Hội thảo quốc tế “Giảng dạy và học tập Năng lực chuyển đổi trong khu vực ASEAN và các quốc gia láng giềng”

03/12/2021 12:04 GMT+7
Ngày 02/12/2021, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với tổ chức quốc tế NISSEM tổ chức Hội thảo quốc tế “Giảng dạy và học tập Năng lực chuyển đổi trong khu vực ASEAN và các quốc gia láng giềng” (International Conference on Learning Transversal Competencies in ASEAN Countries and their Neighbors) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi 15 hội thảo khoa học hướng tới kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 - 06/12/2021).


Đại biểu các tổ chức quốc tế
 
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục của Việt Nam và quốc tế trao đổi kinh nghiệm về chiến lược đánh giá và đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhằm giúp các nước chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức và cơ hội trong những thập kỷ tới. Các vấn đề tập trung thảo luận gồm: (1) Tính cấp thiết trong việc thúc đẩy năng lực chuyển đổi trong hệ thống giáo dục của ASEAN và các nước láng giềng; (2) Bài học thực tiễn và những thách thức đối với việc học tập năng lực chuyển đổi trong khu vực ASEAN và các nước láng giềng; và (3) Các lĩnh vực cần nghiên cứu và các hành động liên quan đến năng lực chuyển đổi trong khu vực.
 
Tham dự hội thảo, có đại diện của Bộ GD&ĐT, tổ chức UNICEF Việt Nam, các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Về phía Viện, có sự hiện diện của Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng nhóm chuyên gia nghiên cứu năng lực chuyển đổi. Ngoài ra, hội thảo thu hút gần 200 người tham dự bao gồm các khách mời, diễn giả, chuyên gia, nhà giáo dục và những người quan tâm đến từ 10 quốc gia bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippine, Mỹ, Nhật Bản, Butan, và Australia.
 
GS.TS. Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN gửi lời chào mừng và cảm ơn tới tổ chức quốc tế NISSEM và toàn thể các chuyên gia, diễn giả và đại biểu đã hỗ trợ và tham dự hội thảo. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ trong việc định hình thế giới chúng ta đang sống, vui chơi và học tập hôm nay, ngày mai và trong tương lai xa. Chúng ta phải tiếp tục đổi mới và phát triển dựa trên các kỹ năng của mình để có thể theo kịp những bước phát triển mới nhất và gặt hái những lợi ích của công nghệ. Vì vậy, con đường phía trước là tiếp tục nâng cao lợi thế cạnh tranh và sức mạnh con người như là khả năng xây dựng mối quan hệ với nhau, hợp tác và làm việc theo nhóm, khả năng tư duy sáng tạo, tiếp tục học hỏi một cách tự phát, ngẫu nhiên, động não và thách thức lẫn nhau, và đổi mới để các năng lực chuyển đổi hữu ích cho bản thân và thế hệ tương lai.
 
Mở đầu buổi làm việc sáng, bà Jean Bernard - tổ chức Spectacle Learning Media điều hành Phiên 1. GS. Kai-Ming Cheng đến từ Đại học Hồng Kông bắt đầu với bài trình bày “Các kĩ năng thế kỷ 21”. Bài tham luận đề cập đến vai trò của các kĩ năng thế kỷ 21, khung kỹ năng, các quan điểm từ nhiều quốc gia là liệu các kỹ năng này có bao hàm các giá trị, và hình tượng con người với những kỹ năng được kỳ vọng. Hai chuyên gia giáo dục, bà Joan G. DeJaeghere (Mỹ) và ông Geewanath Sharma (Butan) có các ý kiến thảo luận liên quan đến các vấn đề: giữa các nền văn hóa khác nhau, có những giá trị tốt đẹp liên quan đến con người sẽ tương đồng với nhau, hướng tới công dân toàn cầu, cần có khung giá trị mang tính phổ quát và dựa trên đó, các quốc gia, các vùng lãnh thổ sẽ cụ thể hóa dựa trên bối cảnh riêng; cần tăng cường các chương trình giao lưu của khu vực ASEAN và các nước lân cận để thế hệ trẻ chia sẻ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa,…
  
Các diễn giả phiên thảo luận bàn tròn “Giáo dục kỹ năng chuyển đổi của ASEAN: Chính sách, nghiên cứu và thực tiễn”
 
Tiếp theo chương trình, phiên thảo luận bàn tròn “Giáo dục kỹ năng chuyển đổi của ASEAN: Chính sách, nghiên cứu và thực tiễn” do GS. Aaron Benavot, Đại học Albany SUNY, điều hành cùng 5 diễn giả Nguyễn Hồng Liên (Việt Nam), Joy Pangilinan (Philippines), John Yeo và Shu Shing Lee (Singapore) và Farrah Dian Yusop (Malaysia). Các diễn giả tóm lược bức tranh chính sách và thực tiễn liên quan đến giáo dục kỹ năng chuyển đổi của các quốc gia, những khó khăn và thách thức đang đặt ra trong đổi mới giáo dục liên quan đến các nguồn lực thực hiện. Các luận điểm được thảo luận sôi nổi là về đổi mới chương trình cần tích hợp giáo dục kĩ năng thế kỷ 21, tầm quan trọng của phát triển toàn diện về thể chất và năng lực cho học sinh, sự kết nối giữa các môn học để tạo nên năng lực chung, hướng tới phát triển bền vững, sự kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách và giáo viên để giáo viên hiểu và có các công cụ để thực hiện năng lực chuyển đổi trong dạy - học,…
 
