Hội thảo thường niên về Khoa học Giáo dục năm 2022

08/12/2022 12:52 GMT+7
Ngày 08/12/2022, tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo thường niên về Khoa học Giáo dục năm 2022 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961), với mong muốn tạo diễn đàn học thuật hàng năm để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm ở trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận các thành tựu mới về lĩnh vực khoa học giáo dục, những vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo thường niên về Khoa học Giáo dục.
  
Hội thảo năm 2022 tập trung vào các nội dung: (i) Những thành tựu mới của nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam và trên thế giới; (ii) Những xu hướng phát triển khoa học giáo dục trong tương lai - cơ hội và thách thức; (iii) Những vấn đề cấp bách của nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam và (iv) Định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục trong giai đoạn tới ở Việt Nam và các giải pháp.
  
Tham dự Hội thảo, có các đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, các nghiên cứu viên và các nhà giáo dục đến từ các cơ sở giáo dục, các tổ chức quốc tế và trong nước, cùng toàn thể các cán bộ, viên chức của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Hội thảo thu hút hơn 200 người tham dự trực tiếp và hơn 100 người tham dự trực tuyến.
  
 
Phát biểu khai mạc, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh coi trọng vai trò và tầm quan trọng của Hội thảo thường niên. Năm 2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam triển khai mới 35 đề tài khoa học và công nghệ các cấp cùng nhiều đề tài, dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài Viện. Với đặc điểm đơn vị nghiên cứu bao phủ tất cả các cấp học và lĩnh vực giáo dục nên Hội thảo thường niên là cơ hội để các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và mở rộng hợp tác nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực. Viện trưởng gửi làm cảm ơn tới các nhà nghiên cứu đã gửi bài trình bày và bài viết cho Kỷ yếu hội thảo, đông thời bày tỏ mong muốn sẽ nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận học thuật có chất lượng tại Hội thảo này.
 

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ chinh sách chuyển đổi số trong giáo dục
 
Ngay sau phần khai mạc là Phiên toàn thể thứ nhất “Chuyển đổi số trong giáo dục” với sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Hữu Châu và GS.TS. Lê Anh Vinh, gồm 03 báo cáo. Báo cáo “Chuyển đổi số trong giáo dục: từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện và vấn đề đặt ra đối với khoa học giáo dục” của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - Bộ GD&ĐT đưa ra vấn đề Khoa học giáo dục đang đứng trước một bài toán lớn và mới, đó là xây dựng cơ sở khoa học cho những đổi mới về tổ chức và hoạt động giáo dục trong môi trường số, rất cần một Chương trình quốc gia về Khoa học giáo dục trước yêu cầu chuyển đổi số.
 

ThS. Nguyễn Thanh Trịnh chia sẻ phát triển thư viện số trong các cơ sở giáo dục phổ thông
 
Báo cáo 2 “Thư viện trường phổ thông Việt Nam trong bổi cảnh chuyển đổi số và đổi mới chương trình, sách giáo khoa” do ThS. Nguyễn Thanh Trịnh - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia trình bày. Thư viện trường học đáp ứng đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông và chuyển đổi số cần lưu ý phát triển toàn diện các yếu tố: môi trường vật chất, môi trường số, nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân lực, chương trình thư viện, liên kết và hợp tác, chia sẻ và kết nối.
 

TS. Lương Minh Phương trình bày báo cáo về tiếp cận số của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số
 
Báo cáo 3 “Năng lực số và khả năng tiếp cận việc làm phù hợp với thanh niên dân tộc thiểu số trong bối cảnh kinh tế số ở Việt Nam” của TS. Lương Minh Phương - Trung tâm Thông tin - Dự báo đưa ra kết luận hầu hết các yếu tố (từ điều kiện kinh tế - xã hội, động lực học, khả năng ngôn ngữ đến môi trường học tập và điều kiện hỗ trợ phát triển) đều đang chưa có tác động tích cực đến phát triển năng lực số của thanh niên dân tộc thiểu số. Thanh niên dân tộc thiểu số tự ý thức được và cũng được mong đợi rằng họ cần năng lực số để triển khai công việc đáp ứng yêu cầu đặt ra của công việc trong nền kinh tế số, đồng thời đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc trong công việc khi làm việc trực tuyến.
 

