Nghiệm thu đề tài cấp Viện “Kinh nghiệm NAPLAN về quy trình thiết kế để kiểm tra đo lường năng lực đọc hiểu và năng lực toán học của học sinh phổ thông”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 27 tháng 12 năm 2012, Viện KHGDVN đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Viện “Kinh nghiệm NAPLAN về quy trình thiết kế để kiểm tra đo lường năng lực đọc hiểu và năng lực toán học của học sinh phổ thông”, mã số: V2011-02NV, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của NAPLAN về quy trình thiết kế đề kiểm tra đo lường năng lực đọc hiểu và năng lực toán học của học sinh phổ thông.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

1/ Về lý luận

- Hệ thống hóa, làm sáng tỏ hơn một số khái niệm liên quan tới đề tài như đánh giá, kiểm tra, kết quả học tập, đánh giá kết quả học tập, năng lực, năng lực Toán học, năng lực đọc hiểu và đánh giá năng lực.

- Tổng quan một số phương thức đánh giá giáo dục đang được sử dụng trên thế giới.

- Nêu lên qui trình xây dựng đề kiểm tra đánh giá theo NAPLAN và cấu trúc của đề kiểm tra đánh giá năng lực Toán học và năng lực đọc hiểu.

2/ Về thực tiễn

- Đưa ra được thực trạng đáp ứng đề kiểm tra của NAPLAN đánh giá năng lực Đọc hiểu và Toán học của học sinh Việt Nam.

- Đề xuất vận dụng quy trình NAPLAN trong đánh giá môn Toán, môn Ngữ văn ở trường phổ thông

- Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng công cụ đánh giá của NAPLAN vào thực tế Việt Nam.

3/ Khuyến nghị

Qua việc tìm hiểu quy trình thiết kế đề kiểm tra đo lường năng lực đọc hiểu và năng lực toán học của NAPLAN, có thể đưa ra một số khuyến nghị sau:

Mặc dù không thể nói đến tính chính xác tuyệt đối, nhưng một trong những yêu cầu mang tính nguyên tắc của đánh giá là phải hướng đến sự chính xác, khách quan, công bằng nhất có thể. Để làm được điều đó, cần vận dụng các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá để kết quả đánh giá ngày càng chính xác, khách quan và công bằng hơn. Do đó, cần có những nghiên cứu chuyên sâu các thành tựu này để có những ứng dụng phù hợp với thực tiễn giáo dục phổ thông Việt Nam, đặc biệt là trong đánh giá trên diện rộng và thi cử.

Quan niệm về mục tiêu của đánh giá: Australia quan niệm mục tiêu lớn nhất của đánh giá, đó là sự tiến bộ của từng cá nhân. Kể cả các kì đánh giá quốc gia NAPLAN thì cũng nhằm để HS thấy sự tiến bộ của mình, điều đó làm cho người học không cảm thấy áp lực đối với đánh giá. Do đó, từ bài học của NAPLAN, Việt Nam cần tiến hành các đánh giá theo hướng so sánh sự tiến bộ của cá nhân theo hướng đánh giá năng lực.

Quy trình đánh giá gồm 3 công đoạn lớn: thu thập thông tin, xử lý thông tin và ra quyết định. Việc thu thập thông tin thường là sử dụng các bộ công cụ, do đó muốn có được những quyết định đúng đăn, việc đầu tiên cần có các bộ công cụ chuẩn. Đặc biệt đối với các đánh giá quan trọng, các kỳ thi thì bộ công cụ phải được chuẩn hóa. Nghĩa là nó phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân theo một quy trình chuẩn, được đánh giá một cách cẩn thận trước khi sử dụng.

Việc xác định các lĩnh vực học tập, nội dung học tập và các tiêu chí cho đánh giá trên diện rộng cần được quan tâm nhiều hơn. Đây là cơ sở cho việc xây dựng bộ công cụ cũng như báo cáo kết quả đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Thông qua đánh giá NAPLAN, có thể thấy rằng việc xây dựng một thang đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt cho các kỳ thi và đánh giá trên diện rộng. Sử dụng thang này có thể so sánh giữa các nhóm học sinh khác nhau tại một thời điểm cũng như có thể so sánh được một nhóm học sinh qua các giai đoạn khác nhau. Việc xây dựng thang đánh giá cần áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp của đánh giá và đo lường trong giáo dục, do đó việc nghiên cứu trên là thực sự cần thiết.