Hội thảo “Quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay”

23/11/2021 13:16 GMT+7
Sáng 23/11/2021, tại phòng họp A4, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo “Quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 - 06/12/2021).

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu quản lý giáo dục, cán bộ quản lý từ các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu và các cơ sở giáo dục trong toàn quốc. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có sự hiện diện của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh, cùng toàn thể Ban lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu của đơn vị.
 

Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh đề cập đến định hướng phát triển của Ban Nghiên cứu Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục trong bối cảnh mới
  
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh đã chúc mừng Ban Nghiên cứu Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục qua chặng đường nửa thế kỉ phát triển với nhiều thành tựu về tư vấn chính sách và chiến lược cho ngành giáo dục. Ông nhấn mạnh định hướng sắp tới của Ban về sự phát triển của quản lý giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0
  
Hội thảo gồm ba phiên chuyên đề và đan xen là phần bình luận của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục. Mở đầu Phiên 1 “Chính sách phát triển giáo dục”, TS. Trịnh Anh Hoa trình bày tham luận “Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục: 50 năm xây dựng và phát triển”, đề cập đến kết quả nghiên cứu khoa học của đơn vị trong giai đoạn 1971 - 2021. Báo cáo cũng đưa ra những định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tới về cơ sở lí luận và thực tiễn quản lý giáo dục, chính sách, chiến lược giáo dục; cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách phát triển giáo dục; thể chế và cơ chế quản lý giáo dục. TS. Nguyễn Thế Thắng - Ban Nghiên cứu CS&CLPTGD trình bày “Tổng quan xu hướng và chủ đề trong nghiên cứu chính sách giáo dục giai đoạn 2017 -2021: Dữ liệu từ Scopus” để trả lời các vấn đề: Các quốc gia nào quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu này? Các chủ đề nghiên cứu về chính sách giáo dục giai đoạn 2017 - 2021 là gì? Các xu hướng mới trong nghiên cứu về chính sách giáo dục giai đoạn 2017 - 2021 là gì? PGS.TS. Trần Khánh Đức với bài trình bày “Khoa học tư duy và phát triển tư duy khoa học trong quản lý giáo dục” đã nhấn mạnh vai trò và vị thế của tư duy sáng tạo trong quá trình giáo dục và quản lý giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0.
  

Nội dụng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học của đơn vị trong giai đoạn 1971 - 2021
   
Phần thảo luận của Phiên 1 với sự tham gia của PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, PGS.TS. Đặng Bá Lãm, PGS.TS. Phan Văn Nhân xoay quanh các vấn đề như trong khoa học cần có tư duy phản biện và tư vấn phản biện để tăng cường chất lượng; quản trị sự thay đổi về tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 phải chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến…
   

Các diễn giả của phiên thảo luận thứ nhất
   
Ngay sau khi kết thúc Phiên 1, Phiên 2 “Quản lý và quản trị cơ sở giáo dục” được triển khai với ba bài tham luận. TS. Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học đã trình bày về “Quản trị cơ sở giáo dục đại học”; “Quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai CTGDPT 2018” của TS. Phạm Thị Thúy Hồng - Ban Nghiên cứu CS&CLPTGD; và “Quản lý dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học trong bối cảnh giãn cách xã hội” của ThS. Hồ Thanh Bình - Ban Nghiên cứu CS&CLPTGD.
 
Ở phiên làm việc thứ ba về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” cũng gồm ba bài tham luận, “Phát triển đội ngũ giảng viên trong bối cảnh tự chủ đại học, từ lý luận đến thực tiễn” của ThS. Ngô Thị Hiếu, “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018” của TS. Nguyễn Thị Hương; và “Thực trạng tác động của chính sách lương đối với động lực làm việc của giáo viên THCS” của ThS. Mạc Việt Hà.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam