Lễ ký kết thoả thuận hợp tác với Trung tâm CNTT-TT Vietnet và Tập đoàn Meta

01/11/2023 08:01 GMT+7
Sáng ngày 31/10/2023, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm CNTT-TT Vietnet (Vietnet-ICT) và Tập đoàn Meta.

Tham dự buổi lễ, có sự hiện diện của GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bà Ngô Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Vietnet-ICT, Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta, Bà Thảo Griffiths - Giám đốc Chính sách công, thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, Tập đoàn Meta, cùng đại diện các chuyên gia của ba đơn vị.
 
Trong thời đại số hóa và Internet bùng nổ như ngày nay, việc phát triển đào tạo, nâng cao năng lực và tư duy về kỹ năng số cho thanh thiếu niên trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo tương tác tích cực, xây dựng thế giới số lành mạnh và văn minh. Thoả thuận hợp tác ba bên giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Vietnet-ICT và Tập đoàn Meta hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của giáo dục kỹ năng số tại Việt Nam và chúng ta sẽ đóng góp vào sự phát triển của đất nước thông qua việc đào tạo và phát triển tốt nhất các kỹ năng cần thiết trên không gian mạng cho một thế hệ công dân số trong hiện tại và tương lai.
 
 
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh trong thời gian qua, vấn đề nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên toàn quốc đã được Bộ GD&ĐT chú trọng quan tâm, Viện KHGDVN là đơn vị được giao chủ trì xây dựng “Khung năng lực số cho học sinh Việt Nam gắn với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”. Viện KHGDVN đang tiến hành khảo sát và phân tích dữ liệu để đưa ra những vấn đề cần giải quyết liên quan đến năng lực số không chỉ của học sinh mà còn của các nhà quản lý giáo dục và giáo viên. Năng lực số về an toàn thông tin trên không gian mạng là một trong những vấn đề còn nhiều bất cập và cần được ưu tiên giải quyết. Ông mong đợi với sự chung tay của các bên, các hoạt động về nâng cao năng lực số và an toàn trực tuyến cho học sinh Việt Nam sẽ được lan toả, mở rộng phạm vi của chương trình để tiếp cận tới những nhà giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh trên toàn quốc.
 
 
Tiếp theo là bài phát biểu của Ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình chính sách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành Quốc gia số vào năm 2030 và tập trung vào phát triển Kinh tế số, Xã hội số và Chính phủ số, là một phần của hệ sinh thái thúc đẩy Công dân số tại Việt Nam, Meta tự hào có những đóng góp hướng tới mục tiêu này. Ông Ruici Tio bày tỏ sự vui mừng vì sự kết nối giữa ba bên bắt đầu từ năm 2021 đã có những bước phát triển mới, được đánh dấu bằng lễ kí kết thoả thuận hôm nay. Ông hy vọng quan hệ hợp tác giữa ba bên sẽ đóng góp vào mục tiêu Quốc gia số và đảm bảo “để không ai bị bỏ lại phía sau” trong các hoạt động phát triển kỹ năng số.
 
 
Bà Ngô Minh Trang - Giám đốc Trung tâm Vietnet-ICT trình bày những thành tựu đã đạt được trong hai năm qua giữa ba bên. Chương trình tư duy thời đại số cung cấp nguồn tài liệu và các khoá tập huấn với mục tiêu xây dựng các kỹ năng cần thiết cho một thế hệ công dân số thế kỷ 21. Tư duy thời đại số giúp trang bị cho chúng ta những kỹ năng số cơ bản, cần thiết cho mọi người như tư duy phản biện, sự tôn trọng trong giao tiếp và thấu cảm trong thế giới trực tuyến. Các hoạt động chính bao gồm: Chính thức hoá các tài nguyên đào tạo; Tổ chức các cuộc thi dành cho giáo viên, phụ huynh; Tổ chức các hội thảo chia sẻ bài học kinh nghiệm; Thực hiện báo cáo rà soát chương trình và tác động.
 
 
Lễ ký kết hợp tác giữa, Vietnet-ICT và Meta sẽ là dịp công bố thỏa thuận hợp tác giữa ba bên nhằm (1) Thúc đẩy kỹ năng số và kiến thức an toàn trực tuyến cho học sinh Việt Nam thông qua nhiều hoạt động như: Cải thiện tài nguyên giáo dục về kiến thức số và các chủ đề liên quan như: Chính thức hóa tài nguyên chương trình Tư duy thời đại số (We Think Digital) để phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam, Hướng tới việc tích hợp các nguồn lực chính thức vào các cơ sở giáo dục ở Việt Nam; (2) Mở rộng phạm vi tiếp cận của chương trình tới hệ sinh thái hỗ trợ học sinh, bao gồm trường học, giáo viên, phụ huynh, nhà giáo dục,... trên khắp Việt Nam để trang bị cho học sinh tại Việt Nam những nội dung quan trọng của Chương trình thông qua nỗ lực hợp tác và đóng góp của các Bên.
 
Sau lễ ký kết, ba bên sẽ tiếp tục trao đổi chi tiết về các vấn đề hợp tác trong thời gian tới.
 
 
  Các đại biểu tham dự buổi lễ
 
Tin bài: Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam
Ảnh: Trung tâm Vietnet-ICT