với mong muốn tìm hiểu về lo âu học tập, khám phá mối liên hệ giữa lo âu học tập với lo âu mang tính chất bệnh lí, tác giả tập trung trả lời hai câu hỏi chính: Thứ nhất, thực trạng lo âu học tập của HS THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn ra như thế nào? Thứ hai, lo âu học tập và lo âu bệnh lí (rối loạn lo âu) có mối quan hệ ra sao?
  
Nội dung nghiên cứu
  
Rối loạn lo âu là một nhóm rối loạn được đặc trưng bởi sự quá mức và kéo dài dai dẳng những suy nghĩ lo lắng, các triệu chứng căng thẳng về mặt cơ thể, và kéo theo là hành vi né tránh các tình huống hoặc kích thích gây sợ, làm suy giảm đáng kể đến hoạt động chức năng sống của cá nhân. Rối loạn này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam với tỉ lệ 2:1.
  
  
Mẫu nghiên cứu được chọn gồm 262 HS đang học tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ công cụ nghiên cứu được sử dụng để khảo sát bao gồm: 1/ 10 câu hỏi nhằm xác định các thông tin cá nhân của người trả lời. 2/ Bảng hỏi về lo âu học tập của HS được thiết kế dựa trên việc kết hợp hai thang đo là Academic Anxiety Inventory (AAI) và Foreign Language Classroom Anxiety Scale3/ Thang đo sàng lọc rối loạn lo âu GAD-7 thiết kế theo thang đo Likert với 4 mức độ điểm.
  
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát bằng cách phát bảng hỏi online.
  
Tất cả dữ liệu thu về đều được xử lí bằng phần mềm thống kê dành cho khoa học xã hội (SPSS, phiên bản 26.0). Các phép thống kê được sử dụng gồm tính phần trăm, điểm trung bình, so sánh điểm trung bình giữa các nhóm (t-test, ANOVA), tương quan và hồi quy.
Kết quả: từ Bảng 1 có thể nhận xét rằng, phần lớn HS có lo âu học tập ở mức trung bình chiếm 66,0% (tương đương 173 HS), 54 em có lo âu học tập ở mức thấp (20,6%) và 35 em có lo âu học tập ở mức cao (13,4%).
  
So sánh mức độ lo âu học tập ở các nhóm học sinh được thể hiện ở Bảng 2.
 
 
Số liệu trong Biểu đồ 1 cho thấy, theo kết quả sang lọc GAD-7, có 17,2% HS thuộc mức độ lo âu nặng. Kết quả này cho thấy, RLLA (rối loạn lo âu) là một vấn đề khá phổ biến ở HS THPT. Bên cạnh đó, tỉ lệ HS có nguy cơ RLLA (nhóm lo âu ở mức trung bình) cũng chiếm tới 30,9%.
Từ Bảng 3 có thể thấy, lo âu học tập và rối loạn lo âu có mối tương quan thuận chiều ở mức tương đối mạnh với r = 0,422, p < 0,01. Như vậy, có thể kết luận rằng, khi lo âu học tập tăng (hoặc giảm) thì mức độ rối loạn lo âu ở HS cũng tăng (hoặc giảm).
  
Kết luận
  
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn HS trong mẫu nghiên cứu có lo âu học tập ở mức trung bình. Các HS có lo âu học tập ở mức độ thấp thì có kết quả học tập cao hơn và ngược lại. Các HS là con một trong gia đình thì có mức độ lo âu học tập cao hơn những HS là con thứ, con út và con cả. Kết quả khảo sát cũng cho thấy rối loạn lo âu là một vấn đề phổ biến ở HS THPT. Số liệu phân tích tương quan đã khẳng định lo âu học tập và các khía cạnh của lo âu học tập đều có mối tương quan thuận chiều ở mức chặt chẽ với rối loạn lo âu. Kết quả nghiên cứu là gợi ý đề xuất nên có những chính sách truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề lo âu học tập và rối loạn lo âu ở lứa tuổi THPT cho các đối tượng như thầy cô, các nhà quản lí giáo dục và phụ huynh HS.