GS.TS Phạm Tất Dong - Trưởng thành cùng công cuộc cải cách giáo dục

29/11/2021 20:59 GMT+7
Tôi về Viện Khoa học giáo dục sau khi Viện được thành lập được hơn một năm. Lúc bấy giờ tôi đang học Thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi được Bộ Giáo dục chọn về Viện để tham gia cải cách giáo dục, tôi rất lấy làm vinh dự. Tuy chưa là cán bộ chính thức của Viện nhưng tôi cũng đã được tìm hiểu công việc, tài liệu cải cách giáo dục ở các nước. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, tôi chính thức được điều về Viện. Tôi về nhà viết thư về cho gia đình tôi báo tôi đã có công việc tại Viện và tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng để thành công ở đây.

 
  
Sau khi nhận được công việc thì phải đi sơ tán ở Tiên Sơn Hà Bắc. Thời kỳ sơ tán có một số việc cơ bản mà tôi rất thích thú, đó là tiến hành một số thực nghiệm để xác định một số cải cách cần thiết. Anh em trẻ tuổi đọc ngày đọc đêm các tài liệu cần thiết và đi xuống các địa phương. Ấn tượng nhất với tôi là khi đi xuống những vùng phát triển tiên tiến như Bắc Lý – Hà Nam. Thời đó anh em trẻ tuổi chúng tôi vừa là cán bộ nghiên cứu vừa làm đủ các việc như bê tủ, dọn sách, chạy ô tô, chuyển bàn ghế vì thời kỳ sơ tán cứ năm bữa nửa tháng lại phải thay đổi địa điểm…
  
Công cuộc cải cách giáo dục hết sức thú vị, các đàn anh thường tới trao đổi tại khu sơ tán, để đảm bảo an toàn bọn tôi phải đào hầm xung quanh nhà học để mỗi khi máy bay tới bậc đàn anh yên tâm xuống hào đi ra ngoài. Dù khó khăn vất vả, chúng tôi những cán bộ nghiên cứu tuy còn trẻ nhưng cũng được tham gia tranh luận và có những trải nghiệm thú vị. Và bắt đầu, chúng tôi viết kinh nghiệm tiên tiến để trình bày với ủy ban cải cách giáo dục. Từ đó tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều ở chỗ từ những ý kiến chỉ đạo của cụ Phạm Văn Đồng, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và các nhà lãnh đạo.
  
Sau giai đoạn sơ tán tôi chuyển về viện thì lúc đó trong giai đoạn sơ tán Viện chia làm đôi: viện riêng làm tâm lý giáo dục về khoa học giáo dục (mật danh V12), và viện nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, nội dung và phương pháp giảng dạy (mật danh V10). Đến khi chiến tranh tạm ổn, chúng tôi về viện và tôi được cử đi làm tiến sĩ ở Nga 4 năm.
  
Khi về nước, tôi về làm Phó Ban tâm lý giáo dục và làm Bí thư chi bộ của ban đó. Tôi tham gia vào hội đồng khoa học ở đây do anh Hạc đứng đầu. Sau khi làm Bí thư chi bộ một thời gian dài, tôi được bầu làm Bí thư Đảng bộ và đồng thời là Phó Viện trưởng quản lý công tác khoa học. Đây là một dịp tốt để tôi học hỏi nhiều vì khi làm chương trình cải cách giáo dục phải nói là có rất nhiều ban chuyên môn soạn thảo từng môn học một. Viện đã mời cả trăm cán bộ giỏi để nghiên cứu từng môn học, tôi đã được nghe ngóng và hiểu biết nhiều về cải cách giáo dục. Tôi tham gia biên soạn chương trình và biên soạn sách. Đó là những kinh nghiệm rất hay và cho tới nay những kinh nghiệm này vẫn rất đáng quý. Chúng tôi đã tham gia xây dựng đội ngũ nghiên cứu khoa học rất tốt, không thua kém các viện khác.
  
Khi rời Viện đi, tôi hay đùa với anh em là tôi rời viện với 3 con 5, trong đó 555 thứ nhất là có 555 cán bộ nghiên cứu của Viện chưa kể nhân viên; 555 thứ hai là tôi được hưởng 555 đồng – lương của phó Viện trưởng. Dù rời Viện, tôi vẫn sinh hoạt với Viện, dự thảo các hội nghị, trao đổi kinh nghiệm.
  
Thâm tâm tôi mong muốn ở Viện là làm thế nào để đội ngũ nghiên cứu phải thật lành nghề và khoa học giáo dục không nơi đâu có điều kiện để phát triển như viện này. Tôi mong một số những lĩnh vực của Viện phải nghiên cứu tới nơi tới chốn. Tôi lấy ví dụ như những vấn đề nghiên cứu về lí luận giáo dục chưa làm được cho những người viết sách giáo khoa hiện nay hiểu về vấn đề giáo dục, cho nên họ chưa viết đúng được những cái gì về vấn đề truyền thống và hiện đại. Có những vấn đề Viện chưa đi đầu, ngay như việc chuẩn bị những thế hệ mới cho xã hội số. Làm thế nào cho mỗi học sinh nắm được công nghệ số ngay từ khi các cháu đi học để ít nhất khi hết lớp 12 các em trở thành những công dân số học. Những vấn đề nghiên cứu đang được quan tâm hiện nay nhưng Viện chưa làm tới, ví dụ những nghiên cứu hậu Covid mà thế giới đang quan tâm. Viện phải hiểu được vấn đề giáo dục trên thế giới sắp tới như thế nào. Đặc biệt là Viện nên có tiếng nói trong việc viết sách giáo khoa hiện nay, đóng góp vào chiến lược thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
 
Tôi rất tự hào vì đã là cán bộ nghiên cứu và có đóng góp phát triển lên Viện khoa học giáo dục Việt Nam và tôi sẽ không bao giờ quên Viện. 60 năm là một giai đoạn phát triển khá dài, tôi mong muốn con đường sắp tới Viện sẽ trở thành một cơ quan nghiên cứu hiện đại với những vai trò rõ ràng hơn. Chúng ta phải biến Viện trở thành một cơ quan nghiên cứu chiến lược và để làm được điều đó chúng ta phải đầu tư cán bộ làm cho cán bộ giỏi giang, lãnh đạo Viện phải có tầm nhìn chiến lược tốt hơn và có tiếng nói hơn trong Bộ Giáo dục và trong các hội đồng chính phủ.