Hệ thống dạy và học bền vững ở Phần Lan

10/08/2017 16:55 GMT+7
Phần Lan là một ví dụ điển hình về cải tiến trường học, nhanh chóng chiếm vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng quốc tế. Từ hệ thống quan liêu khoa trương với hệ thống giáo dục chất lượng thấp và bất bình đẳng lớn, Phần Lan hiện nay đứng đầu trong các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển- nơi quy tụ các quốc gia "phát triển") về PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) – chương trình kiểm tra quốc tế độ tuổi 15 các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học. Quốc gia này cũng tự hào về thành tích học tập cao, phân bổ tương đối đồng đều ở các vùng miền, ngay cả khi gia tăng lượng sinh viên nhập cư.

Chiến lược cải cách
Các nhà lãnh đạo Phần Lan tăng cường đầu tư đào tạo giáo viên. Giáo viên được đào tạo trong nền giáo dục chất lượng cao 3 năm do nhà nước bao cấp- với sự kiểm tra kỹ lưỡng về chương trình và hệ thống đánh giá nhằm đảm bảo sự tiếp cận “chương trình giảng dạy tư duy" cho tất cả học sinh. Phân tích gần đây của hệ thống Phần Lan đã tóm tắt những nguyên tắc cốt lõi như sau:
·        Nguồn lực cho những người cần hỗ trợ nhất
·        Các tiêu chuẩn cao và hỗ trợ các nhu cầu đặc biệt
·        Giáo viên chuẩn
·        Đánh giá giáo dục
·        Cân bằng sự phân cấp và tập trung
 
Quá trình thay đổi này gần như ngược so với các chính sách ở Hoa Kỳ. Trong 40 năm qua, Phần Lan đã dịch chuyển từ một hệ thống trung ương quản lý chặt chẽ, ưu tiên đánh giá diện rộng sang một hệ thống địa phương hóa, tập trung đội ngũ giáo viên được đào tạo tốt để thiết kế chương trình theo chuẩn quốc gia tốt. Hệ thống mới này được thực hiện thông qua nguồn tài trợ công bằng và sự trang bị mở rộng cho mọi giáo viên. Tính logic của hệ thống là sự đầu tư vào năng lực giáo viên địa phương và trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh, cùng với sự hướng dẫn đầy đủ về mục tiêu, có thể đem đến những lợi ích của sự sáng tạo từ các vùng miền hướng tới kết quả chung và công bằng.
 
Trong khi đó Hoa Kỳ đã áp đặt hệ thống đánh giá mở rộng- thường xuyên kiểm tra cách tiếp cận khác nhau về chương trình giảng dạy- đồng thời tạo các điều kiện khác nhau giữa các trường học địa phương. Nguồn lực cho trẻ em và trường học, dưới hình thức cấp kinh phí và giáo viên giàu kinh nghiệm, tạo nên sự bất cân bằng ở các bang, do đó làm suy yếu khả năng đáp ứng kết quả học tập ở các trường. Theo Sahlberg, Phần Lan đã đi theo một con đường rất khác. Ông nhận xét:
 
Người Phần Lan đã làm việc có hệ thống hơn 35 năm để đảm bảo rằng các chuyên gia cao cấp đã đưa ra những điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh trong các trường học, hơn là nghĩ rằng cần áp dụng quy trình giảng dạy theo chuẩn và đánh giá liên quan vào phút cuối nhằm giúp học sinh học tốt hơn và thay đổi các trường học chất lượng thấp.
 
