Hội nghị tập huấn đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước

18/08/2023 22:45 GMT+7
Trong hai ngày 17/8 và 18/8/2023, tại Nhà khách UBND tỉnh Sơn La, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGD Việt Nam) phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn giáo viên tích hợp dạy học bộ sản phẩm Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước”.

Tham dự và chủ trì hội nghị có GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Học viên tham dự hội nghị tập huấn bao gồm 160 cán bộ, giảng viên đến từ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La, trường Hữu Nghị T80, Trường Cao đẳng Sơn La, Trường Đại học Tây Bắc.


GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

 

 
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam đề cập đến chiều dài lịch sử, mối quan hệ gắn bó keo sơn của hai nước và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Chính vì vậy GS. TS Lê Anh Vinh cũng bày tỏ sự vinh hạnh của Viện KHGD Việt Nam khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho là đơn vị chủ trì thực hiện đề án. Các sản phẩm đề án rất đa dạng về hình thức từ cấp tiểu học đến đại học, bao gồm tài liệu hỏi đáp, tài liệu hướng dẫn dạy tích hợp, tài liệu dạy học theo chuyên đề, truyện tranh, tuyển tập hồi kí của các nhà lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia, cựu chiến binh và quân tình nguyện Việt Nam – Lào, các videos; các sản phẩm này đều đã được đưa lên website: vietlaos.vnies.edu.vn để các cơ sở giáo dục có thể thuận lợi khai thác. Hiện bộ tài liệu cũng đang được dịch sang tiếng Lào và biên tập phù hợp cho phù hợp bối cảnh của nước bạn Lào.
  
GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng Hội nghị tập huấn lần này tại tỉnh Sơn La mang ý nghĩa hết sức quan trọng, tập huấn không chỉ giúp các thầy cô tiếp cận nội dung của sản phẩm đề án, quan trọng hơn là tiếp cận phương pháp lồng ghép, tích hợp các nội dung về mối quan hệ lịch sử đặc biệt hai nước trong các môn học như Lịch sử-Địa lý, Đạo Đức, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm hay các môn học khác.
 

Đồng chí Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị tập huấn
  
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền đạt thông tin về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào. Đồng chí khẳng định Đảng và Nhà nước nhân dân hai nước hết sức quan tâm đến việc thúc đẩy các đề án giữa hai nước đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
  
Đồng chí Nguyễn Hải Thanh đánh giá các sản phẩm đề án này chứa rất nhiều tư liệu lịch sử quý giá về chặng đường lịch sử đoàn kết, gắn bó keo sơn của hai dân tộc, là công trình quy mô lớn về lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước, được cả hai bên cùng quan tâm và phối hợp thực hiện. Các sản phẩm của công trình đạt được giá trị khoa học, chính trị, tư tưởng và được ra đời trong bối cảnh hết sức ý nghĩa khi năm vừa qua, năm 2022 là dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.
 

Đồng chí Lê Tiến Quân – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị tập huấn
  
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, đồng chí Lê Tiến Quân – Phó Giám đốc Sở đã có lời phát biểu chào mừng và bày tỏ sự vui mừng khi tỉnh Sơn La được lựa chọn là địa phương đầu tiên tham gia tập huấn. Đồng chí cho biết Sơn La đã có quan hệ hữu nghị và ký kết hợp tác toàn diện với 9 tỉnh Bắc Lào. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn tỉnh Sơn La luôn là hậu phương vững chắc của khu căn cứ địa cách mạng Lào ở tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh Bắc Lào. Sơn La cũng là nơi đã từng được vinh dự được đón, bí mật nuôi giấu, bảo vệ đồng chí Cay Xỏn Phôm Vi Hản trong thời gian hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng. Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là sự minh chứng cho sức mạnh của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Đồng chí Lê Tiến Quân cũng cho kể từ năm 2017 đến nay, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận và đào tạo cho hơn 2000 lưu học sinh Lào tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn Covid-19, tỉnh Sơn La cũng là địa phương đầu tiên đón sinh viên Lào quay trở lại học tập.
  
Đồng chí Lê Tiến Quân nhận định các tài liệu được xây dựng ở tất cả các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học với phương pháp tiếp cận lồng ghép, tích hợp thích hợp sẽ là cơ hội cho giúp việc thúc đẩy tìm hiểu, nâng cao nhận thức về mối quan hệ đặc biệt lịch sử hai nước; đồng thời cơ hội đưa các nội dung trong các sản phẩm của đề án vào nội dung của giáo dục địa phương cũng là một hướng khả thi.
 

Các đại biểu, học viên tham dự tham dự phần trình bày chung của Hội nghị tập huấn
 

Lớp tập huấn cho nhóm học viên Tiểu học
  
 
Lớp tập huấn cho nhóm học viên Trung học cơ sở
 

Lớp tập huấn cho nhóm học viên Trung học phổ thông
 
 
Lớp tập huấn cho nhóm học viên cao đẳng, đại học
  
Tại Hội nghị tập huấn, sau bài trình bày chung về các sản phẩm cụ thể của Đề án, một số vấn đề chung về việc đưa nội dung lịch sử mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam vào dạy học trong các trường phổ thông Việt Nam của TS. Đỗ Thu Hà, đại diện nhóm giảng viên, 160 học viên được chia thành 4 lớp tập huấn nhỏ từ cấp Tiểu học đến Đại học. Trong hai ngày 17/8 và 18/8/2023 các học viên đã được tập huấn theo các chủ đề: Hình thức tích hợp, phương pháp dạy học và định hướng đánh giá nội dung lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam khi triển khai ở các trường phổ thông; Hướng dẫn tích hợp nội dung lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào chương trình một số môn học và hoạt động giáo dục; Xây dựng kế hoạch bài dạy tích hợp nội dung giáo dục lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong các môn Tiếng Việt, Lịch sử và Địa Lí, Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm theo CT GDPT 2018.
 

Các đại biểu, học viên tham dự Hội nghị Tập huấn
  
Hội nghị Tập huấn đã kết thúc thành công tốt đẹp vào chiều ngày 18/8/2023, làm tiền để xây dựng phương hướng, kế hoạch triển khai tập huấn các tỉnh tiếp theo./.
 
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế