Giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức cấp Tiểu học

02/01/2022 10:07 GMT+7
Trong xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Việt Nam trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Việc giáo dục công dân toàn cầu chính là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày về mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam, xác định những địa chỉ có khả năng giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức cấp Tiểu học, trên cơ sở đó đề xuất định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục công dân toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, ngành giáo dục đã tích cực triển khai thực hiện đổi mới giáo dục ở tất cả các cấp học. Mục tiêu hàng đầu của đổi mới giáo dục là nhằm đào tạo được những con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã được quan tâm và thể hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới giáo dục.
  
Trên cơ sở tham khảo một số nghiên cứu về giáo dục công dân toàn cầu trong nước và các tổ chức quốc tế như UNESCO, OXFAM, giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam cần hướng tới hình thành và phát triển cho người học:1) Về kiến thức: học sinh có hiểu biết về các vấn đề mang tính toàn cầu, hiểu biết về mối quan hệ gắn kết, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các vấn đề của các cộng đồng ở các cấp độ địa phương, đất nước và toàn cầu; Hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, quốc gia; 2) Về kĩ năng: học sinh tự nhận thức về bản thân; giao tiếp, hợp tác trong môi trường đa văn hóa, với bạn bè quốc tế; thích ứng trong tình huống mới, trong môi trườngmới; phân tích, phản biện về những vấn đề mang tính toàn cầu; sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, học tập; sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là internet (trong học tập, giao tiếp,…); 3) Về thái độ: học sinh biết yêu nước, quê hương, gia đình; yêu thương con người…
  
Môn Đạo đức là môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học. Nội dung chủ yếu của môn học là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Những nội dung này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.
  
Trên cơ sở mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam và mục tiêu, đặc trưng của môn học, môn Đạo đức cấp Tiểu học có nhiều khả năng thực hiện các mục tiêu của giáo dục công dân toàn cầu.
  
Giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức muốn đạt được hiệu quả cần phải có phương pháp giáo dục phù hợp. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học hiện đại nhằm: - Tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm những kiến thức về công dân toàn cầu trong đời sống thực tiễn hoặc trong các tình huống được mô phỏng gần với tình huống thực tiễn; - Tạo cơ hội cho học sinh được giao tiếp, tương tác tích cực với thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh để chia sẻ suy nghĩ, quan điểm, ý kiến, kinh nghiệm về những vấn đề toàn cầu; để học hỏi lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc, Tạo cơ hội cho học sinh được nhận xét, phê phán, đánh giá/tự nhận xét, tự phê phán, tự đánh giá các thái độ, hành vi, việc làm của bản thân, của người khác liên quan đến những vấn đề toàn cầu theo các chuẩn mực văn hóa, đạo đức và pháp luật đã học.
  
Giáo dục công dân toàn cầu được tích hợp trong môn Đạo đức. Vì vậy, định hướng việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cần phải dựa trên mục tiêu về giáo dục công dân toàn cầu đã được xác định trong chương trình, đồng thời căn cứ vào đặc thù môn học và cách thức kiểm tra, đánh giá của môn học này.
  
Đánh giá kết quả học tập về giáo dục công dân toàn cầu của học sinh cần phải bảo đảm theo các yêu cầu chung như sau: Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập; Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học học sinh và đánh giá của cộng đồng; Kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết để tổng hợp thành kết quả đánh giá cả năm học của học sinh.
  
Kết luận
  
Để giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu, cần chú trọng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực của người công dân toàn cầu ngay từ lứa tuổi nhỏ. Chương trình môn Đạo đức cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thể hiện rõ nét các mục tiêu của giáo dục công dân toàn cầu thông qua yêu cầu cần đạt của các chủ đề.