Sahlberg chỉ ra một tập hợp các cải cách toàn cầu, đặc biệt được tiến hành ở các nước Anglo-Saxon, Phần Lan không áp dụng, bao gồm quá trình chuẩn hóa chương trình từ các trắc nghiệm đánh giá ngoài thường xuyên; thu hẹp chương trình giảng dạy theo các kỹ năng cơ bản về đọc và toán học; giảm sử dụng chiến lược dạy sáng tạo; áp dụng các ý tưởng giáo dục từ các nguồn bên ngoài, hơn là phát triển năng lực nội bộ địa phương trong đổi mới và giải quyết vấn đề; và áp dụng các chính sách về sự chịu trách nhiệm cao, khen thưởng và xử phạt đối với học sinh, giáo viên, và trường học. Ngược lại, ông cho rằng:
 
Chính sách giáo dục Phần Lan là kết quả của bốn thập kỷ phát triển theo hệ thống, mục tiêu, tạo ra một nền văn hóa đa dạng, sự tin tưởng, và tôn trọng trong xã hội Phần Lan nói chung, và trong hệ thống giáo dục nói riêng. Giáo dục phát triển dựa trên các cơ hội bình đẳng, sự phân phối công bằng các nguồn lực thay vì sự cạnh tranh, can thiệp sớm để phòng chống, và từng bước xây dựng lòng tin giữa các nhà thực hành giáo dục, đặc biệt là giáo viên. Sự công bằng trong cơ hội học được hỗ trợ bằng nhiều cách ngoài việc phân bổ kinh phí cơ bản.
 
Trường học Phần Lan thường nhỏ (chưa đến 300 học sinh) với quy mô lớp học tương đối nhỏ (20 học sinh), và đều được trang bị tốt. Việc chăm sóc học sinh về kiến thức và phát triển cá nhân là trọng tâm trong các trường học. Tất cả học sinh nhận được một bữa ăn miễn phí hàng ngày, cũng như miễn phí về y tế, giao thông vận tải, tài liệu học tập, và tư vấn, các điều kiện cơ bản về học tập đều được đáp ứng. Ngoài ra, việc tiếp cận chương trình giảng dạy và giáo viên đạt chất lượng trở thành vấn đề trung tâm trong chính sách giáo dục của Phần Lan.
Cải tiến nội dung chương trình và cách tiếp cận.
Những năm 70, Phần Lan bắt đầu những cải cách để cân bằng cơ hội giáo dục bằng cách đầu tiên chấm dứt phân luồng học sinh theo kết quả thi, sau đó bỏ các kỳ thi tuyển. Sự thay đổi này diễn ra theo 2 giai đoạn từ 1972 đến 1982, toàn bộ hệ thống phát triển theo một chương trình học chung đến hết THPT. Mục đích của sự thay đổi là cân bằng kết quả giáo dục và tạo cơ hội mở cho giáo dục đại học. Trong giai đoạn này, nhà nước ban hành các hỗ trợ xã hội cho trẻ em và gia đình, bao gồm y tế và nha khoa, các dịch vụ giáo dục đặc biệt, và giao thông tới các trường học.
Vào cuối thập niên 70, đầu tư cho giáo viên là một trọng điểm khác. Ngành sư phạm đã được cải tiến và mở rộng. Các nhà hoạch định chính sách quyết định nếu họ đầu tư giáo viên giỏi, các trường học địa phương sẽ tự chủ nhiều hơn để đưa ra quyết định dạy những gì và dạy như thế nào –sự phản ứng chống lại hệ thống áp bức tập trung cần thay đổi.
 
