Họp chuyên gia khởi động Dự án “Thúc đẩy Giáo dục công dân toàn cầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua phương pháp tiếp cận toàn trường”

01/03/2022 16:31 GMT+7
Chiều ngày 25/2/2022, Văn phòng UNESCO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã tổ chức cuộc họp chuyên gia quốc tế khởi động Dự án “Thúc đẩy Giáo dục công dân toàn cầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua phương pháp tiếp cận toàn trường”. Cuộc họp với sự tham gia của gần 50 chuyên gia, các nhóm nghiên cứu quốc gia đến từ 11 nước, Văn phòng UNESCO New Delhi, Văn phòng UNESCO Jakarta, Văn phòng UNESCO Almaty.

Về phía Việt Nam, có sự tham dự của GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Lương Việt Thái, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, ThS. Đỗ Đức Lân, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, ThS. Nguyễn Hồng Liên, nghiên cứu viên Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia.

 

 
Các chuyên gia tham gia cuộc họp
 

Mở đầu cuộc họp TS Libing Wang, Trưởng ban Đổi mới Giáo dục và Phát triển Kỹ năng, UNESCO Bangkok trình bày mục đích của cuộc họp chuyên gia: (1) giới thiệu nội dung dự án, giới thiệu tóm tắt về tiến độ thực hiện của các nước hưởng lợi trực tiếp; (2) làm rõ đề cương báo cáo và các yêu cầu cụ thể đối với các nghiên cứu quốc gia các nước tham gia; (3) tạo cơ hội trao đổi giữa các chuyên gia tâm huyết với mảng Giáo dục công dân toàn cầu (GCED) trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 
 

 

Bà Natalie Hong, cán bộ phụ trách dự án của UNESCO Bangkok trình bày

 

Bà Natalie Hong, cán bộ phụ trách Dự án, UNESCO Bangkok trình bày về hướng tiếp cận kĩ thuật thúc đẩy GCED trong khu vực, tập trung ở cấp trường học: (1) nâng cao nhận thức và năng lực của giáo viên và lãnh đạo trường học về GCED; (2) cách tiếp cận toàn trường – WSA bao gồm 5 mảng Chương trình và giảng dạy, Lãnh đạo và môi trường trường học, Phát triển chuyên môn và sức khỏe đội ngũ, Sự tham gia của người học, Tham gia của phụ huynh, gia đình và cộng đồng; (3) áp dụng WSA cho GCED nói riêng, phát triển chuyên môn tại trường cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường; kết hợp GCED ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID.
 
  
 
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại cuộc họp
 
Phát biểu tại cuộc họp, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ vinh dự Việt Nam là một trong ba nước (Bhutan, Phillipines, Việt Nam) hưởng lợi trực tiếp từ dự án. GS Lê Anh Vinh cũng cho rằng thúc đẩy GCED theo 5 lĩnh vực của tiếp cận WSA là một hướng tiếp cận toàn diện, phù hợp với bối cảnh đổi mới giáo dục của Việt Nam. Ngoài ra,Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam sẽ cùng đồng hành với các quốc gia khác để tạo ra một cộng đồng giáo viên, những nhà giáo dục tâm huyết với GCED.
 
Tại cuộc họp, các chuyên gia của các nước, các tổ chức cũng phát biểu, đóng góp vào kế hoạch thực hiện dự án trong giai đoạn năm 2022 và năm 2023 sắp tới. Kết thúc cuộc họp, Bà Natalie Hong cho biết UNESCO Bangkok sẽ làm việc chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu quốc gia các nước, đặc biệt là 3 quốc gia Bhutan, Phillipines và Việt Nam để tiến hành thực hiện các bước tiếp theo mang lại các giá trị lợi ích cho giáo viên, học sinh và nhà trường trong khu vực.
 

                                 Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế