Lo âu học tập và mối liên hệ với rối loạn lo âu ở học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội

28/01/2022 21:28 GMT+7
Lo âu học tập là một trong những vấn đề phổ biến ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Lo âu học tập là cảm giác lo sợ đi kèm theo sự gia tăng các suy nghĩ tiêu cực, các phản ứng về mặt cơ thể khi cá nhân phải đối mặt với các nhiệm vụ liên quan đến học tập, như: tham gia giờ một môn học (môn Toán, môn Tiếng Anh,...), đối mặt với bài tập về nhà hoặc đối các bối cảnh thi cử/ kiểm tra. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lo âu học tập đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, rèn luyện sức chịu đựng áp lực, từ đó tạo ra những thành tựu trong học tập và thi cử.

Tuy nhiên, nếu cá nhân có lo âu học tập ở mức độ cao thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực. Nghiên cứu của nhóm tác giả Hoàng Thị Thanh Huệ và Ngô Thanh Huệ của Viện Tâm lí Việt - Pháp đã tìm hiểu thực trạng vấn đề lo âu học tập và mối liên hệ với rối loạn lo âu dựa trên kết quả khảo sát trên 262 khách thể là các học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội.
Bộ công cụ nghiên cứu được sử dụng để khảo sát bao gồm:
  
(1) 10 câu hỏi nhằm xác định các thông tin cá nhân của người trả lời, bao gồm: thông tin về giới tính (nam/ nữ), kết quả học tập (điểm trung bình năm học gần đây nhất - GPA), thứ tự con trong gia đình (birth-order), trình độ học vấn của cha mẹ, thu nhập trung bình hàng tháng của cha mẹ và định hướng sau khi học xong trung học phổ thông.
  
(2) Bảng hỏi về lo âu học tập của học sinh được thiết kế dựa trên việc kết hợp hai thang đo là Academic Anxiety Inventory (AAI) và Foreign Language Classroom Anxiety Scale (FLCAS). Có tổng cộng 51 mệnh đề (item), được chia thành 5 tiểu thang đo: 1/ Đặc điểm lo âu gồm 10 items; 2/ Lo âu môn Toán gồm 10 items; 3/ Lo âu môn Tiếng Anh gồm 11 items; 4/ Lo âu về kĩ năng viết gồm 10 items; 5/ Lo âu về kiểm tra/ thi cử gồm 10 items.
  
(3) Thang đo sàng lọc rối loạn lo âu GAD-7. Thang đo gồm 7 mệnh đề, mô tả các triệu chứng lo âu mà cá nhân gặp phải trong 2 tuần gần đây. Căn cứ theo số điểm thu được từ thang đo sẽ phân loại vấn đề theo mức điểm phân loại (cut-off) được đề xuất bởi tổ chức Y tế thế giới (WHO).
  
Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn học sinh trong mẫu nghiên cứu có lo âu học tập ở mức trung bình. Các học sinh có lo âu học tập ở mức độ thấp thì có kết quả học tập cao hơn và ngược lại. Các học sinh là con một trong gia đình thì có mức độ lo âu học tập cao hơn những học sinh là con thứ, con út và con cả. Kết quả khảo sát cũng cho thấy rối loạn lo âu là một vấn đề phổ biến ở học sinh trung học phổ thông. Số liệu phân tích tương quan đã khẳng định lo âu học tập và các khía cạnh của lo âu học tập đều có mối tương quan thuận chiều ở mức chặt chẽ với rối loạn lo âu. Từ đó, nhóm tác khuyến nghị cần có những chính sách truyền thông để nâng cao nhận thức về vấn đề lo âu học tập và rối loạn lo âu ở lứa tuổi trung học phổ thông cho các đối tượng như thầy cô, các nhà quản lí giáo dục và phụ huynh học sinh.