Nghiệm thu đề tài khoa học & công nghệ cấp Bộ “Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở”

15/11/2018 15:41 GMT+7
Ngày 13/11/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học & công nghệ cấp Bộ “Phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho giáo viên chủ nhiệm ở trường Trung học cơ sở” Mã số B2016-VKG-07 do TS. Hoàng Gia Trang chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài

Đề xuất các biện pháp phát triển năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên chủ nhiệm ở trường THCS.

Kết quả nghiên cứu của đề tài

Dựa trên kết quả nghiên cứu, đề tài đưa ra một số kết luận sau đây:

- Học sinh THCS có nhu cầu được tư vấn tâm lí về nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp, tư vấn học tập, tư vấn phòng ngừa tệ nạn xã hội được nhiều HS coi là rất cần thiết. Các yếu tố địa bàn sinh sống, giới tính có ảnh hưởng đến nhu cầu tư vấn của HS.

- Đa số GVCN tham gia khảo sát đã từng tư vấn, giải quyết khó khăn tâm lí của HS. Tuy nhiên, hầu hết số giáo viên này chưa được tập huấn, bồi dưỡng về tư vấn tâm lí nên hiệu quả tư vấn, hỗ trợ cho HS còn hạn chế nhất định. Qua đánh tự đánh giá của GVCN và đánh giá của HS cho thấy: phần đông GVCN hiểu được về năng lực tư vấn tâm lí và nhiệt tình, tích cực giải quyết các khó khăn của HS. Tuy nhiên, họ thiếu các kĩ năng tư vấn cơ bản.

- Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực TVTL của GVCN. Trong đó, các yếu tố chủ quan thuộc về giáo viên gồm: nhận thức, kĩ năng và sự nhiệt tình của GVCN ảnh hưởng nhiều đến năng lực tư vấn của họ. Đối với các yếu tố khách quan, sự phối hợp của cha mẹ HS và sự nhận thức của cha mẹ HS, HS, cán bộ quản lí giáo dục và xã hội.

- Để phát triển năng lực tư vấn tâm lí cho GVCN cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về tư vấn tâm lí; bồi dưỡng kĩ năng tư vấn tâm lí cho GVCN và phối hợp các lực lượng giáo dục tham gia vào công tác tư vấn cho HS.  

 

Đề tài cũng đưa ra một số khuyến nghị:

- Đối với cán bộ quản lí giáo dục 

Thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác tư vấn tâm lí trong các trường học hiện nay thông qua việc phổ biến và ban hành các văn bản của ngành giáo dục về tư vấn tâm lí cho HS.

Chỉ đạo xây dựng diễn đàn giúp các GV và chuyên gia tư vấn có thể chia sẻ thông tin, kiến thức, kĩ năng về tư vấn tâm lí,  trường hợp điển hình về khó khăn tâm lí ở HS và cách hỗ trợ để nâng cao năng lực tư vấn cho GV.  

Kiểm tra, giám sát công tác TVTL cho HS ở các trường học. Đồng thời, có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tư vấn. Kịp thời động viên, khen thưởng đối với giáo viên làm tốt nhiệm vụ tư vấn, có sáng tạo trong hoạt động.

Đối với giáo viên làm công tác tư vấn

o   Hoạt động tư vấn tâm lí cho HS cần được đưa vào kế hoạch năm học của các nhà trường. Đồng thời có sự đánh giá đối với việc thực hiện hoạt động này để xem xét tính hiệu quả và có sự điều chỉnh phù hợp nhằm giúp giáo viên thực hiện tốt công việc của mình.

o   Tổ chức hoạt động bồi dưỡng tư vấn tâm lí cho giáo viên, chú trọng vào việc thực hành các kĩ năng, xử lí các trường hợp điển hình để tạo ra kĩ năng tư vấn thành thạo cho giáo viên.

o   Tạo các điều kiện thuận lợi cho GV thực hiện công tác tư vấn như phòng tư vấn, các trang thiết bị phục vụ tư vấn (bàn, ghế, máy ghi âm, tài liệu..). 

- Đối với các lực lượng giáo dục

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa giáo viên tư vấn với cha mẹ HS và các lực lượng giáo dục khác nhau Đoàn, Đội, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ…

Công tác phối hợp có thể tiến hành định kì hoặc đột xuất theo yêu cầu của sự việc xảy ra nhằm giúp giáo viên tư vấn có thể tư vấn, hỗ trợ tốt nhất vấn đề cần giải quyết.

 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo 
 

Tin khác