Nghiệm thu đề tài “Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 11/9/2014, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài “Tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non”, mã số: V2013-09, do Th.S Chu Thị Hồng Nhung làm chủ nhiệm

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá thực trạng việc tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, bước đầu đề xuất một số biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở một số trường mầm non trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu:

     Kĩ năng xã hội ở trẻ mẫu giáo có thể hiểu là
một dạng hành động của trẻ nhằm thực hiện các mối quan hệ với sự vật, hiện tượng xung quanh trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm xã hội với điều kiện, hoàn cảnh giúp trẻ giao tiếp, tương tác, thích nghi với trường lớp, cộng đồng gần gũi. Vì vậy việc tổ chức hoạt động nhằm giáo dục các kĩ năng xã hội sẽ góp phần quan trọng giúp trẻ tự tin, mạnh dạn, tự lực, linh hoạt, dễ hòa nhập, dễ chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tham gia vào cuộc sống, chuẩn bị tốt cho việc học tập ở tiểu học và các bậc học sau.
     Để hình thành kĩ năng xã hội cho trẻ thì trước hết trẻ cần phải có kiến thức về hành động, đặc biệt trẻ phải biết cách vận dụng kiến thức, kinh nghiệm vào thực hành luyện tập và sử dụng kĩ năng một cách linh hoạt trong những điều kiện khác nhau.
     Hiện nay, việc giáo dục kĩ năng xã hội đã được triển khai thông qua một số hoạt động theo chế độ sinh hoạt một ngày ở trường mầm non. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này và còn một số hạn chế nhất định như: Nhiều nội dung giáo dục các hành vi như tôn trọng bạn, tôn trọng người lớn, biết chia sẻ kinh nghiệm của mình với bạn, biết giải quyết mâu thuẫn, chấp nhận ý kiến hợp lý của người khác… chưa được giáo viên thường xuyên chú trọng giáo dục trẻ; Trong các hoạt động thực tế ở lớp có nhiều tình huống cần được giáo viên định hướng để trẻ giải quyết song một phần do sĩ số lớp đông, phần nữa là do giáo viên chưa thực sự sát sao nhắc nhở hay kịp thời giải thích, điều chỉnh giúp trẻ ở một số tình huống;  Hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục của giáo viên chưa thực sự giúp trẻ có nhiều cơ hội được trải nghiệm các tình huống khác nhau trong cuộc sống.
      Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đề tài đã bước đầu đề xuất 4 biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ. Đó là các biện pháp: Lập kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi; Xây dựng hệ thống bài tập tình huống để giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi; Tăng cường vốn sống, vốn kinh nghiệm cho trẻ mẫu giáo về các mối quan hệ xã hội; Phối hợp với gia đình trong việc giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo. Các biện pháp này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ.
     Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm phong phú hơn nguồn tư liệu tham khảo cho giáo viên mầm non để tổ chức hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở trường mầm non; Là tài liệu tham khảo cho giáo viên mầm non, CBQL và các bậc cha mẹ trong giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.

Tin khác