Vào giữa những năm 90, cả nước đã kết thúc hệ thống chương trình mang nặng tính trung ương quản lý (được phản ánh trong các hướng dẫn chương trình cũ, dài hơn 700 trang). Chương trình nòng cốt quốc gia hiện hành là một văn bản gọn nhẹ, cốt lõi-ví dụ hướng dẫn môn toán học, chưa đến 10trang- hướng dẫn giáo viên phát triển chương trình dạy học và đánh giá địa phương. Trọng tâm của những năm 90 là cải cách chương trình giảng dạy môn khoa học, công nghệ và đổi mới, nhấn mạnh về giảng dạy học sinh cách suy nghĩ sáng tạo và tự quản lý việc học tập.
Nhà trường không sử dụng bài kiểm tra chuẩn bên ngoài để xếp hạng học sinh, và giáo viên phản hồi tới học sinh dưới hình thức kể chuyện, tập trung mô tả sự tiến bộ và những môn học cần phát huy. Trong các kỳ thi NAEP tại Hoa Kỳ, các mẫu về học sinh được đánh giá theo các đánh giá mở cuối lớp 2 và lớp 9 để thông báo chương trình học và đầu tư trường học. Trọng tâm là sử dụng thông tin nhằm định hướng học tập và giải quyết vấn đề, thay vì trừng phạt.
Phần Lan duy trì kỳ thi trước khi vào đại học: goi là kỳ thi tú tài, được tổ chức và đánh giá qua hội đồng chấm thi do Bộ Giáo dục Phần Lan chỉ định. Mặc dù học sinh không bắt buộc thi đỗ ở kỳ thi này để vào học đại học, học sinh thường làm bài như một hình thức thực hành để tham gia 4 kỳ thi mở tương tự, tập trung vào giải quyết vấn đề, phân tích, và viết. Giáo viên sử dụng tài liệu hướng dẫn chính thức để chấm điểm kỳ thi tại địa phương, và cán bộ chuyên môn do hội đông thi sẽ kiểm tra lại mẫu điểm. Mặc dù điều này ngược với những người quen sử dụng đánh giá ngoài như một công cụ kiểm tra tính chịu trách nhiệm, Phần Lan đánh giá sự thành công của các kỳ thi quốc tế theo các yếu tố gắn liền với chương trình dạy học như nhiệm vụ của nhà trường, học sinh làm trung tâm và các nhiệm vụ không cố định khác.

Chương trình quốc gia cơ bản hướng dẫn giáo viên tiêu chí đánh giá đề xuất theo điểm cụ thể từng môn học và đánh giá cuối cùng trong tổng thể sự tiến bộ của học sinh mỗi năm. Tiếp theo, nhà trường và giáo viên sử dụng những hướng dẫn này để phác thảo chương trình giảng dạy chi tiết và tập hợp kết quả học tập từng trường, cũng như phương pháp đánh giá theo chuẩn chương trình học. Theo Hội đồng Giáo dục quốc gia Phần Lan, mục đích chính khi đánh giá học sinh nhằm hướng dẫn và khuyến khích sinh viên tự phản ảnh và đánh giá. Do đó, thông tin phản hồi thường xuyên từ giáo viên là rất quan trọng. Giáo viên nhận xét học sinh bằng lời, báo cáo chính thức và tổng kết. Yêu cầu là một trọng tâm chính của việc học ở Phần Lan, và đánh giá được sử dụng để giúp học sinh tích lũy các kỹ năng học bằng cách đặt câu hỏi mở và giúp học sinh trả lời câu hỏi.

Cải tiến dạy học.
Vào những năm 70, đào tạo giáo viên được đầu tư nhiều hơn, chương trình đào tạo giáo viên từ ba năm chuyển sang bốn đến năm năm. Trong những năm 90, giáo dục Phần Lan một lần nữa thay đổi, tập trung hơn vào người học với các kỹ năng cao như giải quyết vấn đề, tư duy phân tích trong chương trình đào tạo thạc sỹ nghiên cứu. Đào tạo giáo viên dựa trên nghiên cứu là một ý tưởng chính trong việc phát triển giáo viên ở Phần Lan.

Giáo viên tương lai là một nghề cạnh tranh cao đối với sinh viên tốt nghiệp đại học- chỉ có 15% số hồ sơ được chấp nhận- được đào tạo chương trình giáo viên 3 năm. Chương trình này hoàn toàn miễn học phí và có phụ cấp sinh hoạt. Phần Lan quyết định đầu tư đội ngũ giáo viên chất lượng cao qua việc tuyển dụng các sinh viên xuất sắc và cấp tiền học cho họ. Chương trình đào tạo giáo viên được đánh giá cao và hầu như không thiếu giáo viên.
 
Chương trình đào tạo giáo viên gồm các môn học tập trung mở rộng về cách dạy- nhấn mạnh về cách sử dụng nghiên cứu dựa trên thực tế điển hình-và ít nhất một năm kinh nghiệm thực tập tại trường học thực nghiệm liên kết với trường đại học. Trường học thực nghiệm nhằm phát triển và mô hình hóa phương pháp thực hành sáng tạo, đồng thời tăng cường nghiên cứu về học tập và giảng dạy. Giáo viên được đào tạo về phương pháp nghiên cứu, họ có thể “góp phần tăng năng lực giải quyết vấn đề trong hệ thống giáo dục”.
 
