Nghiệm thu đề tài “Đổi mới quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân trong hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 29/08/2013, Viện KHGD Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Đổi mới quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân trong hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa”, mã số: B2010-37-86CT do GS. TSKH. Vũ Ngọc Hải làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu: Xác lập cơ sở khoa học quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam nói riêng. Hoàn thiện cơ cấu khung hiện có và đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước trên nguyên tắc ở Việt Nam chỉ có một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất. Đổi mới căn bản và toàn diện quản lý nhà nước hệ thống giáo dục với sự phân cấp triệt để, đồng thời thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
1/ Về lý luận
     Đề tài đã hệ thống cơ sở lý luận về hệ thống giáo dục quốc dân và quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể là:
     - Luận cứ khoa học về hệ thống giáo dục, bao gồm: hệ thống và đặc trưng của hệ thống; phân loại hệ thống giáo dục theo chuẩn quốc tế của UNESCO; cơ cấu hệ thống giáo dục và hệ thống giáo dục trong triết lý giáo dục.
     - Đặc trưng hệ thống giáo dục một số nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên bang Nga), trong đó có sự so sánh hệ thống giáo dục quốc dân giữa các nước.
     - Luận cứ khoa học quản lý nhà nước hệ thống giáo dục: quản lý nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; các mô hình phát triển giáo dục; quản lý giáo dục; quản lý nhà nước hệ thống giáo dục; quản lý nhà trường; phân cấp quản lý hệ thống giáo dục; các tiếp cận, đòi hỏi, lợi ích, nguy cơ của phân cấp; các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới thực hiện phân cấp quản lý hệ thống giáo dục.
     - Kinh nghiệm quốc tế quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

2/ Về thực tiễn
     Nhóm tác giả đã đưa ra  cơ sở thực tiễn về hệ thống giáo dục và quản lý nhà nước hệ thống giáo dục Việt Nam, cụ thể là:
     - Hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới; tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đến hệ thống giáo dục Việt Nam; và so sánh cơ cấu, cơ chế nội tại của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam so với thế giới.
     - Tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đến quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.
     - Đổi mới quản lý nhà nước hệ thống giáo dục trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
     - Đề xuất tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: triết lý hệ thống giáo dục, quan điểm chỉ đạo, đặc điểm của hệ thống giáo dục quốc dân, chức năng và nhiệm vụ cụ thể của hệ thống giáo dục quốc dân, định hướng tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, điều chỉnh cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ giáo dục quốc gia, một số khuyến nghị về tinh chỉnh cơ cấu và cơ chế của hệ thống giáo dục quốc dân.
     - Đổi mới quản lý nhà nước hệ thống giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất:
     - Quan điểm chỉ đạo hoàn thiện cơ cấu và đổi mới căn bản, toàn diện quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân.
     - Cơ chế đổi mới căn bản và toàn diện quản lý hệ thống giáo dục quốc dân trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
     - Bốn nhóm giải pháp và một số khuyến nghị để điều chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân và những đổi mới căn bản quản lý nhà nước đối với hệ thống này.

Tin khác