GS. TS. Nguyễn Hữu Châu điều hành phiên thảo luận
 
Các ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề liên quan đến các nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số hiệu quả, như: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực (giáo viên),…; năng lực số của học sinh, thanh thiếu niên trong thời đại số, an toàn số; bối cảnh trong và sau Covid-19 mở ra những cơ hội mới và động lực để thúc đẩy chuyển đổi số.
 

Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng trao đổi tại phiên toàn thể
 
Phiên toàn thể thứ hai “Giáo dục giá trị văn hoá” với sự điều hành của PGS.TS. Trần Huy Hoàng và PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ. Báo cáo 1 “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông trong bối cảnh mới” của TS. Đỗ Thu Hà - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đề xuất một số giải pháp giáo dục giá trị văn hoá cho học sinh phổ thông, gồm: giáo dục giá trị văn hoá qua xây dựng môi trường văn hoá học đường, giáo dục giá trị văn hoá qua dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, giáo dục giá trị văn hoá qua dạy học các môn học và nội dung giáo dục địa phương, giáo dục giá trị văn hoá qua tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.
 
Báo cáo 2 “Vai trò của nhà trường đối với xây dựng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận - Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học. Giáo dục công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam thông qua môn học và hoạt động giáo dục cho học sinh là hết sức phù hợp và cần thiết, góp phần đào tạo một thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thích ứng yêu cầu của thời cuộc. Không chỉ thế, xây dựng văn hoá trường học dựa trên tiêu chí an toàn, thân thiện, lành mạnh, tôn trọng sự khác biệt và không bạo lực học đường còn thực sự làm cho nhà trường trở thành cái nôi giúp nhân cách con người được phát triển và hoàn thiện, hướng con người có khát vọng vươn tới chân - thiện - mĩ.
   
Báo cáo 3 “Sử dụng phương tiện và các nguồn tài nguyên sáng tạo dựa trên nghệ thuật trong giảng dạy tiếng Anh” của ThS. Nguyễn Ngọc Ánh - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học. Đây là dự án hợp tác giữa Viện KHGDVN và trường Đại học Glasgow, Vương quốc Anh nhằm xây dựng mạng lưới giáo viên và nghệ sĩ sáng tạo thông qua mô hình nhóm hoạt động GV để hỗ trợ việc phát triển các kế hoạch bài học, hoạt động sáng tạo tích hợp việc học ngôn ngữ với các phương pháp sáng tạo và dựa trên nghệ thuật.
 
Các đại biểu đưa ra các ý kiến trao đổi, thảo luận liên quan đến các giá trị văn hoá cần phát triển cho học sinh phổ thông, các hình thức đa dạng giáo dục giá trị văn hoá cho học sinh, gắn phát triển giá trị văn hoá bản thân với văn hoá nhà trường và văn hoá cộng đồng. Kết thúc chương trình làm việc buổi sáng, Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng tóm tắt các nội dung chính của từng phiên toàn thể.
  

Viện trưởng cùng các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp taị hội trường
 
Theo dự kiến, chương trình hội thảo buổi chiều bao gồm bốn phiên, “Giáo dục mầm non” với dự điều hành của PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh và ThS. Phạm Hà Thương và “Quản lý giáo dục và Giáo dục Đại học” với sự điều hành của TS. Trịnh Thị Anh Hoa và TS. Trần Thị Phương Nam, "Giáo dục phổ thông" do PGS. TS. Trần Kiều và TS. Dương Quang Ngọc điều hành, và "Công bằng trong giáo dục" do TS. Nguyễn Minh Tuấn và TS. Vương Thị Phương Hạnh điều hành.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam