Tập huấn “Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh phổ thông” cho giáo viên tại Hà Nội

10/10/2024 09:47 GMT+7
Ngày 09/10/2024, tại trụ sở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 04 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, đã diễn ra buổi tập huấn về “Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh phổ thông” dành cho cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn Hà Nội.

Tham dự có ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Cục Công nghệ thông tin – Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng – Khoa học công nghệ - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại biểu từ Tổ chức UNICEF Việt Nam, cùng đông đảo cán bộ và giáo viên. Về phía Viện, Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng các chuyên gia nghiên cứu dự án đã tham gia trực tiếp.
  
  
  
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, đồng thời chỉ ra những thách thức cần cân nhắc khi ứng dụng AI trong nhà trường. Ông cho biết việc tích hợp AI vào chương trình học vẫn chưa đồng nhất trên thế giới, và một số quốc gia đã có chương trình giảng dạy AI, trong khi nhiều nơi vẫn chưa có khung năng lực chính thức. Điều này đặt ra yêu cầu về hướng dẫn và tiêu chuẩn quốc tế để giảng dạy AI hiệu quả. Các vấn đề về an toàn, quyền riêng tư, và đạo đức cũng cần được chú trọng khi triển khai AI trong giáo dục, tránh việc phụ thuộc quá mức vào công nghệ mà ảnh hưởng đến khả năng tư duy sáng tạo của học sinh và giáo viên.
 
 
  
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Cường gửi lời cảm ơn Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vì sự hợp tác trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh rằng tập huấn này sẽ giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận sâu hơn với chuyển đổi số và ứng dụng AI trong giảng dạy, nhưng cần có những định hướng rõ ràng để giáo viên và học sinh sử dụng AI hiệu quả, tránh lạm dụng.
 
 
  
Mở đầu buổi tập huấn, ông Lê Anh Vinh đã trình bày về sự phát triển của AI và xu hướng ứng dụng trong giáo dục, cùng với khung năng lực AI đề xuất cho học sinh phổ thông. Theo ông, cần trả lời ba câu hỏi chính khi đưa AI vào chương trình học: Tại sao phải học AI? Dạy và học AI như thế nào? Học sinh nên học gì về AI? Các câu hỏi này đòi hỏi cái nhìn đa chiều từ các chuyên gia công nghệ đến người sử dụng. Khung năng lực AI đề xuất bao gồm bốn khía cạnh chính: tư duy lấy con người làm trung tâm, đạo đức AI, kỹ năng sử dụng AI, và thiết kế hệ thống AI.
 
Ông Lương Đình Hải từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trình bày về khía cạnh Tư duy lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh trách nhiệm của con người trong thiết kế và sử dụng AI. Bài trình bày cũng đề cập đến những lợi ích mà AI mang lại trong giáo dục như cá nhân hóa học tập, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những rủi ro như vi phạm quyền riêng tư và phụ thuộc vào công nghệ.
  
  
  
Tiếp đó, ông Đỗ Đức Lân đã trình bày về Đạo đức trong sử dụng AI, với nội dung xoay quanh việc sử dụng AI có trách nhiệm và an toàn, đồng thời nêu bật các nguyên tắc đạo đức cần tuân thủ khi ứng dụng AI vào giáo dục. Ông cũng nhấn mạnh rằng giáo dục về đạo đức AI là cần thiết để mọi người hiểu rõ về tác động xã hội của công nghệ này.
 
  
  
Cuối cùng, ông Lê Quang Quân trình bày về Kỹ năng sử dụng AI, đi sâu vào các khả năng chính của AI như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, và tự động hóa. Ông nhấn mạnh rằng các hệ thống AI cần được cải tiến liên tục để đảm bảo hiệu quả trong giảng dạy và học tập.
 
 
  
Phiên tập huấn buổi chiều được mở đầu với phần trình bày của ông Nguyễn Hoài Nam từ Cục Công nghệ thông tin, đã hướng dẫn các thầy cô cách tích hợp các công cụ AI tạo sinh vào giảng dạy, đặc biệt là những công cụ như ChatGPT và DALL-E, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình dạy học. Ông nhấn mạnh rằng, dù AI mang lại nhiều lợi ích, nhưng vẫn tồn tại những thách thức về quyền riêng tư, tính minh bạch và nguy cơ sai lệch thông tin (deepfake). Kết thúc buổi tập huấn, các thầy cô đã được chia sẻ những công cụ AI đang được ứng dụng trực tiếp trong giảng dạy và nhận được sự tư vấn từ chuyên gia của Viện về cách thức triển khai AI hiệu quả trong giảng dạy.
 
 
Đại biểu thảo luận tại hội trường
 
 
 

 
  

Các đại biểu tham dự tập huấn
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam