Giảm hồ sơ tuyển sinh cao đẳng, đại học 2013: đâu là nguyên nhân chính?

10/08/2017 16:55 GMT+7
Theo thông lệ, cứ vào dịp này hàng năm, vấn đề thi tuyển sinh cao đẳng, đại học luôn thu hút được sự quan tâm của cả xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau từ cách thức thi tuyển, vấn đề nội dung, kiến thức thi, tỷ lệ chọi giữa các trường, phân luồng đăng ký các ngành học, công tác chuẩn bị tuyển sinh, lệ phí đăng ký.v.v. Một trong những vấn đề được dư luận, các nhà quản lý rất quan tâm ở chỗ năm nay số lượng hồ sơ đăng ký thi vào các trường cao đẳng, đại học giảm so với những năm trước...

 Đâu là nguyên nhân thực sự? 

         Trong kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng 2013, theo nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia trong các diễn đàn gần đây đều có chung nhận định rằng, việc đăng ký dự thi vào cao đẳng, đại học của thí sinh đã hợp lý hơn, sát thực hơn chính là kết quả của công tác phân luồng học sinh được làm bài bản, ý thức người dân tăng lên... Các chuyên gia cũng như các em thí sinh thấy rằng không nhất thiết phải vào các trường cao đẳng, đại học bằng mọi giá. Và xem đây là nguyên nhân chính của việc giảm số lượng hồ sơ đăng ký năm nay.

        

 

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), không kể số hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh nộp trực tiếp tại các trường, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 là 1.710.983 hồ sơ, trong đó hồ sơ dự thi đại học chiếm 79% (1.343.656 hồ sơ), hồ sơ dự thi cao đẳng chiếm 21% (367.327 hồ sơ). So với năm 2012, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm 6% (gần 100.000 hồ sơ). Tình trạng giảm số lượng hồ sơ diễn ra hầu hết ở các tỉnh/thành phố trong cả nước.

          Từ góc độ phân tích thống kê cho thấy, nguyên nhân được đề cập nói trên có thể đúng nhưng chưa có sự kiểm chứng về độ tin cậy. Tại sao lại như vậy? Bởi nếu số học sinh không đăng ký thi cao đẳng, đại học năm nay họ sẽ đi đâu? Liệu họ có đăng ký học nghề hoặc trung cấp hay tham gia ngay vào thị trường lao động? Hiện chưa có nguồn số liệu nào đánh giá về việc phân luồng nói trên, trong khi kỳ tuyển sinh vào các trường trung cấp, trường nghề lại được diễn ra không cùng kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học.

          Có một yếu tố mà ít người quan tâm đến nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với tình trạng giảm số lượng hồ sơ đăng ký thi vào cao đẳng, đại học năm nay, đó là dân số độ tuổi. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và dự báo do Tổng cục thống kê về dân số độ tuổi 15-19 (nhóm học THPT) thì năm 2013, dân số thuộc nhóm tuổi này giảm khoảng 412 nghìn người, chiếm trên 5%, tương đương với tỷ lệ giảm số hồ sơ so với năm trước. Như vậy, cùng với việc chưa có các bằng chứng khẳng định sự phân luồng theo các hướng khác nhau của học sinh sau tốt nghiệp nói trên thì việc giảm hồ sơ đăng ký thi cao đẳng, đại học năm 2013 là không phải là một hiện tượng gì bất thường, phải chăng chỉ là hiệu ứng do giảm dân số độ tuổi?

           Cần nắm bắt chính xác xu hướng

          Việc nắm bắt được xu hướng phân luồng học sinh sau trung học có một vai trò rất lớn trong quá trình hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô và cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học. Ở cấp vĩ mô có thể biết được xu hướng lựa chọn việc học tiếp hay tham gia thị trường lao động để có sự chuẩn bị tốt nhất trong chính sách giáo dục và thị trường lao động. Nếu học sinh tham gia ngay vào thị trường lao động thì vấn đề tạo công ăn việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp cần phải tính đến. Hoặc nếu học sinh có nhu cầu học cao lên thì sẽ nắm bắt được học sinh chọn học ở trình độ cao đẳng, đại học hay trung cấp, nghề nhà nước có cơ chế mở rộng và phát triển các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế nào để nắm bắt được các thông tin nói trên dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Chẳng hạn, các trường đăng ký chỉ tiêu mà không biết sẽ có số lượng đăng ký thi vào trường, ngành là bao nhiêu. Hoặc có những ngành/trường có rất nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít, trong khi có những ngành/trường số chỉ tiêu được giao nhiều nhưng không có thí sinh đăng ký. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong tuyển sinh, gây lãng phí ở các cơ sở đào tạo.

          Và để có thể nắm bắt chính xác hoặc tương đối chính xác về xu hướng phân luồng học sinh sau trung học nói trên cần có một số giải pháp sau: Thứ nhất, hàng năm cần có các cuộc khảo sát về xu hướng nghề nghiệp (lấy mẫu) vào thời điểm nửa đầu năm học dành cho học sinh lớp 12 hoặc có thể sớm hơn để nắm bắt các ngành nghề, khối trường học sinh lựa chọn hoặc ý định về sau khi tốt nghiệp (tham gia thị trường lao động hoặc học tiếp theo hệ nào). Căn cứ từ những kết quả như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thể định hướng giao hoặc duyệt chỉ tiêu cho phù hợp với các cơ sở đào tạo, tránh tình trạng lãng phí và bất bình đẳng như đã nêu.

          Thứ hai, tiến hành các dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực và đưa các thông tin này ra công chúng để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với các ngành nghề xã hội đang cần. Trong trường hợp các ngành nghề đó không phù hợp với môn học (theo khối tự nhiên, xã hội) thì học sinh sẽ lựa chọn thi vào các trường phù hợp với năng lực học tập của mình.

          Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi số liệu tuyển sinh hàng năm, xu hướng nghề nghiệp của học sinh, thanh niên, gắn kết với các dự báo về dân số, xu hướng việc làm để có những đánh giá, nhận định chính xác về hiệu quả công tác phân luồng sau phổ thông cũng như hoạch định các chính sách giáo dục và việc làm phù hợp với thực tiễn.

           Vì vậy, cần phải có cơ quan, tổ chức thường xuyên theo dõi, dự báo, đánh giá và tiến hành các nghiên cứu, điều tra để nắm bắt xu hướng của học sinh, người dân cũng như hiệu quả của công tác phân luồng học sinh.

(Ths.Nguyễn Văn Chiến- Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực)