Rèn luyện hiểu biết thống kê, suy luận thống kê và tư duy thống kê cho học sinh trung học phổ thông

02/01/2022 10:15 GMT+7
Tác giả Hoàng Lê Minh, đại học Hồng Đức nghiên cứu nội dung thống kê trong Chương trình Toán 2018 của Việt Nam, tổng hợp và đưa ra quan điểm phân biệt giữa các khái niệm hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê của học sinh. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số tác động sư phạm để rèn luyện hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê cho người học với mục tiêu tăng cường tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của Toán học trong cuộc sống.

Đặt vấn đề
  
Hiện nay, thống kê đang ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng đối với cuộc sống của mọi người, mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. thống kê giúp chúng ta phân tích số liệu một cách khách quan và rút ra các tri thức, thông tin chứa đựng trong các số liệu, từ đó đưa ra những dự báo và quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, thời lượng dành cho thống kê ở chương tình phổ thông lại rất khiêm tốn. Vì vậy trong nghiên cứu này, tác giả làm rõ các khái niệm hiểu biết thống kê, suy luận thống kê (SLTK), tư duy thống kê (TDTK) và đưa ra một số khuyến nghị về các biện pháp sư phạm để nhằm góp phần tác động tích cực tới việc dạy và học thống kê ở trường phổ thông.
  
Nội dung nghiên cứu
  
Có rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục Toán đã đề cập đến khái niệm hiểu biết (HB), suy luận (SL) và tư duy thống kê (TDTK) trong các nghiên cứu của họ, và mỗi tác giả đều nêu các định nghĩa cho những kết quả mà họ quan tâm. Để phục vụ cho nghiên cứu này, bài viết tổng hợp các khái niệm hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê dựa trên định nghĩa của các nhà giáo dục thống kê: Dani Ben-Zvi & Joan Garfield, Rumsey, Chance, delMas, Gal. Theo đó, hiểu biết thống kê là khả năng hiểu các thông tin thống kê, nắm và sử dụng được ngôn ngữ, các công cụ, khái niệm cơ bản của thống kê. Suy luận thống kê là cách suy luận với các ý tưởng thống kê và làm cho thông tin thống kê trở nên có ý nghĩa. Điều này liên quan đến việc đưa ra các lí giải dựa trên các tập dữ liệu, các biểu diễn của dữ liệu hay các tóm tắt thống kê của dữ liệu. Tư duy thống kê liên quan đến việc hiểu tại sao và làm thế nào để thực hiện các điều tra thống kê cũng như các ý tưởng làm cơ sở cho các điều tra thống kê.
 
Về mối quan hệ giữa hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê, quan điểm thứ nhất cho rằng, hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê là những miền độc lập nhưng có một vài giao thoa.
 
Quan điểm thứ hai nhấn mạnh rằng, hiểu biết thống kê là nền tảng rộng cho suy luận và tư duy thống kê, suy luận và tư duy thống kê là những hiểu biết thống kê ở mức độ chuyên sâu, trong đó hiểu biết thống kê được xem như là một mục tiêu bao trùm việc giảng dạy, cần hình thành nền tảng hiểu biết thống kê trước cho người học, từ đó làm cơ sở để phát triển suy luận thống kê và tư duy thống kê.
 
Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán 2018 yêu cầu học sinh cần đạt với nội dung thống kê sau khi hoàn thành chương trình là: có thể “hoàn thiện khả năng thu thập, phân loại, biểu diễn, phân tích và xử lí dữ liệu thống kê; sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu thống kê thông qua các số đặc trưng đo xu thế trung tâm và đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu không ghép nhóm và ghép nhóm; sử dụng các quy luật thống kê trong thực tiễn; nhận biết các mô hình ngẫu nhiên, các khái niệm cơ bản của xác suất và ý nghĩa của xác suất trong thực tiễn.
  
Tác giả xác định và đề xuất xây dựng những nhiệm vụ mà giáo viên có thể đề nghị học sinh hoàn thành và dựa trên mức độ hoàn thành đó của học sinh mà giáo viên có thể phân biệt được hay đánh giá mức độ nhận thức mà học sinh có thể đạt, từ đó giáo viên có thể xác định được học sinh đã đạt được mức độ nào của quá trình nhận thức.
 
Kết luận
  
Hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê được xem như kết quả của quá trình nhận thức, đó là những mức độ tương đối phân biệt nhưng có sự giao thoa và tương hỗ đáng kể giữa các mức độ, hiểu biết thống kê là nền tảng, là cơ sở để phát triển suy luận thống kê và tư duy thống kê. Giáo viên cần nắm rõ các mức độ của quá trình nhận thức đó để thông qua các biện pháp sư phạm tương ứng để có thể rèn luyện và phát triển hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê cho học sinh.