Học sinh đến trường để… chơi

10/08/2017 16:55 GMT+7
(Vietnamnet)-Giáo dục Mỹ, cũng như nhiều nước, chủ trương cung cấp lượng kiến thức sao cho học sinh trung bình nắm được vấn đề. Và học sinh đến trường còn để… chơi. Trường sở ở Mỹ không trùng khớp với “học đường”. “Linh hồn”, hay “thần hộ mệnh” của một trường, có thể là chú chim cụt cánh chơi khúc côn cầu.

Ngoại khoá - một chủ điểm quan trọng

Giáo dục Mỹ, cũng như nhiều nước, chủ trương cung cấp lượng kiến thức sao cho học sinh trung bình nắm được vấn đề. Và học sinh đến trường còn để… chơi.

Ý tưởng đồng nhất đội tuyển (thể thao) của một trường trung học với biểu tượng của trường này hẳn là nét khác biệt của giáo dục nước này. Có trường được biết đến không nhờ “thành tích” dạy và học, mà nhờ có đội bóng rổ, bóng chày “ác chiến” (nổi tiếng)… Chẳng hạn đội tuyển trường Shattuck St. Mary ở bang Minnesota thường xuyên tham dự vòng chung kết toàn Hợp chúng quốc về khúc côn cầu (NHL).

Đó là do hoạt động ngoại khoá cho học sinh rất được chú trọng. Học sinh được khuyến khích tham gia mọi hoạt động thể thao (chủ yếu là bóng đá Mỹ, bóng rổ, điền kinh, bơi).

Các cuộc thi đấu thể thao là những sự kiện quan trọng trong đời sống học sinh, được cả chính quyền và phụ huynh quan tâm, và là một khoản thu nhập cho các học khu, chẳng hạn nhờ bán các bộ đồng phục mang biểu hiệu của trường.

Các sân vận động, bể bơi, và phòng tập thể dục dụng cụ luôn đông người. Các cuộc thi đấu điền kinh của các trường Trung học, kể cả thuộc khu vực dân cư có thu nhập không cao, cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng, của các trường cao đẳng và của cả các huấn luyện viên chuyên nghiệp tới săn tài năng trẻ. Vòng loại bóng rổ, bóng đá giữa các trường Trung học trong một bang lôi cuốn mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng.

Ngoại khoá còn bao gồm hoạt động trong các ban nhạc, các đội tập luyện hành quân (marching bands), tổ chức sinh viên tự quản (student government), ra báo tường, hội chợ khoa học (science fair), các câu lạc bộ học thuật hoặc văn hoá (như Key Club)…

Trẻ em ở Mỹ đến trường, đi tham quan, và tham gia hoạt động ngoại khoá đều bằng xe buýt.

Chơi “nghiêm” như Học

Nhiều môn học được thuộc nhóm môn không bắt buộc nhưng chính quyền sở tại chú trọng, để tạo “thương hiệu” về giáo dục, văn hoá cho vùng mình.

Một số học khu lập ra những trường năng khiếu để hút các trẻ em có tài sống trong khu vực, tạo thành những “lò ấp” tài năng về khoa học, chuyên ngành kỹ thuật, và về nghệ thuật, về lâu về dài, tăng thể diện cho địa phương.

Nhiều trường Trung học ở California là lò đào tạo cầu thủ bóng nước, còn bang Kansat là nơi ươm mầm nhiều cầu thủ bóng rố từ ghế nhà trường. Nhiều cuộc thi đấu thể thao chuyên nghiệp được tổ chức trong sân vận động của một trường.

Giữ quyền chủ động!

Do tình hình xã hội hiện nay, ở nhiều bang dạy thêm môn Y tế (Health), gồm các kiến thức giải phẫu học, dinh dưỡng, sơ cứu, chống sử dụng thuốc phiện (Anti-drug use programs), tình dục học (sexuality), tránh thụ thai…

Trồng người nhờ… thể thao, văn nghệ

Ở Mỹ có những hiệp hội thể thao chuyên nghiệp hàng năm cấp học bổng cho các học sinh lớp cuối trung học. Đối tượng là những học sinh” có thành tích học tập tốt, tư cách công dân tốt, tích cực tham gia hoạt động của trường và cộng đồng, hoặc có tình yêu với môn thể thao tương ứng thể hiện bằng tài năng cá nhân, vai trò thủ quân, tinh thần thi đấu, và ý thức hiệp đồng lập công.

Theo các nhà giáo dục học, tập và thi đấu thể thao đem lại cho học sinh sáu lợi thế: phát triển thể lực; sáng tạo, giảm stress, rèn tính tự tin; ý thức đồng đội; biết quản lý quỹ thời gian. Lợi thế cuối cùng được xem trọng, vì việc luyện tập thể thao chiếm vài giờ trong một ngày (thí dụ như môn softball, một loại bóng chày, cũng chiếm tới 4 giờ/ngày), đòi hỏi các em tự phải biết sắp xếp (budget) tối ưu thời gian biểu của mình.

Để so sánh, trường ở Việt Nam chưa là không gian rèn luyện sức khoẻ, phát triển văn hoá. Việc tự tu thường choán gần hết thời gian ở nhà, và còn làm tổn hại sức khoẻ của trẻ.

Thời gian biểu của học sinh Mỹ

Theo số liệu của Viện điều tra xã hội học/Institute for Social Reseach, trung bình một tuần (168 giờ), học sinh Mỹ ngủ 68 giờ 12 phút, 32 giờ 27 phút lên lớp, 14 giờ 36 phút xem tivi, trang điểm và vệ sinh cá nhân 8 giờ 13 phút, chơi 8 giờ 5 phút, ăn uống hết 7 giờ 6 phút, giúp việc nhà 5 giờ 43 phút, tiếp bạn bè, khách khứa hết 4 giờ 47 phút, làm bài tập và tự học – 3 giờ 58 phút, thể thao – 2 giờ 59 phút, máy tính hết 2 giờ 45 phút, đi lễ nhà thờ 1 giờ 34 phút, đọc sách 1 giờ 17 phút, đọc sách cho bố mẹ, ông bà - 5 phút, đi làm – 53 phút, dạo chơi, văn hoá nghệ thuật, - 48 phút, sở thích cá nhân – 12 phút.

Lê Đỗ Huy (tổng hợp)