Mối liên hệ giữa kinh nghiệm và năng lực của giáo viên với thói quen tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn

07/08/2022 22:28 GMT+7
Dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định, đặc biệt là đối với việc tăng lợi thế cạnh tranh cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia.

Để hướng đến một nền giáo dục chất lượng cao có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ngoài việc thay đổi chính sách giáo dục, điều chỉnh khung chương trình, nhà trường và chính quyền cũng nên tập trung vào các hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên. Tại Việt Nam, dù được đánh giá là đã góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng của giáo viên và nâng cao chất lượng học tập của học sinh, nhưng những hoạt động phát triển chuyên môn liên tục của giáo viên được nhận xét là chưa thực sự có hiệu quả về cách thức tổ chức và còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố bao gồm cả chủ quan và khách quan.
  
Bài viết của nhóm tác giả Phan Thị Thanh Thảo, Đinh Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Thành Đô nhằm nâng cao hiểu biết về thói quen tham gia của giáo viên vào quá trình phát triển chuyên môn (Continuous Professional Development - CPD) thông qua việc điều tra vai trò của số năm kinh nghiệm giảng dạy và năng lực của họ. Bài viết được nghiên cứu dựa trên số lượng khảo sát trực tuyến của 464 giáo viên, bao gồm 120 giáo viên nữ và 344 giáo viên nam tại các trường phổ thông tại Việt Nam.
 
  
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở mỗi mức độ kinh nghiệm và năng lực khác nhau, giáo viên có thói quen phát triển chuyên môn khác nhau. Từ đó, nghiên cứu hiện tại đưa ra gợi ý rằng, các nhà lãnh đạo trường học nên khuyến khích giáo viên tham gia phát triển chuyên môn để có thể thúc đẩy hiệu quả giảng dạy của giáo viên và sau đó tạo điều kiện cho việc giảng dạy và phát triển của họ. Bên cạnh đó, nội dung hình thức tổ chức của các chương trình phát triển chuyên môn cũng cần được chú trọng. Khi tổ chức các hoạt động phát triển chuyên môn, lãnh đạo nhà trường nên xem xét kinh nghiệm, năng lực của giáo viên để có thể cung cấp các khóa đào tạo hoặc hình thức phù hợp đối với từng đối tượng để thúc đẩy giáo viên tham gia các hoạt động trên.