Quản lý giáo dục phổ thông trong bối cảnh phân cấp quản lý giáo dục

10/08/2017 16:55 GMT+7
Cuốn sách chuyên khảo này là tập hợp một số công trình nghiên cứu và bài viết khoa học của PGS.TS. Nguyễn Tiến Hùng.

nguyentienhung_sach.jpg

     Cuốn sách chuyên khảo này là tập hợp một số công trình nghiên cứu và bài viết khoa học của tác giả, sách được cấu trúc thành 5 chương chính:
      Chương 1 phản ánh những nội dung cơ bản phân cấp quản lí giáo dục phổ thông, từ các khái niệm cơ bản, cách tiếp cận, các nhân tố ảnh hưởng, các kiểu/hình thức đến định hướng và phương pháp luận nghiên cứu về phân cấp quản lí cả cấp vĩ mô (quản lí nhà nước về giáo dục phổ thông) và vi mô (quản lí nhà trường phổ thông).
      Chương 2 tập trung phân tích xu thế phân cấp quản lí giáo dục phổ thông, điển hình là: quản lí dựa vào nhà trường (SBM), charter school (trường phổ thông công lập tự chủ), hội đồng trường phổ thông, hệ thống chịu trách nhiệm xã hội và xu thế phát triển về cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông; từ đó, rút ra những bài học về phát triển quản lí giáo dục phổ thông trong bối cảnh phân cấp và quản lí giáo dục.
      Chương 3 và 4 là nội dung chính của chuyên khảo, trình bày và phân tích các nội dung cơ bản về quản lí nhà nước và quản lí nhà trường phổ thông. Chương 3 trình bày và phân tích mô hình, định hướng và cách tiếp cận về đổi mới phân cấp quản lí nhà nước về giáo dục phổ thông. Chương 4 trình bày và phân tích mô hình, tiêu chuẩn và quy trình để nhà trường phổ thông có thể tự đánh giá và cải tiến hoạt động của mình trong bối cảnh phân cấp quản lí giáo dục.
      Chương 5 trình bày cụ thể về mô hình hội đồng trường phổ thông: chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và trách nhiệm của các thành viên; cách quản lí, hoạt động và lĩnh vực tham dự; quy trình, các chiến lược giúp hội đồng trường hoạt động có hiệu quả.
Thông tin xuất bản:
      Tác giả: Nguyễn Tiến Hùng
      Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội
      Năm xuất bản: 2014
      Số trang: 279 tr.
      Sách có lưu tại Thư viện Viện Khoa học giáo dục Việt Nam