Các diễn giả của phiên làm việc thứ ba
  
Ở phiên cuối buổi sáng, Phiên 3 bắt đầu với bài trình bày “Cải cách và nội dung các môn học theo năng lực: Một số bài học từ Châu Âu và Hoa Kỳ” của bà Kathryn Anderson-Levitt - Đại học Michigan-Dearborn, và người điều hành là ông James Williams - Đại học George Washington. Bài tham luận phân tích so sánh các quan điểm và nghiên cứu của ba quốc gia - Pháp, Nga và Uruguay về khái niệm “năng lực”, những đổi mới dựa trên năng lực, đánh giá kiến thức hay năng lực trong các môn học, năng lực nhận thức và năng lực cá nhân, năng lực tổng hợp và năng lực đơn lẻ trong thực tiễn dạy - học. Các chuyên gia - ông Yuto Kitamura của Đại học Tokyo, bà Orie Sasaki của Đại học Quốc tế Kaichi, và ông Lê Đông Phương của Viện KHGDVN đã có các ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề: với những các quốc gia chưa có các tiêu chuẩn đánh giá chương trình mới dựa trên năng lực thì nên làm thế nào? Đánh giá năng lực chung cần thực hiện như thế nào khi chưa xác định được rõ ràng? Các kĩ năng mềm cần chuẩn bị cho học sinh thích ứng với sự chuyển tiếp sang các môi trường khác nhau, chuyển từ trường phổ thông sang trường nghề, học đại học, đi làm,…
  
Bà Esther Care trình bày các vần đề liên quan đến kỹ năng thế kỷ 21
 
Mở đầu phiên làm việc buổi chiều là Phiên 4 “Kỹ năng thế kỷ 21: động lực, lập kế hoạch và thực thi” của bà Esther Care - Đại học Melbourne, với sự điều hành của ông Yuto Kitamura của Đại học Tokyo và bà Mikio Nishimur - Đại học Quốc tế Christian Tokyo. Bài trình bày đề cập đến vấn đề liệu năng lực chuyển đổi có phải là công cụ cho dạy và học? liệu có sự chuẩn bị năng lực cho đời sống? Đánh giá năng lực chuyển đổi trong hệ thống giáo dục như thế nào? Những tác động sư phạm của năng lực chuyển đổi. Phần bình luận của ông Sung-Sang Yoo - Đại học Quốc gia Seoul và ông Đỗ Đức Lân - Viện KHGDVN hướng đến các vấn đề: các quốc gia khác nhau thì hệ thống giáo dục có sự nhìn nhận khác nhau về năng lực, tiêu chí về kết quả khác nhau thì phương pháp giáo dục cũng khác nhau, vậy có cách thức nào thu hẹp khoảng cách về thứ hạng trong các đánh giá quốc tế, ví dụ như đánh giá PISA; các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục các cấp cần hiểu hơn về công tác kiểm tra đánh giá nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng dạy - học…
 
Phiên làm việc cuối là bài báo cáo “Năng lực chuyển đổi trong đổi mới chương trình tại Việt Nam: Sự hiểu biết của giáo viên” của nhóm nghiên cứu gồm Joan G.DeJaeghere, Dương Bích Hằng và Vũ Đào - Đại học Minnesota, Lương Minh Phương - Đại học Hà Nội, Bùi Thị Diển - Viện KHGDVN, với sự điều hành của chuyên gia tư vấn Andy Smart. Bài báo cáo thể hiện các kết quả nghiên cứu thông qua góc nhìn của giáo viên của 10 tỉnh trong toàn quốc về các vấn đề: sự đổi mới chương trình ảnh hưởng đến học sinh như thế nào, năng lực học tập của học sinh gồm những gì và có giá trị như thế nào trong học tập, thực tiễn về học tập xã hội - cảm xúc. Ông Tạ Ngọc Trí - Bộ GD&ĐT, bà Lê Anh Lan - tổ chức UNICEF Việt Nam tham gia thảo luận với các nội dung liên quan đến sự phát triển và những thay đổi cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến giáo dục mầm non,…
 
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
  
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại biểu tham dự hội thảo. Ông tóm tắt các nội dung chính của hội thảo liên quan đến việc hiểu thuật ngữ “năng lực chuyển đổi” đặt trong bối cảnh nghiên cứu liên ngành và đa ngành, vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục, và sự kỳ vọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong CMCN 4.0. Cuối cùng, ông gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp của tổ chức quốc tế NISSEM và Viện KHGDVN đã cùng đồng hành tổ chức thành công hội thảo này và mong muốn sự hợp tác của hai bên ngày càng bền chặt và hiệu quả.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam