Hội thảo Phòng, chống bạo lực trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non

21/01/2019 14:50 GMT+7
Nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển GDMN Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, hướng tới thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu 4.2. “tất cả trẻ em trai và trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục phát triển trẻ thơ có chất lượng”, đồng thời, thực hiện kế hoạch hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Việt Nam, ngày 18/1/2019, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD VN) đã phối hợp với tổ chức UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phòng, chống bạo lực trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Bộ GD&ĐT Thứ trưởng TS. Nguyễn Thị Nghĩa, GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện KHGDVN; Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, UNICEF Việt Nam - Bà Simone Vis - Trưởng Chương trình Giáo dục và các cán bộ của UNICEF tại Việt Nam cùng rất nhiều đại biểu, khách mời là những nhà quản lí, nhà khoa học, chuyên viên, nghiên cứu viên đến từ các Cục, Vụ của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, Viện KHGD Việt Nam, Trung ương Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển, các nhà giáo đến từ các trường cao đẳng, đại học, hiệu trưởng và các giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được chia sẻ những vấn đề lí luận và thực tiễn về bạo lực trẻ em (BLTE) trong các cơ sở giáo dục mầm non, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực trẻ mầm non từ các góc độ tiếp cận: nghiên cứu; chỉ đạo; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, đảm bảo tốt hơn môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, giúp trẻ em có sự phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời.

Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã tập trung vào 2 chủ đề sau:

Chủ đề 1: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về bạo lực trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non với các bài viết phản ánh các nội dung:

Nhận diện về BLTE và BLTE trên cơ sở giới/ chiều cạnh giới; BLTE nhìn từ góc độ kì vọng giới của giáo viên mầm non.

Các quy định pháp luật ở Việt Nam về bảo vệ trẻ em và phòng, chống BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Thực trạng về BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Chủ đề 2: Giải pháp phòng, chống bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non với các bài viết về:

-  Kinh nghiệm quốc tế về giải pháp phòng, chống BLTE và bài học cho Việt Nam.

Các giải pháp phòng, chống BLTE nhìn từ góc độ đào tạo giáo viên mầm non, từ quản lý bậc học ở địa phương và quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, cũng như kinh nghiệm phòng, chống bạo lực đối với trẻ em gái.

Nhìn chung, các tham luận một mặt đều thống nhất coi BLTE là hành vi gây tổn thương cho trẻ em, với nhiều hình thức: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực và lạm dụng tình dục, xao nhãng hoặc bỏ mặc trẻ. Với các biểu hiện đan xen và phức tạp: Định kiến; Phân biệt đối xử không công bằng; Đánh đập, ngược đãi, không đảm bảo các nhu cầu về sinh lý, vệ sinh, an toàn; Chế giễu, trêu trọc, chê bai, gọi trẻ bằng biệt hiệu…; So sánh có ý chê bai, hạ thấp trẻ; Xao nhãng, bỏ mặc không quan tâm đầy đủ đến nhu cầu thể chất và tinh thần của trẻ; Lợi dụng trẻ (sức lao động, ảnh, clip…) để mưu lợi hoặc để phục vụ nhu cầu giải trí của cá nhân, tổ chức; Xâm hại tình dục trẻ em. Đối tượng gây ra BLTE có nhiểu, trước hết là người chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà trường, gia đình, sau là trẻ - trẻ và những người lớn khác trong môi trường gần gũi; Các nghiên cứu cũng chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực của BLTE đến sự phát triển của trẻ; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng BLTE nhìn từ các góc độ khác nhau. 

Mặt khác, nhiều tham luận tập trung giới thiệu kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về giải pháp phòng, chống BLTE trong cơ sở giáo dục mầm non, vấn đề phòng, chống BLTE nhìn từ cấp quản lí ngành, quản lí cơ sở giáo dục, trong đào tạo giáo viên mầm non và khuyến nghị cụ thể cho các đối tượng có liên quan nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở Việt Nam.

Hội thảo đã diễn ra thành công trong không khí trang trọng, cởi mở, nghiêm túc và khoa học. Sau khi lắng nghe các báo cáo tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi, trao đổi làm sâu sắc thêm các vấn đề quan trọng về phòng, chống BLTE trong các cơ sở giáo dục mầm non nhằm nhận thức đúng về BLTE và BLTE trên cơ sở giới; thống nhất về những giải pháp/ mô hình hiệu quả trong phòng, chống BLTE từ góc độ quản lý trường mầm non công lập và tư thục; quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục; trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non – đây chính là cơ sở quan trọng để các cấp quản lí ban hành các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLTE ở các cơ sở giáo dục mầm non.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 
 

Chủ trì Hội thảo (từ trái qua phải): Bà Lê Anh Lan, Bà Simone Vis,
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Viện trưởng Trần Công Phong

 
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Mầm non,
Viện KHGD VN – Đại diện đơn vị tổ chức phát biểu tại Hội thảo

 
 

PGS.TS. Trần Kiều – Chủ tịch Trung Ương Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam 
(Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)

  
 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo
(Ảnh: Do Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non cung cấp)