Trong các trường học này, sinh viên sư phạm tham gia vào các nhóm giải quyết vấn đề, một đặc tính chung trong các trường học ở Phần Lan. Các nhóm tham gia vào qui trình lập kế hoạch, hành động, và phản ánh/đánh giá trong toàn bộ chương trình đào tạo giáo viên và, trên thực tế, đây là mô hình giúp giáo viên sẽ lập kế hoạch giảng dạy, tham gia nghiên cứu và điều tra trong các nghiên cứu riêng của họ. Như vậy, toàn bộ hệ thống sẽ được cải tiến thông qua sự phản ảnh liên tục, đánh giá và giải quyết vấn đề ở các cấp độ khác nhau từ lớp học, trường học đến vùng miền và trên toàn quốc.  
 
Giáo viên tìm hiểu cách tạo ra thách thức trong chương trình giảng dạy và phát triển, kiểm định các đánh giá thành tích địa phương nhằm khuyến khích sinh viên trong nghiên cứu và điều tra cơ bản. Đào tạo giáo viên nhấn mạnh phương pháp dạy học sinh theo những cách khác nhau, kể cả người học có nhu cầu đặc biệt. Chương trình đào tạo này cũng nhấn mạnh "bản sắc đa văn hóa" và "phòng chống những khó khăn tiếp cận học tập", cũng như hiểu biết về học tập, đánh giá toàn diện, và phát triển chương trình giảng dạy.
 
Hiện nay, phần lớn giáo viên có trình độ thạc sĩ, và họ được trang bị tốt để dạy nhiều đối tượng người học khác nhau hiểu biết sâu, và sử dụng đánh giá thành tích thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Giáo viên được đào tạo phương pháp nghiên cứu và thực hành sư phạm. Vì vậy, họ là những nhà sư phạm giỏi, làm việc cùng nhau để xây dựng chương trình, đáp ứng các nhu cầu người học cũng như các yêu cầu của môn học.

Ở Phần Lan, giống như các quốc gia phát triển khác, nhà trường dành thời gian để giáo viên thảo luận chuyên môn thường xuyên. Ở Phần Lan, hàng tuần, giáo viên gặp nhau ít nhất một buổi chiều để lập kế hoạch và phát triển chương trình giảng dạy, và trường học trong cùng một khu đô thị được khuyến khích hợp tác để trao đổi tài liệu. Công tác phát triển chuyên môn cũng được sắp xếp theo tuần làm việc của giáo viên.
 
Phần Lan tập trung vào công tác giảng dạy và phát triển thực hành chuyên môn trong tổ chức hệ thống giáo dục, định hướng này đã tạo nên sự phát triển đáng kể các phương pháp dạy học tích cực trong trường học. Ngoài ra, những nỗ lực học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các trường học đã tăng cường “xây dựng một số năng lực hỗ trợ khác”: việc áp dụng rộng rãi các phương pháp thực hành có hiệu quả và việc thử nghiệm các cách tiếp cận đổi mới trên toàn hệ thống, "khuyến khích giáo viên và trường học tiếp tục mở rộng các phương pháp giảng dạy và cá nhân hóa việc giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh".
 
Phần Lan đã kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố này một cách có hệ thống, không đơn giản là việc dốc lực vào quá trình đổi mới và sau đó là thay đổi khóa học sau vài năm, như chúng ta thường thấy các địa hạt của Hoa Kỳ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Phần Lan là một ví dụ điển hình về khả năng xây dựng hệ thống giáo dục mà ở đó học sinh được học với những giáo viên được đào tạo tốt, những giáo viên này cùng nhau tạo nên chương trình giảng dạy chất lượng cao, toàn diện; họ được hỗ trợ các học liệu phù hợp, các phương pháp đánh giá giúp học sinh, giáo viên và nhà trường cùng phát triển tốt hơn.
(Hồng Hạnh lược dịch từ http://www.rethingkingschools.org, Summer 2010).