Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Nghiên cứu năng lực dạy học của giáo viên trong dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình GDPT 2018”

08/06/2023 08:41 GMT+7
Ngày 07/6/2023, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề KH&CN cấp Viện “Nghiên cứu năng lực dạy học của giáo viên trong dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, mã số V2022-05, do ThS. Cao Việt Hà làm chủ nhiệm.

 
Hội đồng nghiệm thu đề tài
 
Buổi nghiệm thu diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Mai Văn Trinh - Chủ tịch hội đồng, các thành viên của hội đồng theo quyết định, đại biểu của các phòng chức năng và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu thực trạng năng lực dạy học của giáo viên trong dạy học môn học tự chọn tiếng Mông ở cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học của giáo viên trong dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
 
Về cơ sở lý luận, đề tài tổng quan vấn đề nghiên cứu, năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông của giáo viên tiểu học, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông. Về cơ sở thực tiễn, đề tài phân tích thực trạng về năng lực ngôn ngữ tiếng Mông (đọc, viết, nói và nghe) của giáo viên cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, thực trạng về năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông của giáo viên cấp tiểu học tỉnh Yên Bái
 
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cho giáo viên cấp tiểu học tỉnh Yên Bái, đáp ứng việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, gồm: (1) Giải pháp về kĩ thuật, phương pháp liên quan đến hoạt động giáo dục nhằm nâng cao năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông của giáo viên cấp tiểu học; (2) Giải pháp về chính sách dành cho giáo viên dạy học môn học tự chọn tiếng Mông; (3) Giải pháp về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ việc nâng cao năng lực dạy học môn học tự chọn tiếng Mông cho giáo viên cấp tiểu học.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác