Nghiệm thu đề tài “Thực trạng đánh giá trẻ mẫu giáo 5 -6 tuổi cuối chủ đề ở trường mần non”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 10/09/2013, Viện KHGDVN đã tiến hành nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Thực trạng đánh giá trẻ mẫu giáo 5 -6 tuổi cuối chủ đề ở trường mần non”, mã số: V2012-14, do ThS. Lê Thị Luận làm chủ nhiệm.

 Mục tiêu nghiên cứu: Tìm hiểu thực trạng việc đánh giá trẻ mẫu giáo lớn ở cuối chủ đề trong trường mầm non, bước đầu đề xuất một số biện pháp đánh giá trẻ cuối chủ đề của giáo viên ở lớp mẫu giáo.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đề tài đã phân tích, làm rõ các nội dung sau:
1/Về lý luận và thực tiễn
- Một số khái niệm, thuật ngữ liên quan đến đề tài: Khái niệm đánh giá; Đánh giá sự phát triển của trẻ; Đánh giá trẻ cuối chủ đề.
- Nội dung, thời điểm và căn cứ đánh giá, phương pháp đánh giá, yêu cầu của việc lựa chọn chủ đề và đánh giá trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi cuối chủ đề.
- Nhận thức của giáo viên về sự cần thiết của việc đánh giá trẻ cuối chủ đề.
- Thực hiện đánh giá trẻ cuối chủ đề.
- Lập kế hoạch thực hiện đánh giá trẻ ở cuối chủ đề: Nội dung đánh giá trẻ cuối chủ đề; Hình thức đánh giá trẻ cuối chủ đề; Phương pháp đánh giá trẻ cuối chủ đề; Các mẫu biểu; Mức độ thực hiện của giáo viên.
2/ Khuyến nghị
* Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tạo điều kiện để tiếp tục tiến hành các đề tài nghiên cứu về đánh giá trẻ: xây dựng các bài tập đánh giá trẻ cuối chủ đề có các tiêu chí cụ thể cùng với thang điểm xếp loại để giúp giáo viên mầm non đánh giá đạt hiệu quả hơn. Cần có nghiên cứu xây dựng mẫu phiếu đánh giá trẻ cuối chủ đề với các nội dung cụ thể, rõ ràng, trong đó có thang điểm cho từng tiêu chí, mức độ xếp loại trẻ và biện pháp thực hiện cho chủ đề tiếp theo.
- Nghiên cứu cải tiến và đổi mới phương pháp đánh giá trẻ cuối chủ đề.
- Tiếp tục tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non để họ thuần thục hơn nữa trong việc đánh giá trẻ cuối chủ đề.
* Đối với cán bộ quản lý giáo dục mầm non
- Có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc đánh giá trẻ cuối chủ đề của giáo viên một cách thường xuyên hơn nữa, bám sát vào mục tiêu của chủ đề. Nếu giáo viên còn lúng túng và đánh giá theo kiểu hình thức thì thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn trao đổi cởi mở và hướng dẫn tỉ mỉ hơn cho giáo viên.
* Đối với giáo viên mầm non
- Nắm vững và sử dụng linh hoạt hơn các phương pháp đánh giá trẻ cuối chủ đề.
- Sử dụng các bài tập đánh giá trẻ cuối chủ đề và các mẫu phiếu đánh giá trẻ cuối chủ đề một cách linh hoạt và đầy đủ hơn nữa.
- Sau khi thực hiện việc đánh giá trẻ cuối chủ đề, nếu còn có trẻ chưa đạt được mục tiêu của chủ đề đó (mục tiêu quá cao hoặc quá thấp so với nhận thức của trẻ) thì giáo viên cần điều chỉnh ngay kế hoạch hoạt động của chủ đề tiếp theo, trong đó ghi rõ biện pháp tác động.
- Đề xuất các sáng kiến của bản thân về đánh giá trẻ cuối chủ đề lên Ban giám hiệu và cùng đồng nghiệp khác tìm ra biện pháp tối ưu nhằm giúp trẻ đạt được các mục tiêu của chủ đề đã đặt ra.

Vương Hồng Hạnh