Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu kĩ năng xã hội của trẻ mẫu giáo”

15/11/2018 15:15 GMT+7
Ngày 14/11/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu kĩ năng xã hội của trẻ mẫu giáo”. Mã số B2016-VKG-05 do TS. Chu Thị Hồng Nhung chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài

Qua việc nghiên cứu về mối quan hệ của môi trường xã hội (trong gia đình, nhà trường và cộng đồng gần gũi) với kĩ năng xã hội (KNXH) của đứa trẻ, mô tả được những đặc điểm/mức độ phát triển của các KNXH ở trẻ mẫu giáo, từ đó, kiến nghị các biện pháp giáo dục KNXH cho trẻ em lứa tuổi này.

Tính mới và sáng tạo

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần thiết thực vào việc: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết và mô hình tiến tiến trong lĩnh vực giáo dục mầm non ở Việt Nam; Nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc- giáo dục trẻ mầm non, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng GVMN ở Việt Nam; Làm cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng Chương trình GDMN sau năm 2020.

 

Kết quả nghiên cứu

Về lí luận:

KNXH của trẻ mẫu giáo là những kĩ năng hướng tới và được áp dụng trực tiếp vào sự tương tác giữa trẻ với mọi người xung quanh hoặc với xã hội giúp trẻ nhận thức, ứng xử, giao tiếp và thích ứng trong cuộc sống hàng ngày ở gia đình, nhà trường và xã hội. KNXH có những nét đặt trưng như: đối tượng áp dụng của KNXH hướng vào việc nhận thức hay giải quyết một cách trực tiếp các vấn đề xã hội trong đời sống con người. Vai trò của KNXH là giúp chủ thể giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. KNXH thể hiện sức mạnh của mình ở việc thiết lập mối quan hệ với người khác và duy trì mối quan hệ ấy. Con đường hình thành KNXH chính là sự trải nghiệm.

Có nhiều cách phân loại KNXH khác nhau, đề tài phân KNXH thành 3 nhóm như sau: Nhóm KN nhận thức xã hội; Nhóm kĩ năng ứng xử và giao tiếp xã hội; Nhóm kĩ năng thích ứng xã hội. Mỗi môi trường xã hội khác nhau, mỗi lứa tuổi khác nhau và ở từng cá nhân cụ thể thì mức độ và nhu cầu hình thành từng KNXH cụ thể sẽ khác nhau.

Để phát triển các KNXH cần thiết trẻ phải có cơ hội trải nghiệm thực tế, phải được rèn luyện thường xuyên trong cuộc sống sinh động hàng ngày với sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Tùy theo kinh nghiêm, khả năng, sức khỏe, cá tính của từng trẻ mà quá trình này có thể có sự thay đổi trình tự cho phù hợp.

Để đánh giá sự phát triển KNXH của trẻ mẫu giáo cần dựa trên các tiêu chí đánh giá như: tính đầy đủ của nội dung và cấu trúc của kĩ năng; tính hợp lí về logic của kĩ năng; mức độ thành thạo của kĩ năng; mức độ linh hoạt của kĩ năng; hiệu quả của kĩ năng. Từ đó, sẽ xác định được các mức độ biểu hiện đặc điểm KNXH cơ bản của trẻ để đưa ra các biện pháp giáo dục KNXH phù hợp cho trẻ.

Về thực tiễn:

Kết quả điều tra cho thấy, trẻ mẫu giáo đã có KNXH nhưng ở mức độ chưa cao, chưa tự tin và chủ động thể hiện KNXH trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. Trẻ đã bước đầu thực hiện được đầy đủ các thao tác, đảm bảo trình tự thực hiện các thao tác và tính linh hoạt trong các thao tác. Tuy nhiên, các thao tác của trẻ còn thực hiện chưa hợp lí, chưa thuần thục, nhiều khi trẻ phải suy nghĩ rất lâu mới trả lời hoặc thực hiện hành động, đôi lúc việc thực hiện các kĩ năng còn chưa phù hợp với mục tiêu đề ra. Có sự phát triển KNXH được phát triển theo sự trưởng thành của trẻ từ MG bé đến MG nhỡ và MG lớn. Trẻ càng lớn càng có nhiều trải nghiệm trong các mối quan hệ thì KNXH của trẻ càng phát triển. Mức độ phát triển KNXH của trẻ phụ thuộc vào môi trường xã hội, nơi trẻ sinh sống, vào mức độ được trải nghiệm của trẻ. Đó là lí do KNXH của trẻ khu vực ngoại thành đạt mức độ cao hơn trẻ ở khu vực nội thành. Trẻ khu vực ngoại thành thể hiện tự nhiên, linh hoạt, hợp lí, thuần thục hơn. Không có sự khác biệt về KNXH giữa trẻ trai và trẻ gái ở các khu vực. Thực trạng môi trường xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển KNXH của trẻ mẫu giáo cho thấy: Môi trường giáo dục trong nhà trường; Môi trường giáo dục ở gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế trong việc giáo dục KNXH cho trẻ. KNXH của trẻ có mối quan hệ chặt chẽ với môi trường xã hội xung quanh trẻ. Trẻ có KNXH tốt khi đảm bảo các điều kiện trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Từ cơ sở lí luận và thực trạng, đề tài đề xuất các biện pháp giáo dục KNXH cho trẻ theo hướng phối hợp giáo dục KNXH cho trẻ ở gia đình, nhà trường và xã hội, tăng cường mối quan hệ thống nhất giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng gần gũi với các KNXH của trẻ. Đặc biệt, GV cần chú ý: giáo dục KNXH phù hợp với độ tuổi của trẻ bởi vì với mỗi độ tuổi thì mức độ phát triển các KNXH khác nhau; Ngoài việc quan tâm giáo dục đồng đều các KNXH, GV cần giáo dục ưu tiên một số KNXH cho trẻ trai và trẻ gái, cho trẻ ở khu vực nội thành và ngoại thành. Ngoài ra, đề tài đưa ra các biện pháp cụ thể giúp GV tổ chức các hoạt động giáo dục KNXH cho trẻ mẫu giáo giúp trẻ tự tin, tích cực và chủ động tham gia các hoạt động. Các biện pháp trên có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ nhau vì thế cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp giáo dục KNXH cho trẻ.
 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo
 

Tin khác