Mô hình quản lí giáo dục STEM ở trường phổ thông

17/07/2022 20:09 GMT+7
Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải đẩy mạnh giáo dục đào tạo để có được một đội ngũ tri thức chất lượng, có đầy đủ những kĩ năng đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0. Đó là một việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Giáo dục STEM ra đời đã giúp giải quyết vấn đề cấp bách đó. Ở các nước phát triển, STEM rất được coi trọng và phát triển. Ở Việt Nam, STEM đã và đang được đẩy mạnh và được đưa vào chương trình giáo dục của các cấp học. Bài viết của tác giả Thái Văn Thành, Nguyễn Thị Nhị, Lê Thị Bình trình bày về mô hình quản lí giáo dục STEM của nhà trường phổ thông với việc tuân thủ các nội dung, chức năng của hoạt động quản lí giáo dục trong trường học.

Từ sự phân tích trên về mô hình và mô hình quản lí giáo dục, nhóm tác giả vận dụng mô hình CIPO (ContextInput-Process- Output/Outcome) trong quản lí giáo dục STEM.
 
 
Mô hình CIPO về quản lý giáo dục STEM
  
Mục tiêu của biện pháp thực hiện mô hình quản lí giáo dục STEM là đưa việc thực hiện hoạt động giáo dục STEM vào trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để quản lí hiệu quả hoạt động này. Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục STEM theo quy trình 6 bước: 1) Tìm hiểu chương trình, tài liệu STEM; 2) Xác định các năng lực chung và năng lực đặc thù cần được hình thành, phát triển ở học sinh trong giáo dục STEM; 3) Xác định hệ thống nhiệm vụ, hoạt động học tập mà học sinh cần thực hiện qua từng bài, từng phần, từng chủ đề STEM; 4) Lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp; 5) Lựa chọn phương pháp và hình thức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; 6) Lập kế hoạch giáo dục STEM.
  
Sau khi tổ chức xây dựng chuẩn đầu ra Chương trình Giáo dục STEM và tổ chức, chỉ đạo phát triển Chương trình Giáo dục STEM, nhóm tác giả tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục STEM bằng việc yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá chất lượng và hiệu quả giáo dục STEM của các nhà trường. Qua đó, phát hiện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp hoặc nhân rộng các mô hình tốt. Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục STEM bao gồm các lĩnh vực: Kế hoạch dạy học, Nội dung dạy học, Phương pháp dạy học, Hình thức tổ chức dạy học, Kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học, Môi trường dạy học.
  
Quản lí trong giáo dục là tác động của chủ thể quản lí đến các thành tố của quá trình giáo dục nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Quản lí mô hình giáo dục STEM theo tiếp cận mô hình CIPO là tác động của nhà quản lí đến quá trình giáo dục thông qua quản lí đầu vào, quản lí quá trình, quản lí đầu ra dưới tác động của bối cảnh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Để hoạt động giáo dục STEM đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội, nhà trường cần phải vận dụng đồng bộ các biện pháp quản lí nêu trên.